Rộn ràng Lễ hội mừng lúa mới ở Tây Nguyên

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 29/02/2016

  (TN&MT) - Cứ mỗi độ Xuân về, sau dịp Tết Nguyên đán, khi lúa ngoài đồng đã được thu hoạch xong, bà con người đồng bào dân tộc Ja Rai ở một số làng dân...

 

(TN&MT) - Cứ mỗi độ Xuân về, sau dịp Tết Nguyên đán, khi lúa ngoài đồng đã được thu hoạch xong, bà con người đồng bào dân tộc Ja Rai ở một số làng dân tộc ở Tây Nguyên lại rộn ràng chuẩn bị cho Lễ mừng lúa mới.

Trong xu thế hội nhập văn hóa giữa các dân tộc anh em và sự phát triển nhanh của nền kinh tế-xã hội, thì đây được xem như là một nét văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiếu số vẫn được bà con gìn giữ và bảo tồn.

Múa cồng chiêng là một hoạt động được biểu diễn sau Lễ cúng lúa mới để người dân làng cùng vui chơi, nhảy múa.
Múa cồng chiêng là một hoạt động được biểu diễn sau Lễ cúng lúa mới để người dân làng cùng vui chơi, nhảy múa.

Cúng Yang để tạ ơn

Làng Mơ Nông Yố (xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là một trong số ít các làng người dân tộc Ja Rai ở Gia Lai nói chung và Tây Nguyên nói riêng vẫn còn giữ được phong tục làm Lễ mừng lúa mới.  Năm nào cũng vậy, vào tháng 1 - 2 dương lịch, khi toàn bộ lúa chín ngoài đồng đã được thu hoạch hết, cũng là lúc người làng Mơ Nông Yố chuẩn bị lễ vật để mừng lúa mới. Đúng với tên gọi của lễ hội, lúa mới thu hoạch là sản phẩm chính để chế biến các món ăn tế Yang. Gạo được bà con trong làng đóng góp cách lễ hội chừng nửa tháng. Gạo này được dùng để ủ rượu ghè, một phần được giã thành bột mịn, nấu chung với thịt heo, một phần để dành để nấu cơm lam.

Vật phẩm để cúng Yang còn phải có một con heo to và một con gà to. Heo và gà được làm thịt và lấy tai, phổi, gan cắt nhỏ gói đùm vào lá chuối xanh, thịt được quay chín vàng. Tất cả để lên một cái bàn, bên cạnh cây nêu giữa sân nhà Rông. Theo quan niệm của người Ja Rai, heo to và gà to thể hiện lòng thành kính, biết ơn của dân làng đối với Yang và với các vị thần linh. Ông Rơ Châm Hmút, người làng Mơ Nông Yố chia sẻ: “Lễ mừng lúa mới được tổ chức ở nhà riêng hoặc nhà Rông của làng. Lễ hội này là để tạ ơn Yang đã cho dân làng một vụ mùa bội thu, cầu mong Yang ban cho dân làng sức khỏe và một một vụ mùa mới có nhiều thóc lúa”.

Bước vào nghi lễ, người được chỉ định sẽ làm già làng tương lai sẽ thay mặt cho làng cúng Yang. Trước sự chứng kiến của bà con dân làng, người cúng đọc vang lời khấn: “Ơ Yang, Yang Chư, Yang Ya, Yang Moa, Yang Pơ Te, Yang Clai, Yang Clo…, xuống chơi làng tôi. Ngày nay, tôi có khấn lên một con heo to, một con gà to, ghè rượu to. Mời Yang xuống uống rượu cần. Sau này, Yang phù hộ cho làng tôi có lúa nhiều để tôi nuôi con cái, làm ăn phát đạt, không ốm yếu, không đói, để cả làng no ấm. Ơ Yang!”

Sau bài khấn của già làng, trai tráng thì tấu lên những bài cồng chiêng vui tươi như gọi thần linh, gọi mùa xuân về. Còn các cô gái rộn ràng, uyển chuyển nắm tay cùng múa xoang dưới chân nhà Rông. Người già tuổi nhất làng vít cong ngọn cần trong ché rượu, uống mở màn, những người ít tuổi hơn uống sau. Sau màn uống rượu, dân làng hạ heo, gà xuống, cùng nhau ăn uống, hát múa tưng bừng. Chị Rơ Chăm Seng, người làng Mơ Nông Yố nói: “Lễ mừng lúa mới rất vui, có người đánh chiêng, có người uống rượu ghè, ai thích hát thì hát. Tôi thích được tham gia xoang cùng đoàn cồng chiêng. Trong lễ cúng, tôi cũng cầu mong Yang phù hộ cho gia đình mình có lúa thóc đầy nhà trong niên vụ tiếp theo, mọi người trong gia đình được bình an, no đủ”.

Đậm nét văn hóa truyền thống

Lễ mừng lúa mới là lễ hội mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh của người Ja Rai. Người ta tin rằng, xung quanh cuộc sống của con người, có rất nhiều vị thần như thần sông, thần núi, thần lửa…, luôn dõi theo, bảo vệ, phù trợ cho con người. Cho nên, mọi may mắn, rủi ro trong cuộc sống, trong lao động sản xuất đều có sự can thiệp của thần linh; vụ mùa bội thu, lúa thóc đây đồng là nhờ sự giúp đỡ của các vị thần. Lễ mừng lúa mới ở làng Mơ Nông Yố là dịp để dân làng tỏ lòng biết ơn với các vị thần linh đã giúp cho cả làng có một vụ mùa tươi tốt, bội thu; ban cho người già, trẻ nhỏ có sức khỏe, ít ốm đau và cầu mong cho niên vụ mới ấm no, sung túc hơn.

Ông Nguyễn Quang Tuệ - Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai nhận định: “Bản chất của việc cúng Yang trong lễ mừng lúa mới là kêu gọi thần linh phù hộ cho dân làng. Về mặt ý nghĩa là tôn trọng nghề nông, tôn trọng người làm nông, tôn trọng cây lúa. Và bao trùm lên tất cả, nó là biểu hiện của tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Vì đồng bào tin tưởng vào tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Nên đồng bào thể hiện rằng, chúng tôi đã đền ơn, đáp nghĩa thần linh như thế. Nó tạo nên sự thoải mái trong tư tưởng. Thứ hai là ở trong cộng đồng, nó tạo nên một không khí vui tươi, thoải mái. Về mặt văn hóa, nó như một hình thức bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống”.

Ngày nay, sản xuất nông nghiệp của người dân ở Mơ Nông Yố không còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, vì người dân đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào việc sản xuất, bảo vệ mùa màng. Tuy nhiên, hàng năm, họ vẫn tổ chức lễ mừng lúa mới, với nghi lễ trang trọng. Bởi lễ mừng lúa mới ngày nay không chỉ là một lễ hội đậm đặc tính tâm linh nữa, mà chính là nơi dân làng hội họp, vui chơi, múa hát và say sưa sau chuỗi ngày lao động vất vả.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng trên dưới 2000 làng đồng bào Ja Rai và Ba Na, nhưng số làng giữ gìn và tổ chức lễ mừng lúa mới đều đặn hàng năm không còn nhiều. Nguyên nhân là do sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân không còn gắn bó với cây lúa mà chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều dân làng từ bỏ tín ngưỡng truyền thống, tiếp nhận các tôn giáo mới như Công giáo, Tin lành… nên việc thực hiện nghi lễ truyền thống, đặc biệt là nghi lễ nông nghiệp dần bị lãng quên. Vì vậy, việc gìn giữ và tái hiện lễ mừng lúa mới hàng năm ở làng Mơ Nông Yố không chỉ là một sinh hoạt văn hóa dân gian quan trọng của người Ja Rai, mà còn có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, đem lại cho đồng bào một không khí lễ hội tưng bừng và giúp cho lớp trẻ có ý thức hơn về việc bảo tồn lễ hội truyền thống của cộng đồng, của dân tộc.

Bài & ảnh: Quế Mai