Nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Thái Nghệ An
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 20/02/2016
(TN&MT) - Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ. Khác với các dân tộc khác, dân tộc Thái lại có nghi lễ thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết hết sức riêng biệt và độc đáo...
Hình ảnh dòng họ cúng Phí đăm (ma họ) của đồng bào dân tộc Thái Nghệ An. |
Thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết là hình thức thờ cúng riêng ở từng dòng họ của dân tộc Thái. Xên đăm (theo từng dòng họ), Xên hươn (từng gia đình). Xên đăm là tục lệ cúng ma họ ( Phí đăm). Xên đăm do những gia đình trong cùng dòng họ tổ chức vào dịp Tết, đây là dịp mà để con cháu trong dòng họ nhớ về cội nguồn và là dịp để con cháu trong một dòng họ mời ông bà tổ tiên về chung vui với cháu con dịp đầu năm mới. Đồng bào dân tộc Thái tin rằng ông bà tổ tiên tuy mất đi nhưng vẫn sinh hoạt như ở dương gian, linh hồn tổ tiên, ông bà luôn phù hộ, chở che cho con cháu.
Lễ cúng Xên đăm bao gồm: Bánh Chưng, một con lợn, một con gà, 3 đĩa xôi, 5 gói hò mọc, một chai rượu, một chum rượu cần...Tất cả những lễ vật này sẽ được bàn tay khéo léo của người phụ nữ là các ngà dâu trong họ sắp xếp trong mâm cúng rồi được đưa đến đền thờ của dòng họ, tiếp đó trưởng họ tiến hành nghi lễ cúng gọi Phí đăm (ma họ) về ăn tết, chung vui cùng với con cháu.
Hình ảnh dòng họ cúng Phí đăm (ma họ) của đồng bào dân tộc Thái Nghệ An. |
Ông Lương Văn Yết (trú tại bản Bua, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu) chia sẻ: “Dòng họ Lương chúng tôi, từ bao đời nay vẫn thường tổ chức lễ cúng ma họ vào mùng một tết mỗi năm. Năm nay, dòng họ chúng tôi con cháu về đông đủ, nên lễ vật trong mâm cúng cũng nhiều hơn. Bước sang năm mới chúng tôi mong muốn tổ tiên, ông bà sẽ phụ hồ, độ trì cho tất cả mọi người trong dòng họ”.
Xên hươn là lễ cúng ma nhà (Phí hươn), do những người chung sống trong một gia đình tổ chức. Phí hươn theo quan điểm của người Thái là người ông bà, cha mẹ đã khuất. Ma nhà được thờ ngay ở giữa gian nhà trong, ngay cạnh chỗ nằm của chủ nhà gọi là “hoỏng”. Bàn thờ ma nhà trong ngày Tết khá đơn giản, bao gồm: Một đĩa trầu cau, hai bát nước chè, một đầu lợn (đã luộc chín), một con gà, bánh chưng, hai cây mía, một chai rượu và hai bộ quần áo (bao gồm: áo thổ cẩm, quần, một chiếc váy, một chiếc khăn piêu).
Hình ảnh bàn thờ cúng Xên hươn (ma nhà) của dân tộc Thái Nghệ An. |
Bà Vi Thị Thu (trú tại bản Xóm Mới, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu) cho biết: “Theo quan niệm của dân tộc Thái chúng tôi, trong ngày tết không thể thiếu hai cây mía và bộ quàn áo được dệt bằng vải thổ cẩm. Vì cây mía là biểu tượng cho sự ngọt ngào trong gia đình, đồng thời cây mía là minh chứng cho sức sống mãnh liệt. Còn bộ quần áo dệt bằng vải thổ cẩm là sự tri ân của người phụ nữ trong gia đình với ông bà đã khuất, riêng đầu lợn để trên bàn thờ phải cúng từ mùng một đến hết mùng 3 tết”.
Bên cạnh những tín ngường thờ cúng tổ tiên, người Thái Nghệ An còn có nhiều tín ngưỡng sơ khai như các tín ngưỡng về linh hồn, ma thuật về tình yêu... Ngày nay, dưới ánh sáng của các nghị quyết của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa mới, người Thái đã, đang và sẽ tiếp thu nhiều văn hóa tiên tiến để làm phong phú, giàu có thêm, hiện đại hơn nền văn hóa của dân tộc mình trong cộng đồng tín ngưỡng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Bài & ảnh: Đ. Tiệp - L. Ý