Du lịch núi Cấm ngày Xuân
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 29/01/2016
(TN&MT) - Núi Cấm là một ngọn núi cao nhất trong dãy núi Thất Sơn tỉnh An Giang, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, cách thành phố Châu Đốc khoảng 37 km; cũng là ngọn núi cao nhất ở ĐBSCL với chiều cao khoảng 700 mét.
Nhiều du khách đến đây sau khi viếng Bà Chúa Xứ ở núi Sam và thường nghiêng về ý nghĩa tâm linh. Trên đỉnh núi Cấm, có tượng Phật Di Lặc, tượng Quan âm Bồ tát ngoài trời và một số ngôi chùa khác như chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn tuy đã có từ lâu nhưng mới được xây dựng gần đây khá đồ sộ nhưng cũng đã thu hút nhiều người đến chiêm bái. Tượng Phật Di Lặc ở đây cao 33,6 mét, nặng gần 1.700 tấn bê tông cốt thép, là "tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi" lớn nhất ở Việt Nam và cả châu Á. Ở chùa Phật Lớn, trước chính điện có Bảo tháp an vị Ngọc Xá Lợi Phật chở từ Ấn Độ về Việt Nam (ngày 13/10/2015).
Nhưng núi Cấm ngày nay còn là một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn do có lợi thế về thiên nhiên, phong cảnh đẹp, cây cối xanh tươi, đặc biệt là khí hậu ở đây mát mẻ, khác hẳn ở đồng bằng, rất thích hợp cho du khách từ phương xa đến trong những ngày lễ tết vì đường sá đến đây thông thoáng, thuận tiện cho việc đi lại. Từ chân lên tới đỉnh núi có nhiều điểm tham quan thiên nhiên như suối Thanh Long, suối Tiên, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác vật Lang (kỹ sư Lưu Văn Lang), động Thủy Liêm. Trên đỉnh núi (gọi là đỉnh Bồ Hong) có một lòng chảo, nơi thấp nhất tạo ra một hồ khá lớn gọi là hồ Thủy Liêm, có lẽ là một miệng núi lửa xưa kia (thổ nhưỡng quanh đây có đất đỏ bazan).
Hồ Thủy Liêm có sức chứa 60 ngàn m² nước không chỉ cho nơi đây trọn vẹn ý nghĩa "sơn thủy hữu tình" mà còn cung cấp nước ngọt cho hơn 500 hộ dân trên núi Cấm và nhiều hàng quán phục vụ hàng trăm khách du lịch mỗi ngày. Quanh hồ là tượng Phật Di Lặc, chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh. Địa bàn dân cư ở đây là ấp Bồ Hong, xã An Hảo. Nhiều người từng đi du lịch ở Đà Lạt khi đến đây có cảm giác giông giống từ khí hậu cho đến cảnh quan và cho rằng núi Cấm như là một Đà Lạt thu nhỏ.
Tên ấp Bồ Hong nêu trên được gọi theo địa danh dân gian ở đây là vồ Bồ Hong. Vồ là tên gọi địa hình có đặc thù nhô cao lên so với mặt bằng chung quanh Ngoài vồ Bồ Hong còn có Vồ Đầu, Vồ Bà, Vồ Ông Bướm, Vồ Thiên Tuế, Vồ Chư Thần, Vồ Cây Quế, Vồ Mồ Côi, Vồ Đá Dựng, Vồ Pháo Binh, Vồ Bạch Tượng v.v... Ở rừng U Minh hạ, có địa danh Vồ Dơi (nơi đất cao, có nhiều dơi đến ở trên các đọt cây tràm). Trái nghĩa với Vồ là Hố (địa hình thấp so với mặt bằng chung quanh).
Từ chân núi Cấm lên đỉnh Bồ Hong có đường trải nhựa hoặc bê tông nhưng mặt đường hẹp và lên xuống vòng vèo, di chuyển bằng ô tô hay xe máy đều rất nguy hiểm. Kể từ khi núi Cấm bị sạt lỡ đất đá cách đây mấy năm gây tai nạn chết người khi có ô tô lưu thông, chính quyền đã hạn chế lưu thông xe cộ lưu thông từ chân núi lên đỉnh núi và ngược lại. Cụ thể chỉ có dân địa phương mới được sử dụng xe máy, ô tô (nếu có), còn dân từ nơi khác đến thì không! Ban đầu nhiều người rất bức xúc, nhất là du khách vì làm như thế không khác gì tạo ra sự độc quyền khai thác vận chuyển cho địa phương. Ai muốn lên núi phải thuê xe, không xe máy của Nghiệp đoàn thì thuê ô tô của đội xe du lịch Núi Cấm do Công ty du lịch An Giang quản lý. Xe riêng phải đỗ ở bến dưới chân núi. Nhưng chỉ khi đi bằng xe của Công ty du lịch qua những đoạn đường ngoằn ngoèo, chỉ có người địa phương quen đường mới làm chủ phương tiện được, du khách mới thấy chủ trương của địa phương là hợp lý nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn xảy ra trên tuyến đường lên núi. Tuy vậy, khi đi bằng xe đầu (Honda ôm), khách không khỏi căng thẳng khi người lái xe do quen đường, chạy khá nhanh. Nhưng ngày nay, còn một phương tiện khác rất thuận lợi cho khách hành hương hoặc du lịch, vừa an toàn vừa không mất sức khỏe. Dưới chân núi Cấm, trong khu du lịch Lâm Viên đã có cáp treo (bắt đầu hoạt động từ 26 Tết Ất Mùi - giữa tháng 2/2015, mới gần tròn một năm). Tuyến cáo treo này có chiều dài 3,5 km, giai đoạn I có 67 cabin, giai đoạn II có 89 ca bin (mỗi cabin chở được 8 người), "dư sức" phục vụ khách du lịch trong những dịp lễ tết.
Trong số đặc sản ở núi Cấm, ngoài đường thốt nốt và xoài thanh ca là 2 sản phẩm hay được du khách mua về làm quà, còn có một thức ăn dùng tại chỗ là bánh xèo. Ở đồng bằng, người ta ăn bánh xèo với rau vườn, rau đồng. Ở đây, ăn bánh xèo với rau rừng. Nhiều hàng quán treo biển "Bánh xèo rau rừng" tuy chữ viết đa phần nguệch ngoạc nhưng cũng đủ sức thu hút du khách. Rau rừng ở đây do được hái từ... rừng nên được mệnh danh là rau "siêu sạch". Một số loại có tên quen thuộc với người đồng bằng như: đọt muôi, lá sung, lá sộp, cát lồi, chòi mòi, đinh lăng, bằng lăng, càng cua, mã đề, vông, kim thất... Nhưng có những tên nghe rất lạ lẫm đối với khách phương xa như: đọt bứa, quỷnh, tam lan, soi nháy, ngành ngạnh...
Thông thường du khách đến núi Cấm rồi về trong ngày dù ăn uống trong quán hay ăn dã ngoại (mang thức ăn theo). Nhưng đối với dân phượt, họ thường ở lại nghỉ đêm trên ấp Bồ Hong. Ở đây có một số nhà nghỉ bình dân.
Trên núi Cấm còn nhiều cây rừng thuộc nhiều loại rừng khác nhau như rừng nhiệt đới, ôn đới, rừng đặc chủng, rừng hỗn giao.. làm tăng giá trị cho một khu vực du lịch sinh thái dồi dào về tiềm năng. Chỉ hơi tiếc một chút vì có nơi phủ xanh mặt đất có phần không hợp lý. Hiện nay, sườn dốc trước mặt tượng Phật Di Lặc đi xuống hồ Thủy Liêm đang trồng cây thông. Cây đang ra lá hồi sức, chẳng bao lâu nữa cây sẽ phủ xanh sườn dốc. Tượng được đặt trên đỉnh núi, đến lúc đó, đứng từ bờ hồ Thủy Liêm nhìn lên sẽ không thấy được tượng Phật (vì bị thông che). Nên chăng khoảng đất này nên bỏ trống (không trồng cây, nhất là loại cây cao có tán), chỉ có thể đặt một số cây cảnh thấp. Nhưng cần sớm xây các bậc thang dẫn từ bờ hồ lên tượng Phật. Sườn dốc này đang bị phong hóa, xói mòn do nước mưa nên cần phải xây kiên cố, vững chắc vừa bảo đảm an toàn cho du khách vừa tạo cảnh quan đẹp trước tượng Phật Di Lặc...
Bài & ảnh: Thanh Chí