Thời tiết thất thường, người trồng đào "khóc dở"
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 14/01/2016
Theo trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, nhiệt độ trung bình tháng đầu năm mới 2016 tại Hà Nội là 16,5 – 17,5 độ, cao hơn trung bình 30 năm (năm 1971 – 2000) là 0,1 – 1,1 độ. Nhiệt độ trung bình tháng 1/2016 tại Sơn La là 15,5 – 16,5 độ, cao hơn nhiệt độ trung bình 30 năm qua ở mức 14,6 độ. Nhiều địa phương khác trên cả nước cũng có nền nhiệt độ trung bình tháng dự báo sẽ tăng cao hơn trung bình nhiều năm trước. Tuy nhiên, cũng trong tháng 1/2016 có khả năng xảy ra từ 4-5 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc.Ngoài ra, trong tháng ở Bắc Bộ có thể xuất hiện nhiều ngày mưa và tập trung trong khoảng giữa tháng.
Với thời tiết thất thường như vậy, các chủ vườn đào đang phấp phỏng lo âu, không ai dám khẳng định năm nay sẽ trúng mùa đào. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, một chủ vườn đào ở Nhật Tân (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết: Hơn 3 tuần nữa là đến Tết, hầu như các nhà vườn trong vùng đã vặt xong lá, đang tập trung tưới nước giữ ẩm cho cây. Với thời tiết nóng lạnh xen kẽ thế này, chúng tôi không biết xoay sở ra sao. Hiện nay, nhiều cây đào mới hé nụ nhưng một số cây đã nở hoa, nếu đúng lịch thì rằm tháng 12 âm lịch đào có nụ to, gần nở thì đến tết sẽ rất đẹp”.
Anh Hùng than thở: “Trồng đào cứ như đánh bạc với thời tiết, giữa đông mà có ngày nắng nóng như mùa hè, chỉ cần ông trời kéo dài thời tiết như vậy trong 20 ngày giáp tết thì coi như công lao chăm bón cả năm trời của chúng tôi đổ xuống sông xuống biển”.
Có gần 200 gốc đào trị giá hàng trăm triệu đồng, cả nhà anh Lê Quyết Thắng ở Nhật Tân đã phải thấp thỏm suốt ngày đêm để hãm cho đào nở đúng dịp tết: "Gia đình tôi phải dùng bao nilon che lên các gốc đào để tránh nắng hanh ban ngày, sương muối ban đêm, đó là hậu quả của nóng lạnh thất thường. Thế nhưng dù cẩn thận đến đâu cũng không lại được với ông trời. một số gốc trong vườn nhà tôi cũng đã nở hoa sớm. Từ giờ đến tết không biết thời tiết sẽ ra sao, tôi chỉ mong năm nay bán đào thu lại được tiền gốc là tốt lắm rồi".
Lo lắng khi đào nở sớm
Những nông dân trồng đào ở các vùng khác cũng có nỗi lo không kém. Bà con người Mông ở Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) đã chuyển sang trồng đào chục năm nay. Cây đào nơi đây có sức sống khỏe, hoa có màu hồng trắng rất đẹp nên được nhiều người ưa chuộng. Trồng đào bán tết trở thành nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ gia đình nơi đây, nhưng năm nay do thời tiết thất thường nên có nguy cơ bị mất trắng vụ đào này.
Chị Lò Thị Mai, một người dân trồng đào tại đây cho biết, năm nay gia đình chị trồng hơn 2 sào giống đào đá cho hoa rất đẹp, nhưng do thời tiết lúc nóng, lúc lạnh nên đào đã nở xòe cách đây nửa tháng. Năm nào được mùa và đào nở đúng dịp Tết Nguyên đán, gia đình chị thu nhập gần cả trăm triệu đồng tiền bán đào. Nhưng năm nay nhà chị có nguy cơ mất trắng vụ. Không riêng gì gia đình chị Mai, hàng trăm hộ trồng đào ở Mường Lống cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Anh Nguyễn Văn Minh, cán bộ nông nghiệp xã Mường Lống cho biết, do đồng bào vùng sâu vùng xa không biết kỹ thuật chăm sóc đào, kèm theo khí hậu khắc nghiệt nên bà con chỉ biết đứng nhìn khi hoa đào đua nhau nở sớm.
Đào nở sớm không những làm người trồng điêu đứng mà giới thương lái cũng lao đao. Hằng năm bắt đầu từ đầu tháng chạp trở đi, nhiều đầu nậu đã vào tận vườn các hộ gia đình xem đào, rồi đặt cọc tiền trước cho chủ nhà để giữ đào. Khoảng ngoài 20 tháng chạp, họ mới vào vườn cưa tận gốc mang về Hà Nội bán với giá rất cao.
Anh Hoàng Văn Giang, một đầu nậu chuyên buôn đào từ Kỳ Sơn ra Hà Nội cho biết: “Hàng năm cứ đến dịp tết, tôi vào các vùng Mường Lống, Nậm Cắn, Mỹ Lý... để tìm mua đào đá tận gốc, sau đó thuê xe chở về xuôi. Có những gốc đào bán lời trên cả chục triệu đồng, nếu đào nở đúng dịp tết. Vì khi mua của dân được bán theo gốc, về xuôi chia theo cành để bán. Còn năm nay, tình trạng đào nở sớm và bất thường hơn mọi năm nên giáp tết chưa chắc đã có đào. Có lẽ tôi phải tìm mặt hàng khác để buôn chứ cứ phụ thuộc vào “ông trời” thế này thì mệt quá”.
Thu Hà