Nỗi lo giữ nghề khi làng hoa Tây Tựu lên phố
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 05/01/2016
Khó khăn chồng chất
Nghề trồng hoa ở Tây Tựu manh nha từ năm 1994, khi đó một số hộ dân trong xã đưa cây hoa về trồng thí điểm trên đồng đất thay cho các loại cây truyền thống như lúa, cà chua, dưa lê…Hoa phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, người dân Tây Tựu dần “bén duyên” với cây hoa. Cứ thế làng hoa ven đô hình thành và phát triển bền vững đến ngày nay. Ông Bùi Trung Hòa, Phó chủ tịch UBND phường Tây Tựu cho biết: Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của phường dành trọn cho cây hoa với 3000 hộ tham gia trồng hoa.
Hoa cúc là một trong những loài hoa chủ đạo được trồng ở Tây Tựu |
Ngày 1/4/2014 khi xã “lên” phường cùng với niềm hân hoan, phấn khởi bà con Tây Tựu mang nặng những suy tư lo lắng làng hoa đang teo tóp dần. Lão nông Nguyễn Phan Đề (thôn Trung) chia sẻ: Ông đã trồng hoa được 15 năm, trước kia còn khỏe trồng gần một mẫu hoa, nay già chỉ làm hơn 3 sào. Trồng hoa tuy vất vả nhưng cho thu nhập ổn định. Làng Tây Tựu chủ yếu trồng các loại hoa cúc, hồng, đồng tiền, ly…những năm gần đây cho thu nhập bình quân đến 600 triệu đồng/ha. Những hộ trồng hoa cao cấp như ly, hoa lan…thì thu nhập cao hơn, từ 1 đến 2 tỷ đồng/ha.
“Thế nhưng, mấy năm trở lại đây việc quy hoạch Thủ đô đã phá vỡ đất làng hoa. Khu vực đất sản xuất hoa chính bị thu hồi, người dân không có đất để canh tác”, ông Đề bộc bạch.
Mấy năm trở lại đây người dân Tây Tựu dành nhiều diện tích đất để trồng các loại hoa ly |
Cùng chung nỗi niềm với ông Đề, bác Đinh Thị Toản, một hộ trồng hoa lâu năm ở Tây Tựu buồn rầu cho biết: Diện tích đất còn lại ở địa phương rất ít, với đặc tính “trũng, thấp” và bị nhiễm bệnh do “độc canh” nhiều năm trồng hoa không hiệu quả; người dân phải tự tìm khu đất tốt ở các huyện lân cận như Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức… có thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng hoa để thuê và canh tác; giá thuê khoảng 3 triệu mỗi sào.
Vẫn theo Phó chủ tịch phường Tây Tựu Bùi Trung Hòa, quy hoạch của thành phố đến năm 2020, Tây Tựu nằm trong vùng lõi đô thị, phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, nhiều hộ dân không còn đất canh tác và làng hoa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện nay, người trồng hoa Tây Tựu phải thuê khoảng 182 ha đất của các huyện lân cận, thậm chí lên tận Sa Pa để phát triển nghề trồng hoa.
Người dân Tây Tựu đang miệt mài chăm sóc hoa chuẩn bị cho vụ Tết Bính Thân |
Thêm vào đó, vấn đề ổn định giá và bao tiêu đầu cho làng hoa cũng như chất lượng giống hoa vẫn là bài toán nhiều năm chưa có lời giải. Điều này khiến cho việc giữ vững làng nghề trồng hoa, đảm bảo sản xuất và ổn định cuộc sống người dân gặp nhiều trở ngại.
Gia đình chị Phan Thị Thủy có 8 sào trồng hoa nhưng lúc nào cũng đau đáu nỗi lo “được mùa rớt giá”. Theo chị Thủy, đây là tình trạng chung của các hộ trồng hoa Tây Tựu vì phân phối hoa chủ yếu theo từng thời điểm và nhu cầu của thị trường. “Các hộ ở đây phải tự tìm nguồn phân phối hoa, chưa có cơ quan, doanh nghiệp nào bao tiêu để đảm bảo đầu ra và giá cả ổn định cho người trồng hoa. Về giống hoa cũng vậy, chưa có cơ quan nhà nước nào hướng dẫn, hỗ trợ trong việc cung cấp giống hoa đảm bảo chất lượng cho người dân”, chị Thủy khẳng định.
Cần một hướng đi
Để đảm bảo nghề trồng hoa phát triển bền vững, ngay từ năm 2010 xã Tây Tựu đã xây dựng nhiều giải pháp để bảo tồn làng hoa cũng như giải quyết việc làm cho nông dân khi không còn đất. Xã thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản hoa, triển khai các mô hình trồng hoa mới hiệu quả cao. Xã cũng vận động nhân dân chuyển một phần diện tích sang trồng các loại hoa chất lượng cao như hoa lan, ly, tuylip…để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu Bùi Trung Hòa cho hay, chính quyền địa phương luôn hướng dẫn, cảnh báo bà con đầu tư sản xuất một cách phù hợp, tránh tình trạng ùn ứ hoặc khan hiếm để người dân chủ động khi có những thay đổi về thời tiết, khí hậu.
Ông Bùi Trung Hòa – Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu nhấn mạnh: Bài toán đầu ra là cực kỳ khó, người dân làng hoa vẫn sống chung với cảnh “được mùa rớt giá” |
Tuy nhiên, vẫn cần có biện pháp thiết thực giải quyết bài toán về ổn định giá, đầu ra và chất lượng giống để ổn định cuộc sống người trồng hoa và gìn giữ làng hoa. “Việc chuyển đổi cơ cấu phải đi đôi với giải quyết việc làm, phù hợp với thực tiễn làng nghề hoa để ổn định an ninh đô thị cũng như an ninh nông thôn”, ông Hòa nhấn mạnh.
Mong muốn có đầu ra ổn định, giống chất lượng tốt để đảm bảo sản xuất, gìn giữ làng hoa là tâm tư, nguyện vọng của chính quyền địa phương và bà con Tây Tựu. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng quan tâm và tìm hướng đi mới thiết thực cho một trong những làng hoa lâu năm của Thủ đô.
Bài & ảnh: Tuyết Chinh