Vì sao lô heo của công ty CP và ANCO chứa chất gây ung thư?

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 01/09/2015

Qua kiểm tra đã phát hiện hàng loạt cơ sở chăn nuôi heo sử dụng chất cấm. Đáng nói, lô heo của những công ty lớn như CP và ANCO cũng dương tính với chất tạo nạc...

 

Qua kiểm tra đã phát hiện hàng loạt cơ sở chăn nuôi heo sử dụng chất cấm. Đáng nói, lô heo của những công ty lớn như CP và ANCO cũng dương tính với chất tạo nạc có nguy cơ gây ung thư.

Hàng loạt cơ sở sử dụng chất tạo nạc

Tại buổi Họp báo thường kỳ tháng 8/2015 của Bộ NN&PTNT, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết nhận được báo cáo của Chi cục Thú y TP.HCM và thông tin báo đài về việc xuất hiện phổ biến sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, ngày 10/8/2015, Thanh tra Bộ đã thành lập Đoàn công tác và phối hợp với các đơn vị chức năng xác minh, xử lý hành vi trong việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Tình trạng sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi đang rất báo động. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2015, Chi cục thú y TP. HCM đã lấy mẫu 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô, phát hiện 31 mẫu dương tính với hàm lượng cao từ 80 ppb- 1.300 ppb (trong quy định chỉ được 20 ppb) thuộc 7 lô heo, lập biên bản và ra quyết định xử lý vi phạm với 7 thương lái có heo dương tính với Sabutamol.

Trong 7 lô heo dương tính với Sabutamol có 4 trường hợp có nguồn gốc từ Đồng Nai, 2 trường hợp ở Tiền Giang và 1 ở Long An.

Tại Đồng Nai, tình hình cũng rất phức tạp. Khi kiểm tra 44 trang trại trong gần 2000 trang trại trên địa bàn cũng đã phát hiện 14 trang trại có heo dương tính với Sabutamol và phát hiện một đại lý bán sản phẩm chứa Sabutamol. Có hai huyện đã phải ra quyết định cưỡng chế thì các trang trại mới chấp hành.

Thanh tra liên ngành đã kiểm tra tại Tiền Giang, kiểm tra 38 mẫu nước tiểu thì 25 mẫu dương tính với Sabutamol, Bến Tre kiểm tra 20 mẫu nước tiểu, có 4 mẫu nước tiểu dương tính, Tây Ninh kiểm tra 2 mẫu thì 2 mẫu dương tính.

Ông Dũng cho biết, ý thức của người chăn nuôi không cao, vào cuộc của các tỉnh còn chậm, sự phối hợp giữa Sở NN và cơ quan công an chưa kịp thời.

“Giám đốc Sở đã thông báo cho cơ quan PC46 để phối hợp điều tra, xử lý. Tuy nhiên, khi làm việc với PC46 thì họ lại chưa nhận được hồ sơ các trang trại vi phạm do Sở NN&PTNT Đồng Nai chuyển tới cũng như đề xuất về phối hợp truy xuất, xử lý các thương lái, chủ trang trại”, ông Dũng nói.

Đáng nói, trong quá trình kiểm tra đã phát hiện Công ty ANCO và Công ty CP cũng có lô heo chứa chất cấm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công ty ANCO và Công ty CP giải thích gì?

Với công ty ANCO, đây là một hành vi vi phạm mới của thương lái đó là mua lại heo xuất chuồng về sử dụng chất cấm, vỗ béo cấp tốc từ 5- 30 ngày.

Theo báo cáo của Công ty ANCO, công ty có tổng đàn 95.000 con, một trang trại tập trung. Mỗi tháng xuất khoảng 14.000 con heo. Việc bán hàng cho thương lái có cung cấp phiếu giao hàng với nội dung: số lượng, trọng lượng heo, số seri giấy tiêm phòng, biển số xe chở hàng. Thương lái sẽ làm thủ tục kiểm dịch việc với Chi cục Thú y Đồng Nai với thời gian sau xuất chuồng khác nhau.

Công ty này khẳng định không sử dụng chất cấm trong thức ăn và trong chăn nuôi gia súc.

Trưởng phòng Thanh tra cho biết, qua làm việc, Đoàn công tác cho thấy công ty giao phiếu tiêm phòng Vắc xin và giấy xuất bán cho thương lái nhưng không có biện pháp theo dõi hay kiểm soát. Do đó, Công ty chưa nắm được việc một số thương lái mua heo của công ty về nuôi vỗ béo sau đó mới xuất bán.

Không chỉ riêng ANCO mà lô heo của công ty CP cũng chứa chất cấm.

Ông Dũng cho biết, công ty CP có hai trang trại heo có chất cấm. Mặc dù công ty đã ký cam kết không sử dụng chất cấm trong nuôi heo nhưng khâu kiểm tra, giám sát của công ty chưa đến nơi đến chốn.

Hai lô heo xuất phát từ Trạm trung chuyển của công ty đã bị Cục Thú y TP.HCM phát hiện chất cấm khi vận chuyển heo về cơ sở giết mổ. Tuy nhiên công ty này cũng khẳng định không sử dụng chất cấm trong thức ăn và chăn nuôi gia súc.

Qua buổi làm việc với Đoàn thanh tra, công ty CP sẽ tăng cường kiểm soát trong quá trình xuất bán, giám sát sau xuất bán; phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề, điều tra phát hiện và xử lý những trang trại vi phạm trong việc sử dụng chất cấm và tăng cường kiểm soát hệ thống trang trại hợp đồng với CP.

“Chúng tôi đã làm việc với hai công ty này và đưa ra phương án quản lý. Yêu cầu công ty sẽ lấy mỗi ngày 1 mẫu nước tiểu, mẫu thức ăn để kiểm tra tra chất cấm, giám sát heo trước khi xuất chuồng. Hai công ty cũng đã thừa nhận đây là tồn tại mà họ chưa làm hết và xin sửa chữa, khắc phục ngay”, ông Dũng cho hay.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng yêu cầu Cục Thú y phải quan tâm đến công tác kiểm dịch vì kiểm soát không chặt là vô tình tiếp tay. Xuất 1 con heo có trọng lượng 80-90kg nhưng khi cấp tiếp theo 120- 130kg là có vấn đề.

Ông Dũng cho biết, hành vi sử dụng chất cấm thường là những trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ (100- 200 con), chất lượng giống kém, đưa chất cấm vào sử dụng trong quá trình chăn nuôi để tăng trọng nhằm thu lợi bất chính.

Một số cá nhân, thương lái thuê lại các trang trại chăn nuôi rồi tiến hành thu mua heo đã xuất chuồng của các Công ty để sử dụng chất cấm nuôi thúc vỗ béo. Heo sau khi được nuôi nhốt và sử dụng chất cấm trong thời gian từ 10- 30 ngày sẽ đạt tăng trọng 20- 30kg, heo có trọng lượng khoảng 130- 140 kg. Trừ chi phí, mỗi đầu heo sẽ tăng lợi nhuận từ 5 trăm nghìn đến 1 triệu đồng. Đồng thời, quay vòng phiếu tiêm phòng, hợp lý hóa thủ tục để tiến hành xin cấp giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.

Ngoài ra, một số thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung Premix có chứa chất cấm được đưa xuống bán trực tiếp cho các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ.

Một số kiểm dịch viên đã chưa làm hết trách nhiệm trong việc thực hiện quy trình kiểm dịch heo, không kiểm soát được nguồn heo được kiểm dịch, tạo kẽ hở cho heo sử dụng chất cấm vẫn được kiểm dịch.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, hiện nay công tác quản lý, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn một số tồn tại, bất cập như:

Việc cung cấp thông tin, hợp tác của người dân với cơ quan chức năng còn hạn chế; Việc trao đổi thông tin, báo cáo của các đơn vị chức năng ở dưới địa phương chậm, việc vào cuộc để truy xuất nguồn gốc là chưa quyết liệt; Các Sở không báo cáo lên Bộ mà Bộ nắm được thông tin qua báo đài; Xử lý vi phạm chưa quyết liệt, triệt để nên chưa có sức răn đe, ngăn chặn.

Đối với các Công ty chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi chưa nhận thức và làm hết trách nhiệm trong việc kiểm soát các trang trại gia công và kiểm soát sản phẩm đưa ra thị trường. Hơn nữa một số công chức thực hiện nghiệp vụ thanh tra còn yếu dẫn đến hiệu quả không cao. Việc phối hợp giữa các cơ quan thuộc sở với cơ quan công an chưa tốt, chưa kịp thời.

Theo Infonet