Sơn La bác thông tin xây dựng Tượng đài Bác Hồ hết 1.400 tỷ đồng

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 05/08/2015

(TN&MT) - Chiều 5/8, UBND tỉnh Sơn La và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức buổi họp báo làm rõ thông tin về việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Theo đó, nguồn kinh phí để xây dựng Tượng đài chỉ khoảng 200 tỷ đồng.

Những ngày gần đây, trên các trang báo mạng điện tử thông tin: Tỉnh Sơn La xây dựng Tượng đài Bác Hồ với tổng kinh phí 1.400 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một sự lãng phí trong bối cảnh Sơn La còn nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã bác bỏ thông tin trên. Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Tại Nghị quyết 127/NQ-HĐND ngày 8/7/2015 do Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La ban hành có ghi rõ: Thông qua Đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường tại thành phố Sơn La. Như vậy, các thông tin đã đưa thường bỏ đi vế thứ 2 “gắn với Quảng trường”.

Theo đó, toàn bộ đề án bao gồm 7 hạng mục công trình lớn: Nhóm Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Lễ đài thuộc quy mô nhóm A2 (tượng Bác Hồ cao từ 5-8m); Quảng trường có sức chứa 20.000 người; Đền thờ Bác Hồ; Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ; Bảo tàng Tổng hợp; Khu nhà điều hành, đón tiếp; Khuôn viên cây xanh, bến bãi đỗ xe, giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước… Tổng diện tích đất sử dụng dự kiến khoảng 20ha, nằm ở phường Chiềng Cơi, Tô Hiệu, Quyết Thắng, thuộc quy hoạch lô số 01,02 khu đô thị mới gắn với dự án thoát lũ suối Nậm  La.

Tổng mức đầu tư khái toán khoảng 1.400 tỷ đồng. Riêng công trình tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường và không gian văn hóa xung quanh khái toán khoảng 200 tỷ đồng. Ngoài ra, kinh phí 1.400 tỷ đồng còn bao gồm chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và chuẩn bị cho việc xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh Sơn La.

Phương án huy động vốn cho toàn bộ dự án gồm vốn ngân sách, vốn chỉnh trang đô thị, vốn khai thác từ quỹ đất và vốn xã hội hóa. Việc triển khai dự án sẽ tính toán hợp lý lộ trình, bước đi, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh và đạt sự đồng thuận cao của nhân dân.

Việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng với Bác Hồ kính yêu. Xây dựng Quảng trường nơi đặt tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc nhằm tôn vinh vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc, đồng thời góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của thành phố Sơn La, từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II vào năm 2020.

UBND tỉnh Sơn La cũng cho biết, đây mới chỉ là đề án, là một bước trong việc xin chủ trương đầu tư. Hiện tại, Đề án đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Ban tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Sơn La đề nghị các cơ quan báo chí phản ánh một cách kịp thời, khách quan, trung thực về công tác xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường trong thời gian tới.

Dự kiến, lễ động thổ xây dựng tượng đài Bác Hồ sẽ diễn ra vào ngày 11/10, nhân kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Sơn La.

 

Được biết, ngày 30/10/2014, tại Văn bản số 2124/TTg-KGVX, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc" vào Quy hoạch Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030, quy mô nhóm A2 (Tượng Bác Hồ cao từ 5m đến 8 m) như đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

Ý kiến đồng ý này của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư (tại Công văn số 8462-CV/VPTW ngày 15/8/2014); đồng thời cũng là trên cơ sở xét đề nghị của các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính, về việc bổ sung Tượng đài "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc" tại Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La vào Quy hoạch Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau năm 2010.

 

 

 

Nguyễn Nga