Hiện tượng hằn lún trên các quốc lộ: Tại cả thời tiết và thi công!
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 01/07/2015
Cùng với việc kêu gọi các chuyên gia, nhà khoa học "hiến kế", Bộ GT-VT yêu cầu tăng cường kiểm soát tất cả các khâu, từ thí nghiệm đến thi công, quản lý chất lượng nội bộ... và rà soát năng lực chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, thi công...
Lỗi của nhiều phía
Thời gian qua, hàng loạt tuyến đường kể cả mới đưa vào thông xe và khai thác đã xuất hiện hư hỏng cục bộ. Trong đó, hiện tượng HLVBX được ghi nhận xuất hiện trên khắp vùng miền, ở các điều kiện thi công, thời tiết khác nhau. Trước tình hình đó, một "tổ đặc nhiệm" đã được Bộ GT-VT khẩn trương thành lập. Trong các ngày từ 10 đến 14-6, bộ phận này đã kiểm tra tại các dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Ninh Bình - Dốc Xây, Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa - Phú Yên.
PGS.TS Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GT-VT) - đại diện "tổ đặc nhiệm" cho biết: Trên mặt đường bê tông nhựa có thời điểm nhiệt độ đo được trên 70°C. Một số đoạn tuyến thuộc các dự án mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đã xuất hiện trở lại hiện tượng HLVBX cao trên 2,5cm. Các đoạn này có tổng chiều dài từ 0,35km đến 8,86km, ảnh hưởng đến khai thác và an toàn giao thông.
Kiểm tra hiện trường cho thấy, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do việc thi công, thiết kế, quản lý chất lượng bê tông nhựa chưa đúng yêu cầu kỹ thuật; tình trạng xe quá tải và thời tiết cũng tác động đến bề mặt đường. Các đơn vị đánh giá chất lượng, trữ lượng vật liệu thiếu các thí nghiệm dính bám giữa đá và nhựa dẫn đến trong quá trình thi công nhà thầu phải thay đổi, điều chỉnh về nguồn vật liệu; dây chuyền sản xuất thiếu ổn định khi dự án đồng loạt triển khai. Đặc biệt, trong thiết kế và sản xuất hỗn hợp bê tông nhựa, một số nhà thầu sử dụng tư vấn thiếu kinh nghiệm, chưa có kết quả thí nghiệm HLVBX nhưng đã cho triển khai thi công đại trà.
Mặt đường Mai Chí Thọ (TP HCM) bị hằn lún, “lượn sóng”, gây mất an toàn giao thông.
Ngoài ra, các dự án có xuất hiện HLVBX đã không tuân thủ các quy định về việc tập trung ít nhất 70% khối lượng vật liệu trước khi thí nghiệm, thiết kế cấp phối và rải thử bê tông nhựa. Điều này dẫn đến tình trạng thử nghiệm, thiết kế cấp phối bê tông nhựa một mỏ vật liệu nhưng khi thi công đại trà lại dùng vật liệu ở nhiều mỏ khác nhau dẫn đến chất lượng bê tông nhựa không ổn định.
Ngoài ra, thi công rải thử để đưa ra công thức trộn chuẩn và sơ đồ lu áp dụng đại trà chưa được các đơn vị thực hiện đầy đủ và chưa được theo dõi thường xuyên. Mặt khác, lúc bê tông nhựa chưa đủ thời gian để liên kết chắc chắn đã thông xe, làm xuất hiện vệt hằn bánh xe. Đặc biệt, một số đoạn tuyến có lưu lượng và tải trọng xe quá lớn (như tuyến tránh Kỳ Anh - Hà Tĩnh, nơi có nhiều mỏ đá cung cấp vật liệu cho công trường xây dựng Khu công nghiệp Formusa), các ngã ba, ngã tư xe nặng di chuyển tốc độ chậm, dừng, phanh... cùng với tác động của nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao làm giảm tính ổn định của cấp phối bê tông nhựa.
Nhà thầu tự bỏ tiền khắc phục
Để khắc phục hiện tượng HLVBX, các chuyên gia Trường Đại học GT-VT kiến nghị Bộ GT-VT trước mắt cần hoàn thiện và tăng cường hệ thống quản lý, giám sát quá trình thi công, nghiệm thu cả phần nền móng và lớp bê tông nhựa, đặc biệt là tăng cường khâu giám sát thi công theo hướng quy trách nhiệm cá nhân của tư vấn giám sát, nhà thầu thi công công trình. Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất loại bê tông nhựa nhiều đá dăm; nghiên cứu kết cấu áo đường phù hợp vùng miền khí hậu khác nhau và tăng cường móng gia cố; cải thiện tính chất bê tông nhựa bằng phụ gia nhằm khai thác, sử dụng nhiều nguồn vật liệu đá khác nhau. Về lâu dài, Bộ GT-VT cần thiết lập trung tâm quan trắc, theo dõi mặt đường, dòng phương tiện lưu hành phục vụ cho thiết kế và khai thác; ứng dụng vật liệu mới, phụ gia mới; xây dựng catalogue kết cấu áo đường điển hình phù hợp điều kiện Việt Nam…
PGS.TS Hoàng Hà nhấn mạnh yêu cầu các nhà đầu tư, tư vấn, nhà thầu tuân thủ chặt chẽ quy định về quản lý chất lượng các hạng mục bê tông nhựa; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất chất lượng tất cả các khâu từ vật liệu đầu vào, thiết kế hỗn hợp, sản xuất hỗn hợp và thi công nghiệm thu. Đặc biệt là quy định phải tập trung vật liệu tối thiểu 70% tại trạm trước khi tiến hành thí nghiệm cấp phối và rải thử. Trường hợp không có đủ mặt bằng và nguồn cung cấp vật liệu thì phải tiến hành thiết kế cấp phối, rải thử cho từng dây chuyền sản xuất vật liệu đá nhằm bảo đảm có được cấp phối bê tông nhựa đạt yêu cầu kỹ thuật, đủ khả năng chống HLVBX. Bên cạnh đó, cần tiếp tục siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: Đường vừa đưa vào khai thác đã xuất hiện hằn lún trong thời gian ngắn thì yếu tố chủ quan nhiều hơn. Dưới tác động của thời tiết, xe quá tải đẩy nhanh quá trình hằn lún. Để hạn chế tình trạng này, Bộ yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm soát các chủ thể thực hiện dự án ở tất cả các khâu như kiểm soát yếu tố đầu vào, thí nghiệm, thi công, hệ thống quản lý chất lượng nội bộ, rà soát các đơn vị có tay nghề, đánh giá năng lực nhà thầu… Việc thí nghiệm thiết kế bê tông nhựa phải hết sức kỹ lưỡng. Đơn vị nào làm kém sẽ không được xem xét giao dự án mới. Đường hỏng, chủ đầu tư, nhà thầu phải tự bỏ tiền ra khắc phục, đồng thời tăng thời gian bảo hành.
Bên cạnh đó, Bộ GT-VT sẽ tiến hành rà soát xếp hạng lại năng lực các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát. Cố gắng trong năm 2015, Bộ GT-VT sẽ đưa ra các loại kết cấu mặt đường cho từng vùng, miền dựa vào điều kiện và nguồn vật liệu khác nhau.
Theo HNMO