Dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam là khá cao

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 22/06/2015

(TN&MT) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nguy cơ dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam là khá cao. Đối với người dân trong nước, Bộ trưởng khuyến cáo tốt nhất giai đoạn này không đi đến các vùng có dịch trừ trường hợp bất khả kháng. Nếu có người nhà, người thân nằm trong bệnh viện nghi có nhiễm bệnh thì hạn chế tối đa việc vào thăm.

WHO đánh giá những giải pháp Việt Nam đưa ra là quyết liệt

Trong chuyên mục “Dân hỏi bộ trưởng trả lời” tối 21/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đánh giá nguy cơ xâm nhập dịch Mers–CoV vào Việt Nam là khá cao. Trước tình hình đó, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã tham mưu để có công điện của Chính phủ, tổ chức hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành, giao ban ban chỉ đạo liên ngành thường kỳ và tập huấn và phấn đấu 100% cán bộ y tế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc tham gia chẩn đoán điều trị; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc phòng chống dịch. Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong ban chỉ đạo liên ngành để sẵn sàng đối phó với dịch một cách quyết liệt, triệt để và không lơ là chủ quan.

Ngành y tế đã đưa ra thông điệp để ngăn chặn không cho dịch xâm nhập từ cửa khẩu, biên giới. Các hành khách đi từ vùng có dịch thì phải khai tờ khai y tế và được theo dõi nhiệt độ, được khuyến cáo và trong thời gian 14 ngày nếu có sốt thì phải đến cơ sở y tế theo hướng dẫn và được cách ly và điều trị triệt để. Thứ 2 là thực hiện nghiêm khắc, triệt để phòng chống nhiễm khuẩn và cách ly tại bệnh viện nếu có cơ nghi ngờ nếu như có ca bệnh.

Ngoài ra, Bộ y tế đã tổ chức tập huấn 1 cách rộng rãi đối với toàn ngành, đã tổ chức giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành với toàn bộ ngành y tế để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với dịch. Những nỗ lực trong thời gian qua được Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá là Việt Nam đã có những biện pháp quyết liệt trong việc chủ động phòng, chống dịch MERS-CoV xâm nhập.

Phải tạo cho cán bộ y tế có đủ thu nhập để yên tâm phục vụ tốt hơn

Cũng trong chương trình tối 21/6, người đứng đầu ngành y tế thừa nhận: “Có một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế từ điều dưỡng, kỹ thuật viên cho đến các bác sỹ vẫn có thái độ thờ ơ đối với nỗi đau của bệnh nhân, thậm chí là quát tháo và có tư tưởng ban ơn, cơ chế xin cho; đặc biệt nữa là có những biểu hiện tiêu cực đối với người bệnh”.

Để khắc phục tình trạng này , Bộ Y tế đã đưa ra Đề án “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Theo đó, Bộ Y tế sẽ ban hành Quyết định thực hiện chương trình hành động là đổi mới toàn diện phong cách phục vụ của Bộ Y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến ban hành Nghị quyết này sâu rộng trong toàn ngành, từ các tuyến Trung ương đến tuyến huyện, giao ban với 700 đầu cầu toàn quốc với mục đích làm sao từ bên trong các cán bộ y tế phải đổi mới, coi người bệnh là trung tâm để phục vụ.

Bộ Y tế tiếp tục duy trì hoạt động đường dây nóng, và thực hiện Thông tư về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ y tế không đủ phẩm chất; duy trì hòm thư góp ý, hòm thư nóng; quy định về trang phục đối với các cán bộ có chức năng khác nhau; thành lập các đơn vị chăm sóc khách hàng; có đội tình nguyện bác sỹ trẻ để giúp người bệnh trong quá trình thăm khám được nhanh gọn.

Điều quan trọng nữa là sẽ ký cam kết với các bệnh viện để cuối cùng phải đổi mới toàn diện thái độ, “niềm nở khi bệnh nhân đến, tận tụy khi phục vụ, chu đáo khi bệnh nhân về”. Sau đó có chương tình kiểm tra giám sát, và thi đua khen thưởng, kỉ luật.

Bộ trưởng cho rằng, đây là kế hoạch mới ban hành, không dễ để triển khai, vì vậy ngành Y tế luôn luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, các cơ quan báo chí, các chuyên gia để hoàn thiện. “Về lâu dài, chúng tôi cho rằng cũng phải tạo cho cán bộ y tế có đủ thu nhập, đủ sống đủ để tái tạo sức lao động để họ yên tâm phục vụ tốt hơn” – Bộ trưởng bày tỏ mong muốn.

Thu Hà