Xây bãi xe ngầm trong công viên Thống nhất: Phải lấy ý kiến cộng đồng
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 07/05/2015
UBND thành phố Hà Nội vừa có ý kiến về phương án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh trong Công viên Thống Nhất tại 295 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng theo đề nghị của Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án) và ý kiến các Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Tài nguyên- Môi trường, GTVT, UBND quận Hai Bà Trưng và đề xuất của Sở Kế hoạch- Đầu tư.
Theo đó, UBND thành phố chấp thuận nguyên tắc phương án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh tại 295 Lê Duẩn. Giao Sở Quy hoạch –Kiến trúc hướng dẫn Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội hoàn thiện phương án theo ý kiến của các sở, ngành; Lập quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh; Tổ chức thẩm định, lấy ý kiến cộng đồng và báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định.
UBND thành phố cũng yêu cầu, sau khi quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh được duyệt, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội lập hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định của UBND thành phố về thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 của Chính phủ về một nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Trước đó, người phát ngôn UBND TP Nguyễn Thịnh Thành cho biết, khu đất 295 đường Lê Duẩn mà Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đề xuất nghiên cứu, lập dự án bãi đỗ xe là phần diện tích đất năm 1991. UBND TP giao cho Cty Liên doanh SAS Hà Nội Royal LTD để lập DA xây dựng SAS Hà Nội Hotel theo Giấy phép đầu tư số 167/GP ngày 05/03/1991 của Ủy ban Nhà nước và Hợp tác đầu tư. Năm 1995, chủ đầu tư đã thi công cọc móng, tường vây của phần hầm đô xe (sâu 14m), với phạm vi 5.652m2. Sau đó do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế tài chính, tiền tệ châu Á năm 1997, nên DA tạm dừng triển khai.
Ngày 13/4/2009, Văn phòng chính phủ đã có văn bản số 2346/VPCP - KTN, thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dừng xây dựng khách sạn SAS Hanoi Royal tại 295 đường Lê Duẩn và giao cho UBND TP Hà Nội lựa chọn địa điểm khác giới thiệu cho nhà đầu tư để thực hiện dự án.
Khu đất 295 Lê Duẩn tại công viên Thống Nhất dự kiến xây dựng bãi đỗ xe ngầm
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã bố trí địa điểm mới để đầu tư xây dựng khách sạn tại khu vực đường Phạm Hùng; đồng thời ban hành Quyết định số 7481/QĐ - UBND ngày 9/12/2013 thu hồi 10.331,2m2 đất tại 295 đường Lê Duẩn, giao Trung tâm Giao dịch đất đai và phát triển quỹ đất Hà Nội quản lý.
Như vậy, từ năm 1997, dự án khách sạn SAS Hanoi Royal Hotel dừng triển khai đến nay. Trong khi, phần diện tích đất trên đã thi công cọc móng, tường vây để hoang hóa, không sử dụng và được trồng cây xanh theo quy hoạch. Trước thực trạng trên, ngày 6/6/2014, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã đề xuất xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh tại 295 đường Lê Duẩn để khai thác phần công trình ngầm đã thi công, tránh lãng phí tài sản xã hội và giải quyết nhu cầu về bãi đỗ xe trong nội đô và hoàn trả lại mặt bằng, trồng cây xanh, thảm cỏ và các công trình tiểu cảnh, kiến trúc của Công viên Thống Nhất.
Trên cơ sở đó, ngày 22/8/2014 UBND TP đã có văn bản số 6288/UBND - KH & ĐT, giao Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nghiên cứu, phương án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh tại 295 đường Lê Duẩn. Trong đó, yêu cầu Công ty này liên hệ với các sở, ngành để xác định cụ thể phạm vi nghiên cứu, chức năng, công năng sử dụng của khu đất, phương án xây dựng bãi đỗ xe ngầm, phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên Thống Nhất đang nghiên cứu lập.
Ngày 28/11/2014, Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội có văn bản số 424 đề xuất phương án xây dựng bãi đỗ xe ngầm… Nội dung bao gồm: Hoàn thiện xây dựng bãi đỗ xe ngầm trên cơ sở các hạng mục công trình ngầm đã thi công dở dang của DA khách sạn SAS Hanoi Royal Hotel với diện tích 5652m2 sàn x 3 tầng hầm = 16.956 m2 (dự kiến đỗ được 390 xe ô tô con).
Toàn bộ phần diện tích mặt đất để trồng cây xanh, thảm cỏ (khoảng 7585m2, chiếm 73,4%); làm sân đường dạo (2230m2, chiếm 21,6%) và các công trình kiến trúc, công trình phụ trợ khác (ước 516m2, chiếm 5%) phục vụ cộng đồng. Nguồn vốn đầu tư là của DN và vốn huy động, vốn vay hợp pháp khác./.
Theo Đỗ Hưng/VOV.VN