Quảng Trị: Tri ân các "cảm tử quân" hi sinh khi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 28/04/2015

(TN&MT) - Công trình “Bia tưởng niệm Liệt sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước” được huyện Đoàn Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) khởi công xây dựng ngày 27/4; kết hợp hoạt động thả hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ hi sinh trên con đường tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ những năm tháng chiến tranh.
Phần đa các anh hùng liệt sĩ hi sinh là thanh niên xung phong ở các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch… (huyện Vĩnh Linh)
Phần đa các anh hùng liệt sĩ hi sinh là thanh niên xung phong ở các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch… (huyện Vĩnh Linh)

Công trình được khởi công xây dựng tại vị trí là hầm chỉ huy Đại đội 22 - Tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Từ năm 1959, chủ trương tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ đã được Quân và dân Vĩnh Linh thực hiện . Để bảo vệ "vọng gác tiền tiêu" - con mắt thần của XHCN, với quyết tâm "Tất cả vì Cồn Cỏ thân yêu", ngày 13-3-1965, Đại đội 22 - Trung đoàn 270 được thành lập với nhiệm vụ tiếp tế cho đảo.

Đại đội 22 ban đầu có 40 cán bộ, chiến sĩ; lực lượng bổ sung có thêm 80 thanh niên, dân quân du kích trực chiến 4 xã vùng biển Vĩnh Linh. Đội thuyền tiếp tế cho Cồn Cỏ có 12 chiếc (thuyền nan có buồm) thường xuyên điều của các xã ven biển có trọng tải 1,5 đến 2 tấn/thuyền.

Với khẩu hiệu: "các cảm tử quân lấy biển làm hầm, lấy mạn thuyền làm công sự đánh địch mà đi, vượt địch mà tới. Người này ngã xuống, người khác xông lên, thuyền này đắm, thuyền khác xốc tới". Từ năm 1965 đến 1971 mặc dù kẻ địch đã dùng mọi thủ đoạn phong tỏa vùng biển, vùng trời hòng ngăn chặn sự chi viện từ đất liền ra đảo, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên dân quân Đại đội 22 đã mở đường máu vận chuyển tổng cộng gần 7.000 tấn vũ khí, đạn dược, khí tài, nhu yếu phẩm... để phục vụ cho việc xây dựng công sự, trận địa trên đảo Cồn Cỏ; tiếp nhận, vận chuyển an toàn thương, bệnh binh về đất liền, góp phần bảo vệ vững chắc vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc.

Trên con đường vận chuyển oanh liệt ra đảo, chỉ tính riêng đại đội 22 đã có 76 cán bộ chiến sĩ hi sinh, mất tích cùng nhiều thanh niên xung phong.

Theo ông Nguyễn Quang Sóa (79 tuổi) thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, nguyên là thanh niên xung phong, Tiểu Đội trưởng, Thuyền trưởng từng tham gia tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ thì: Tính riêng xã Vĩnh Thái đã có 26 thanh niên xung phong mở đường máu tiếp tế. Mỗi chuyến thuyền ra khơi có từ 5-6 người, vận chuyển trên 10 tấn/chuyến, đi vào ban đêm. "Trong 64 chuyến hàng (từ 1963 đến 1968), mà tôi được vận chuyển thì có đến 16 chuyến bị địch bắn chìm, nhiều đồng đội hi sinh", ông Sóa nói.

Sáng 27-4, Ban tổ chức cũng tặng 30 suất quà, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng cho các gia đình chính sách ở ba xã Vĩnh Thái, Vĩnh Kim và Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh).

Được biết, kinh phí xây dựng công trình Bia tưởng niệm là 450 triệu đồng qua sự quyên góp của các nhà hảo tâm.

Tin & ảnh: Hải Tân