Từ vụ xô đẩy, trèo rào vào Công viên nước Hồ Tây: Báo động đỏ về văn hóa ứng xử
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 22/04/2015
Hiện trạng đáng xấu hổ
Những gì diễn ra vào buổi sáng 19-4, tại Công viên nước Hồ Tây - Hà Nội khiến đa số người Việt không khỏi không cảm thấy xấu hổ, và cả đau đớn nữa. Cho đến giờ này, hơn hai ngày kể từ khi sự việc diễn ra, chúng ta vẫn không thể cắt nghĩa được một cách đầy đủ về nguyên cớ đã khiến hàng nghìn người đổ về công viên cùng lúc và nhiều người trong số đó đã chen nhau vượt rào để có được một suất tắm miễn phí mà bình thường có thể dễ dàng mua vé chỉ với giá vài chục nghìn đồng. Những đứa trẻ được cha mẹ chúng chuyền tay qua hàng rào bảo vệ, bất chấp sự nguy hiểm; những thiếu nữ trong trang phục bikini "ghếch chân" vượt rào sắt nhọn; một "biển người" chen chúc vẫy vùng trong bể nước, nơi không ai có thể bơi theo đúng nghĩa của từ này và nhiều cô gái trẻ trở thành mục tiêu của những kẻ biến thái.
Đó là một thảm họa văn hóa thực sự, diễn ra tại Hà Nội, nơi được tụng ca về lề thói ứng xử thanh lịch và chính quyền thành phố vẫn đang không ngừng tìm cách để truyền thống đẹp lan tỏa trong đời sống hiện đại. Ý nghĩa "thảm họa" được nhân lên bởi những gì xảy ra trong sáng 19-4 là sự tiếp nối của những vụ việc tai tiếng tương tự từng diễn ra trước đó, cũng tại Hà Nội hoặc ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nam Định… Chẳng hạn, vụ "hôi bia" tại Đồng Nai xảy ra năm 2013, hàng trăm người lấy đi phần lớn trong số 1.000 thùng bia đổ xuống đường sau khi chiếc xe tải bị lật, để lại gánh nặng bồi thường cho người lái xe được trả lương tháng 4 triệu đồng. Hiện tượng người dân vô ý thức giẫm đạp lên hoa hay tranh cướp hoa từng xảy ra tại lễ hội phố hoa Hà Nội cách nay ít năm và tại TP Hồ Chí Minh trong ngày khai mạc đường hoa xuân Ất Mùi vào đầu năm nay, để lại dư vị đắng chát như khi xảy ra chuyện "cướp hoa tre" tại Hội Gióng 2015 và "cướp ấn đền Trần" trong mùa hội 2015 tại Nam Định…
Bất chấp nguy hiểm, nhiều phụ huynh “chuyền” con qua hàng rào sắt nhọn để vào công viên nước.
Đâu chỉ là "một miếng giữa làng…"
Hình ảnh gây "bão" dư luận được đưa lên mạng xã hội gần như đồng thời với những gì đang diễn ra tại Công viên Hồ Tây lúc đó, như người ta nói là tổng hòa của tất cả những gì đáng xấu hổ trên phương diện ứng xử giữa nơi công cộng, giữa người với người. Thoạt tiên, làn sóng chỉ trích nhằm vào đơn vị tổ chức, nơi được cho là đã không làm tròn trách nhiệm trong quá trình thực hiện "chiêu PR" nhằm thu hút du khách tham gia dịch vụ hè 2015 tại đây. Sự bực bội càng dâng cao sau khi ai đó ở đơn vị tổ chức buông lời giải thích "kỳ lạ nhất trong những điều kỳ lạ", đại ý rằng bộ bikini của một khách nữ bị rách không phải do bị xé hay là hậu quả của một vụ quấy rối tình dục, mà là do chất lượng bộ đồ bơi của chị này kém chất lượng (!). Bức xúc lên cao và mọi lời giải thích, xin lỗi mà phía Công viên Hồ Tây đưa ra sau đó đều không được chấp nhận. Vậy thì, trong sự việc này, nguyên nhân là gì, trách nhiệm thuộc về đâu?
Hôm qua, hơn một ngày kể từ khi sự việc xảy ra, có thể phân tích kỹ hơn về trách nhiệm của cộng đồng, đúng hơn là ý thức và trách nhiệm ứng xử của người tham gia sự kiện cũng như gương xấu mà người lớn bày ra trước mắt trẻ em - nạn nhân đích thực của việc làm gây phản cảm. Có rất nhiều yếu tố dẫn lối cho hành vi thiếu văn hóa. Từ tâm lý "một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp", "một quan tiền công, không bằng một đồng tiền thưởng" đến ý thức về trách nhiệm và bổn phận thực hiện quy tắc ứng xử văn minh được cộng đồng thừa nhận, sự thiếu trách nhiệm của người lớn đối với con trẻ, thói vô cảm…
Tuy thế, nếu chỉ giải thích đơn giản và cho rằng tâm lý "một miếng giữa làng" là nguyên nhân chủ đạo, chúng ta rất khó để nhận chân sự việc nói trên cũng như tìm ra giải pháp cho vấn đề. Tâm lý hám lợi đã rõ ràng, cái gọi là "tâm lý đám đông" cũng là điều dễ thấy. Nhưng, điều khiến cho các cá nhân nhập vào đám đông hàng nghìn người cùng lao vào nơi vốn đang hỗn loạn thay vì tránh ra xa nó chỉ có thể là do kỹ năng ứng xử, quan niệm ứng xử văn minh và tính kỷ luật ở mỗi cá nhân đều ở mức thấp. Tư tưởng bản vị khiến con người trở nên ích kỷ, chạy theo ham muốn cá nhân một cách thái quá, phá vỡ cấu trúc ứng xử văn minh, sẵn sàng đánh đổi lòng tự trọng chỉ vì món lợi tầm thường.
Sự hỗn loạn ở Công viên Hồ Tây, vì thế, không nên nhìn nhận nguyên nhân một cách đơn giản, tức khu biệt trong sự kiện, mà cần xem xét trong mối quan hệ với những việc tương tự từng xảy ra. Khi đó, nhìn trong tổng thể, chúng ta sẽ thấy được sự xuống cấp về văn hóa ứng xử của một bộ phận trong xã hội đã ở mức báo động đỏ, không thể không tìm cách ngăn chặn.
Theo Đức Huy/HNMO