Nhu cầu Du lịch 30/4 - 1/5 tăng cao: Tìm mọi cách để "chặt chém" du khách

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 07/04/2015

(TN&MT) - Theo các công ty du lịch, nhờ được nghỉ gộp lễ 30/4, 1/5 và Giỗ tổ Hùng Vương kéo dài đến 6 ngày nên nhu cầu khách đi du lịch tăng mạnh. Theo các công ty du lịch, sức mua tour tăng khoảng 15% - 30%. Đáng buồn là những “chiêu” quen thuộc để móc túi du khách như nạn “đầu cơ” phòng nghỉ đẩy giá lên cao, tăng phí các dịch vụ vô lý… vẫn tái diễn.

Tăng giá nhưng vẫn đắt tour

Theo quan sát của công ty Lữ hành Fiditour, khách hàng hiện nay đang đặc biệt quan tâm đến dòng tour sự kiện pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, tour ngắm hoa cà phê Ban Ma Thuột, trải nghiệm vẻ đẹp của đỗ quyên rừng và chiêm ngưỡng ruộng bậc thang trong mùa đổ nước trên miền rẻo cao Tây Bắc, tham gia các lễ hội văn hóa của người Khmer tại miền Tây Nam Bộ... Đại diện Fiditour cho biết, công ty đã xây dựng hơn 200 đường tour đặc sắc, chi phí hợp lý, chất lượng và nhấn mạnh vào các sự kiện, hoạt động vui chơi giải trí tại điểm đến. Theo đó, các hành trình trọn gói có độ dài tour trung bình từ 4 – 6 ngày được nhiều khách hàng lựa chọn do đây là giải pháp tối ưu cho phân khúc khách gia đình hoặc nhóm khách trung niên và cao tuổi.

Thông tin từ bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc OSC Việt Nam Travel cho hay, đối tượng đi du lịch trong dịp này chủ yếu là khách đoàn, khách công ty. Các điểm đến như Đà Lạt, Nha Trang, Côn Đảo, miền Trung, Phan Thiết vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người. Riêng tour miền Trung tham quan Huế - Phong Nha - Hội An - Đà Nẵng của OSC Việt Nam Travel đã kín chỗ cách đây 2 tháng.

Du lịch vùng biển vẫn là lựa chọn của du khách Việt
Du lịch vùng biển vẫn là lựa chọn của du khách Việt

Theo ước tính của các công ty lữ hành, đến thời điểm này lượng khách đặt tour nghỉ lễ vào dịp 30/4 – 1/5 tăng 50% so với cùng kỳ năm 2014. Ngay từ đầu năm một số tour đã hết chỗ hoặc nếu còn thì giá cao hơn nhiều giá thường ngày như tour đến Đà Nẵng – Hội An, Nha Trang – Đà Lạt, Côn Đảo…

Cũng theo thông tin từ một số doanh nghiệp lữ hành, dịp nghỉ lễ năm nay giá tour sẽ tăng hơn so với những năm trước. Nguyên nhân là do giá xăng dầu bất ngờ tăng vào cuối tháng 3 khiến chi phí vận chuyển, giá phòng, dịch vụ… ở các tuyến điểm đến đều đồng loạt tăng. Theo các doanh nghiệp lữ hành, hiện tại giá hợp đồng xe, vé tàu hỏa, vé vào cổng, dịch vụ ở một số khu du lịch đã tăng từ 10 - 20%, có nơi tăng 30 - 35%. Đối với các hợp đồng tour đã ký trước thời điểm 1/4, giá vận chuyển chỉ tăng từ 5 - 10%, nhưng từ sau ngày 1/4 có nơi đã tăng lên 30%. Vì vậy, để tránh thua lỗ các đơn vị lữ hành đều phải điều chỉnh tăng giá tour từ 10 - 30%.

Bất lực với các “chiêu” móc túi du khách

Thực tế, vài năm qua ngành du lịch Việt Nam liên tục kêu gọi người Việt đi du lịch nội địa trong bối cảnh ngành kinh tế này gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, cứ vào mùa du lịch lại diễn ra tình trạng “cháy phòng”, “cháy dịch vụ”. Theo phản hồi của một số công ty lữ hàng thì thực tế không hẳn như vậy, đây thực chất là hiện tượng “đầu cơ” phòng của một vài doanh nghiệp cá biệt, chờ thời điểm để đẩy giá lên cao mới bung hàng.

 Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ Trẻ Thị trường cho hay: Có một điểm khá lạ là trong khi lượng khách tăng trưởng vừa phải thì dịch vụ tại các điểm đến lại thông báo là đã được đăng ký hết. Cách dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 gần 2 tháng hầu như rất khó đặt phòng ở những điểm du lịch biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết và Phú Quốc. Tại Đà Nẵng, khách lữ hành muốn thuê khách sạn ba sao cũng phải trả gần 800.000 đồng/đêm phòng, đắt gấp đôi so với bình thường.

Đại diện Công ty Du lịch Vietrantour cũng thông tin rằng, hiện nay đang có hiện tượng “cháy phòng ảo” vào dịp nghỉ lễ 30/4. Đặc biệt là tại Nha Trang và Đà Nẵng. Ngoài việc đặt seri booking trước đó một năm của các doanh nghiệp lữ hành, hiện này còn xảy ra các hiện tượng một số doanh nghiệp lữ hành địa phương “đầu cơ phòng” nhằm bán chênh lệch cho các đơn vị tổ chức tour tại hai đầu Hà Nội và Sài Gòn. Việc làm này đang lũng đoạn thị trường du lịch, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch trong mắt các du khách.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Kích cầu là làm thế nào để người dân ta có ít tiền vẫn đi du lịch được nhất là những dịp nghỉ lễ dài ngày như Tết nguyên đán, nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Hành động “mài dao” chờ dịp đông khách để “chặt chém” vẫn diễn ra phổ biến ở hầu khắp các điểm du lịch nội địa là không văn minh trong kinh doanh ngành dịch vụ. Để dẹp được nạn này cần vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của chính quyền địa phương chứ chỉ riêng ngành du lịch thì không thể làm được.

Bài và  ảnh: Minh Anh