Có một con đường Hạnh Phúc trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 19/03/2015

(TN&MT) - Trước năm 1959, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) vẫn là một vùng biệt lập, cách trở. Từ đây xuống đến trung tâm tỉnh lỵ Hà Giang phải mất 3  ngày ròng rã đi ngựa. Từ mong ước của hơn 8 vạn đồng bào các dân tộc nơi đây, ngày 10/9/1959, Khu ủy Việt Bắc và tỉnh Hà Giang đã cho khởi công con đường lên Cao nguyên đá mang tên đường Hạnh Phúc (ĐHP).

Để làm con đường khó khăn bậc nhất của cả nước này, có sự tham gia của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) 8 tỉnh gồm: Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Đinh và đồng bào các dân tộc Hà Giang. Sau gần 6 năm thi công gian khổ, “tay không đánh nhau với đá”, con đường kỳ tích trên đá đã được hoàn thành ngày 20.3.1965. Con đường xuất phát từ thị xã Hà Giang và kết thúc ở thị trấn Mèo Vạc với chiều dài 185km.

Con ĐHP được hoàn thành, nối Cao nguyên đá Đồng Văn với miền xuôi, điều mà trước đó bọn phản động, thổ ty cát cứ trên vùng này còn thách thức “nếu cộng sản mở được đường lên Đồng Văn, ngựa đực sẽ đẻ con, người sẽ đi ngược đầu xuống đất”. Với 2.246.321 ngày công thực hiện khối lượng phá, đào 2.899.638m3 đất đá. Đó là một kỳ tích được làm nên bởi sức mạnh tinh thần với cuốc, xẻng, xà beng, những sợi dây thừng của Đội Cảm tử 11 tháng treo mình nơi vách đá, tinh thần kiên cường của TNXP và đồng bào các dân tộc. Quá trình làm đường, phải đương đầu với sự nổi dậy của các thế lực phản động, phỉ nơi đây với không ít sự hy sinh của đồng bào, cán bộ trên Cao nguyên đá. 6 năm trên công trường đá ngày ấy, 14 TNXP đã ngã xuống vì sốt rét, tai nạn lao động khi tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người còn mang thương tích vì mìn, đá hay những cơn sốt rét còn dai dẳng về sau…

kkkk
 

Hành trình mở đường vì thế đã để lại một dấu mốc đặc biệt, một trang sử đá và những khúc tráng ca bất diệt của TNXP và đồng bào các dân tộc Hà Giang. Sức mạnh để làm nên ĐHP cũng là sức mạnh của lịch sử. Con ĐHP đi vào xứ sở đá bao đời nghèo khó, khuất phục các thế lực phản cách mạng, muốn tách Cao nguyên đá Đồng Văn ra khỏi bản đồ đất nước. Từ đó, khơi thông huyết mạch cho sự phát triển của vùng và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng trên vùng này. Đặc biệt hiện nay, khi Cao nguyên đá trở thành Công viên địa chất Toàn cầu, con đường trở thành cầu nối đưa du khách đến với di sản có một không hai của cả nước. 

Đường Hạnh Phúc lên Cao nguyên đá Đồng Văn
Đường Hạnh Phúc lên Cao nguyên đá Đồng Văn

Qua công trình ĐHP, có thể thấy được sức mạnh đoàn kết dân tộc, lòng yêu nước, vai trò tiên phong của tuổi trẻ Việt Nam. Tinh thần chiến đấu, lao động, hy sinh của thế hệ ngày ấy như ngọn đuốc soi sáng đến thế hệ hôm nay và mai sau. Ông Phạm Đình Dy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và là kiến trúc sư của con đường cho biết: Cùng với hy sinh của lực lượng TNXP, ngày công của đồng bào các dân tộc Hà Giang chiếm gần một nửa. Người dân đi làm đường khổ lắm, cơm đùm, cơm nắm, phải chịu khổ cực để ghánh vác nhiệm vụ chung. Thành công vĩ đại của con đường là của nhân dân.

Ghi nhận công lao của các TNXP, đồng bào các dân tộc, vừa qua Chủ tịch nước đã trao tặng Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” cho TNXP các tỉnh tham gia mở đường; 14 TNXP hy sinh trên công trường được công nhận là liệt sỹ. Chị Hùng Thị Giang, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang xúc động cho biết, ngày ấy chắc chắn các TNXP có nhiều ước mơ, hoài bão và mong muốn hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng họ lại tình nguyện chọn nhiệm vụ ở một nơi gian khó như công trường mở đường Hạnh Phúc với tinh thần “Tổ quốc gọi, thanh niên lên đường”. Đó là một điều rất đáng khâm phục.

 

                                                                   Bài & ảnh: Huy Toán