Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Đón 14 triệu lượt khách du lịch vào năm 2020
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 09/01/2015
(TN&MT) - Ngày 9/1, tại TP. Đà Nẵng Bộ VHTT&DL công bố mục tiêu phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ có 14 triệu lượt khách du lịch vào năm 2012.
(TN&MT) - Đó là một trong số những mục tiêu quan trọng về phát triển du lịch khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công bố tại Hội nghị công bố triển khai quy hoạch tổng thể phát triển Văn hóa, Gia đình, Thể dục thể thao và Du lịch (VH – GĐ, TD – TT & DL) vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại TP. Đà Nẵng vào ngày 9/1.
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung với 6,3 triệu dân, gồm năm tỉnh thành phố từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định đang trở thành một khu vực năng động, đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.
Quy hoạch tổng thể phát triển VH – GD, TD – TT & DL vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với mục tiêu đến năm 2020 khu vực này sẽ đón khoảng 14 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại vùng trong đó có 6 triệu lượt khách quốc tế và 8 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 45 nghìn tỷ đồng (2,1 tỷ USD), tạo việc làm cho 80 nghìn lao động, cơ sở lưu trú có trên 60 nghìn buồng. Phấn đấu đến năm 2030 đón 25 triệu lượt khách (10 triệu khách quốc tế, 15 triệu lượt khách trong nước) tổng doanh thu đạt trên 80 nghìn tỷ đồng (3,8 tỷ USD).
Đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống, ưu tiên phát triển phân khúc thị trường khách lưu trú dài ngày và chi tiêu cao, bên cạnh việc chú trọng phát triển khách du lịch mới từ các nước Đông Âu, Nam Mỹ. Đối với khách nội địa, chủ trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần, giải trí, mua sắm, lễ hội tâm linh, khuyến khích phát triển và mở rộng thị trường du lịch theo chuyên đề và du lịch kết hợp công vụ.
Hội nghị công bố Quy hoach phát triển VH - GD - TT & DL vùng KTTĐ miền Trung
Tập trung phát triển nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của vùng như du lịch di sản văn hóa và du lịch biển đảo, tập trung phát triển 6 khu du lịch quốc gia, phát triển các tuyến du lịch trọng điểm “Con đường di sản ASEAN”, du lịch caravan theo hành lang Đông – Tây, du lịch sinh thái biển đảo, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số.
Về văn hóa lấy thành phố Đà Nẵng và thành phố Huế làm Trung tâm văn hóa nghệ thuật, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) là Trung tâm văn hóa phía Nam của Vùng, ưu tiên bảo tồn, phát huy gía trị các di sản thế giới, di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt; đẩy mạnh xây dựng thiết chế băn hóa tại các khu công nghiệp và vùng cửa khẩu biên giới, huyện đảo. Đến năm 2020, 100% khu công nghiệp, khu kinh tế, chế xuất có quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa…
Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đặt ra, Bộ VHTT& DL đã đưa ra bốn giải pháp trọng tâm đó là phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học – công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất và đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường giáo dục – tuyên truyền nâng cao nhận thức, đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển.
Tại Hội nghị, Sở VHTT&DL các địa phương đều thống nhất cao với quan điểm của Bộ VHTT&DL; việc quy hoạch này có tính sát thực, giúp các tỉnh thành miền Trung nhận diện được tiềm năng, thế mạnh, cũng như những hạn chế của vùng.
Các địa phương cũng cho rằng liên kết vùng để phát triển, phát huy thế mạnh địa phương là điều cần thiết. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả thì cần có sự điều phối, không nên có sự trùng lặp giữa các địa phương với nhau, không chỉ riêng ở lĩnh vực du lịch mà cả thể thao, văn hóa.
Tin & ảnh: Lan Anh