Quảng Nam: Tìm giải pháp “cứu” biển Cửa Đại (Hội An)

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 24/12/2014

(TN&MT) - Sáng 24/12, tại TP. Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo liên quan đến vấn đề chống sạt lở bờ biển và phát triển bền vững khu vực cửa Đại
   
   (TN&MT) - Sáng 24/12, tại TP. Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đại học Thủy lợi  tổ chức Hội thảo “Đề xuất giải pháp khoa học công nghệ nhằm phòng chống sạt lở bờ biển phục vụ du lịch và phát triển bền vững khu vực Cửa Đại”. Gần 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự Hội thảo.
   
  Cửa biển Cửa Đại là nơi các dòng sông Thu Bồn, Trường Giang đổ ra biển lớn, cũng là cửa ra vào của hàng ngàn tàu thuyền Quảng Nam. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các dự án thủy điện thượng nguồn, vùng biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng đe dọa tính mạng và tài sản của người dân; uy hiếp các công trình khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
   
  Ðể giảm thiệt hại cho các công trình và chống sạt lở đất, năm 2012 tỉnh Quảng Nam đưa vào sử dụng tuyến kè 714,2 m (kinh phí hơn 50 tỉ đồng). Trong năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam giao TP Hội An tiếp tục xây dựng đoạn kè với tổng chiều dài 137,4 m (đoạn từ khu resort Fusion Alya đến khu resort Vinpearl Hội An). Tuy nhiên, tình trạng sạt lở vẫn không có dấu hiệu dừng lại mà ngày càng nghiêm trọng.
   
  Với mức độ xâm thực như hiện nay và dự báo ngày càng gia tăng cường độ, ước tính đến năm 2020 sẽ có gần 25.000 người (chiếm gần 30% dân số TP Hội An) bị mất đất canh tác, mất nhà do nước biển dâng cao.
   
   
  Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, bên cạnh tác động của BĐKH, nguyên nhân chính gây xói lở bờ biển Hội An là do thay đổi của cán cân bùn cát tại khu vực. 10 năm gần đây, các đập thủy lợi và thủy điện xây dựng trên thượng nguồn các con sông đổ ra khu vực bờ biển Hội An, đặc biệt là sông Thu Bồn, đã chặn một lượng rất lớn bùn cát do các con sông tải ra biển. Do thiếu hụt cát cung cấp cho khu vực bờ biển, hiện tượng xói lở đã và sẽ xảy ra dữ dội tại khu vực bờ biển TP. Hội An.
   
  Ngoài ra, các công trình bảo vệ được thiết kế thiếu quy hoạch và cơ sở khoa học về điều kiện thủy thạch động lực tại khu vực đặc biệt trong các trường hợp thời tiết cực đoan như bão và áp thấp nhiệt đới cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng xói lở ngày càng khốc liệt.
   
Quang cảnh Hội thảo
   
  Tại hội thảo, các chuyên gia khoa học trong và ngoài nước đã đề xuất nhiều giải pháp để bảo vệ bờ biển Hội An. PGS.TS Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho rằng: Các ngành chức năng cần nghiêm cấm mọi hình thức hút cát tại hạ lưu sông Thu Bồn và toàn bộ dải ven biển tỉnh Quảng Nam, đồng thời xây dựng và thực hiện dự án nghiên cứu, xác định rõ quá trình vận chuyển bùn cát và nguyên nhân xói lở bờ biển Hội An; Sử dụng kè lát mái với độ dốc 1:3 hoặc 1:4 có mấu phá sóng để bảo vệ khu vực bãi tắm Cửa Đại…
   
  Đồng quan điểm, GS.TS Hitoshi Tanaka, Trường Đại học Tohoku, Nhật Bản chia sẻ: Hội An cần tính toán giải pháp tăng lượng bùn cát cho lưu vực sông; Nuôi bãi phòng chống xói lở kết hợp với các công trình cứng như kè, đập phá sóng…
   
  TS Lê Đình Mầu, Viện Hải dương học Nha Trang đề xuất: Vùng biển Hội An chịu tác động chủ yếu của sóng hướng Đông bắc, các tháng 9,10,11 hàng năm là thời gian bão hoạt động mạnh nhất. Trên cơ sở chế độ động lực sóng, để bảo vệ bờ biển Hội An, UBND tỉnh cần có quyết định chỉ cho phép các doanh nghiệp du lịch ven bờ được xây dựng hệ thống kè bảo vệ khi bản thiết kế có đầy đủ cơ sở khoa học; trồng rừng phòng hộ nhằm chắn cát bay, tạo cảnh quan đẹp; Thiết kế, xây dựng kè phá sóng xa bờ tại bờ bắc Cửa Đại và hệ thống kè kiên cố.
   
  Các đề xuất về kỹ thuật khả thi chống biển xâm thực cũng như các giải pháp chỉnh trị tổng thể để ổn định vùng cửa sông, ven biển được đề xuất tại Hội thảo sẽ được UBND tỉnh Quảng Nam tổng hợp để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ và phát triển bền vững bờ biển Hội An.
   
Tin & ảnh: Lan Anh