Khu TĐC làng chài Hà Phong - TP. Hạ Long: Nơi cuộc sống bình yên
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 20/11/2014
(TN&MT) - Làng chài Vung Viêng giờ đây chỉ quy hoạch cho hoạt động du lịch và nuôi thủy sản chứ không còn là nơi tồn tại cư dân như trước nữa
(TN&MT) - Vung Viêng là một trong những làng chài trên vịnh Hạ Long đã tồn tại từ bao đời nay. Cuộc sống lênh đênh trên biển cũng lận đận theo cái nghèo, cái khổ vì thiếu trăm bề. Nỗi đau…nhất là cuộc sống xa đất liền từ lâu đã để lại nạn mù chữ hoặc trình độ văn hóa chỉ lớp 5 là phổ thông của bao lớp trẻ. Mỗi cơn bão, lốc tràn tới là một lỗi lo sợ vô cùng vì tính mạng và tài sản của làng chai mong manh như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Làng chài Vung Viêng giờ đây chỉ quy hoạch cho hoạt động du lịch và nuôi thủy sản chứ không còn là nơi tồn tại cư dân như trước nữa.
Biến “cái không thể thành cái có thể” cũng là thay đổi hoàn toàn tập quán của hàng trăm hộ dân được lên bờ sinh sống tốt hơn, an toàn hơn đó là ý chí quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long. Chính vì thế Dự án khu tái định cư làng chài Hà Phong – Hạ Long được đầu tư ngay trên bờ Vịnh với phong cảnh núi non hùng vĩ khá sang trang, đẹp đẽ. Hơn 300 hộ với khoảng 1500 nhân khẩu trên vịnh Hạ Long giờ đây đã có nơi ăn, chốn ở vững bền.
Gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Phúc lô A1 – khu TĐC làng chài Hà Phong cũng đã bắt đầu tiệm cận với “kinh tế thị trường”. Cũng còn khó khăn lắm để hòa nhập đất liền ví vợ chồng chị sống từ nhỏ trên biển nên không có biết được cái chữ. Nhưng thế hệ các con chị rồi đây sẽ khấm khá hơn vì nó được học bổ túc thêm để tốt nghiệp lớp 12, và đã làm nhân viên tại Ban quản lý Vịnh. Nhớ lại cơn bão Hải Yến đổ về năm 2013 anh chị tưởng như nhà mình khi đó đã chìm đáy Vịnh. Gió to, bão lớn các mảng bè tan manh, hai vợ chồng chèo chống với bão, vừa khóc ròng rã thâu đêm…cũng may căn nhà gỗ mấy phen sắp chìm nhưng cũng không tan vỡ, bè mảng thì cuốn theo con sóng, thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Làng chài Hà Phong từ đây sẽ “sang trang mới” đổi đời cho bao thế hệ dân chài.
Ở làng chài Hà Phong hiện nay các em nhỏ đã cắp sách tới trường. Những thanh niên trưởng thành chỉ học tới lớp 5 nay tìm cách học bổ túc để nâng cao trình độ. Một số lớn người dân đang ở độ tuổi lao động đành quay lại nghề biển nhưng yên tâm hơn vì có tổ ấm nơi đất liền.
Đây là khu ven biển Cái Xà Cong Nam. Chính quyền địa phương đang cân nhắc xây dựng một bến thuyền, bến cá phục vụ bà con làng chài Hà Phong. Tuy nhiên để xây dựng được bến này là điều không đơn giản vì khai thông luồng lạch còn phải phá dải đá ngầm tới 1 km. Đây là điều rất phức tạp vì khi nổ mìn sẽ ảnh hưởng đến tầng sinh thái, môi sinh Di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long. Chi phí cho Dự án có thể đến hàng trăm tỉ đồng, ngoài ngoài việc nạo vét bùn sét gần 3 km còn phải chi nạo vét thường xuyên vì bùn sét luôn trôi vào luồng bến.
Gia đình chị Tất đang hòa nhập dần với đất liền. Họ đã bắt đầu mua chút ít hàng hóa về bán
Ngược lại, bến Đông Cái Xà Cong (nơi Cty CP Minh Anh đã khai thông con đường mòn – Dự án được phê duyệt 1/2000) tuy đường bộ dẫn tới khu làng chài Hà Phong xa hơn bến Nam tới hơn 500 mét, nhưng luồng ra biển sẽ gần hơn bến Nam tới 3,8 km. Tại bến Đông này luồng biển nước sâu hơn không bị phụ thuộc vào thủy triều. Đặc biệt chỉ cần đầu tư vài chục tỉ đồng mà không cần đầu tư cho nạo vét luồng lạch.
Sự so sánh về kinh tế và những tác động môi trường khi mở bên Đông hoặc Nam – Cái Xà Cong đang là “bài toán” khiến các cơ quan chức năng đang nghiên cứu phê duyệt phương án tối ưu nhất.
Việc di dân sinh sống dưới Vịnh lên bờ tuy còn nhiều khó khăn, cố gắng trước mắt, nhưng chắc chắn về lâu dài “cuộc cách mạng” này sẽ mang lại ý nghĩa kinh tế và xã hội to lớn mà nhiều địa phương khác đang cần chia sẻ kinh nghiệm với Quảng Ninh.
Hiện nay tuy còn rất ít người dân chưa kịp hòa nhập với cuộc sống mới do chưa đầy đủ những điều kiện cần và đủ trong cuộc sống. Đó chỉ là chuyện rất nhỏ trong Dự án lớn đã thành công và chắc chắn họ sẽ được chính quyền chung tay, góp sức khắc phục mọi khó khăn
Văn Nguyễn