Ấn tượng về “Đông ấm vùng cao” tại Simacai
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 19/11/2014
(TN&MT) - Trong 3 ngày từ 14 đến 16/11, Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường và SV trường Đại học TN&MT Hà Nội đã tổ chức chương trình “Đông ấm vùng cao”.
(TN&MT) - Trong 3 ngày từ 14-16 tháng 11 năm 2014, Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường phối hợp cùng các thầy cô giáo và hơn 60 sinh viên tình nguyện khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức chương trình từ thiện “Đông ấm vùng cao” tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học, Trung học cơ sở xã Nàn Sín, Huyện Simacai, Tỉnh Lào Cai.
Chương trình gắn kết con người với con người
Chương trình “Đông ấm vùng cao” là một trong những hoạt động từ thiện thường niên thể hiện sự quan tâm, tình thương yêu cộng đồng con người với con người của lãnh đạo, chi bộ, công đoàn và đoàn TNCS HCM, các cán bộ của Trung tâm và các thầy cô giáo cùng sinh viên khoa Công nghệ Thông tin. “Chuyến đi này giúp em cũng như các bạn sinh viên trong đội sinh viên tình nguyện của khoa có một trải nghiệm thực sự. Ngay cả đối với em và những bạn đồng hương Lào Cai, mặc dù sống ở quê gần 20 năm nhưng nếu không có chuyến đi này thì em và các bạn ấy cũng không thể cảm nhận được phần nào những vất vả, khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần của các em học sinh, của thầy cô và người dân nơi đây” – em Lại Mai Hương, sinh viên năm 3 khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.
Còn em Trần Thế Hải, thành viên thuộc nhóm sinh viên tình nguyện của trường chia sẻ: Qua chương trình “Đông ấm vùng cao” chúng em cảm thấy thật tự hào rằng mình đã đem lại cho các em dân tộc nguồn cổ vũ lớn cả về tinh thần lẫn vật chất, giúp các em xua đi sự lạnh lẽo nơi núi rừng, mang lại tiếng cười và động viên các thầy cô giáo.
“Khởi hành chuyến đi từ 5h sáng ngày 14, đến tận 3h30 chiều cả đoàn mới đến nơi. Được sự đồng ý của UBND xã Nàn Sín và 2 trường, em và các thầy cô đã cùng nhau nấu “bữa ăn có thịt” để cùng thưởng thức bữa cơm vùng cao với một số em học sinh tiểu học còn ở lại trường vào tối ngày 14 và trưa ngày 15.” – em Hương cho biết thêm.
“Bữa ăn có thịt” của các em học sinh 2 trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nàn Sín
Cô Vũ Thị Việt Lan, Phó Bí thư Chi đoàn Giáo viên của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Để chuẩn bị cho khoảng 200 xuất ăn của các em học sinh, những đồ ăn như: gạo, rau, thịt, cá,… đều được đoàn chuẩn bị từ Hà Nội. Ngoài hoạt động nấu ăn thì chúng tôi còn tổ chức dạy các em múa hát, phát quà cho học sinh, đốt lửa trại, chương trình văn nghệ, thăm hỏi tặng quà các gia đình nghèo trong xã… với hy vọng giúp đỡ một phần nào đó khó khăn của nhà trường, học sinh và nhân dân nơi đây. Kinh phí gần 70 triệu để thuê xe đi rồi tổ chức các hoạt động trong chương trình đều do các cá nhân đóng góp với mức phí 900.000 đồng/người (trong đó riêng chi phí chi trả cho thuê xe đã gần 25 triệu)”
Các em học sinh và những gia đình khó khăn trong xã vui mừng khôn xiết khi được nhận các món quà từ chương trình
Mong “Đông ấm vùng cao” được duy trì định kỳ
Sau chuyến đi 3 ngày, ấn tượng để lại trong lòng đa số các thành viên trong đoàn là tinh thần vượt khó của các em học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học, Trung học cơ sở xã Nàn Sín. Em Hương nói bằng giọng khâm phục: “Để đến được trường, nhiều học sinh phải đi bộ qua đường rừng gần 10km. Nhiều khi trời mưa, các em cũng vẫn cố gắng đội mưa để đến được trường cho kịp giờ học. Dù cuộc sống khó khăn, nghèo đói nhưng em thấy các em ấy đều rất ham học và có tinh thần phấn đấu vươn lên”.
Kết thúc chuyến đi, em Hoàng Trọng Đạt, Đội trưởng Đội sinh viên tình nguyện chia sẻ: “Đội đã thực hiện thành công kế hoạch dự kiến, giúp đỡ 1 phần nhỏ thầy cô cũng như học sinh tại 2 trường tiểu học và cấp 2 xã Nàn Sín. Tuy không có điều kiện đáp ứng những khó khăn nơi đây, nhưng đó chính là tất cả tình cảm, tấm lòng của thầy trò khoa CNTT Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường. Thêm nữa, 60 sinh viên đã có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu cũng như thấy được những khó khăn, vất vả của người dân, trẻ em vùng cao. Với tinh thần đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên, đội sinh viên tình nguyện khoa CNTT hy vọng sẽ có thể có nhiều cơ hội đến với những miền quê xa hơn nữa, để thực hiện quyết tâm giúp đỡ người nghèo khó.”
Thầy cô và sinh viên tình nguyện chơi đùa cùng các em học sinh
Chia sẻ về chuyến thăm và trao quà cho các gia đình ở xã Nàn Sín vào tối ngày 15, cô Lan nói: “Với mình, 1 thùng mì tôm, 1 hộp bánh và 1 chai dầu ăn chỉ là những món đồ có giá trị không hề lớn nhưng đối với những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong xã Nàn Sín thì đây lại là điều vô cùng ý nghĩa. Vì thế, tôi hy vọng, một năm trường có thể tổ chức 2 lần cho sinh viên và thầy cô trong trường tham gia các chương trình tình nguyện như chương trình “Đông ấm vùng cao” để vừa giúp các em sinh viên trải nghiệm thực tế vừa nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các em cũng như tinh thần trợ giúp, tương thân tương ái giữa người với người”.
Bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Trưởng phòng Tư liệu Môi trường của Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường, một thành viên tham gia chuyến đi này tâm sự: “Không riêng gì học sinh, thầy cô và người dân ở xã Nàn Sín, còn rất nhiều nơi khác ở Việt Nam cần có sự quan tâm, chia sẻ về vật chất và tinh thần của chúng ta”. Bà Thuỷ mong muốn nhiều người biết đến nơi đây, đặc biệt là những người có điều kiện kinh tế hãy mở rộng lòng nhân ái, cùng nhau chung sức để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã.
Bài và ảnh:Mai Đan