Hàng chục vạn du khách “trẩy hội” miễn phí tại Khu du lịch Đại Nam

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 09/11/2014

(TN&MT) - Ông chủ KDL Đại Nam nói: "Người ta không cho mình cơ hội làm để giúp đời, giúp người thì thôi quay về sống cho mình, sáng nghe kinh chiều đọc sách,...
                                                                    
(TN&MT) - Những ngày qua, trước thông tin Khu du lịch Đại Nam (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) miễn phí vé vào cổng và các trò chơi, trước khi đóng cửa từ ngày 10 -11 tới, hàng vạn lượt người từ khắp nơi trên mọi miền đất nước đã đổ xô về đây tham quan. Cảnh tượng này chưa từng có ở các Khu du lịch tại vùng đất phương Nam từ trước tới nay.
   
   
  Ngày 7/11, ngay từ sáng sớm, chúng tôi quan sát thấy đã có hàng ngàn người dân đến Khu du lịch (KDL) Đại Nam để tham quan, vui chơi. Đến chiều cùng ngày, hầu hết  các bãi giữ xe máy trong khu du lịch đã “cháy” chỗ nhưng dòng người vào cổng vẫn nườm nượp như trẩy hội. Do lượng khách ở KDL Đại Nam tăng đột biến nên các hàng quán bán trái cây, bánh mì, nước ướp lạnh dọc quốc lộ 13, đoạn từ ngã tư Sở Sao đến KDL Đại Nam bỗng trở nên đắt khách lạ thường.
   
  Chị Nguyễn Thị Trang, một người bán bánh mì tại ngã tư Sở Sao (xã Tân Định, huyện Bến Cát, Bình Dương) cho hay, từ khi KDL Đại Nam công bố miễn phí vé và trò chơi vào cổng, ngày nào chị cũng bán được cả trăm ổ bánh mì cho khách đến tham quan, trong khi đó bình thường mỗi ngày chị này chỉ bán được vài chục ổ.
   
   
  Trước cổng KDL Đại Nam, trong những ngày qua xuất hiện nhiều người bán trái cây, nón vải bán cho du khách cũng đắt như tôm tươi. Trong khi đó, bên trong KDL Đại Nam, do thời tiết nắng nóng nên các mặt hàng như nước giải khát và nón rơm bán rất chạy. Bạn Nguyễn Thị Hạnh, một sinh viên của Trường Đại học Bình Dương được KDL Đại Nam thuê đứng bán nón rơm trong KDL cho hay, chỉ tính riêng trong hai ngày 6 và 7-11, nhóm của Hạnh đã bán được hơn 500 chiếc nón rơm cho du khách. Hạnh cũng cho biết, tiền công của em được KDL trả cho việc bán nón là 200.000 đồng/ngày. “Em còn đi học, có việc làm và thu nhập như vậy em rất mừng vì cũng giảm bớt phần nào gánh nặng cho gia đình” - Hạnh chia sẻ.
   
   
  Hòa trong dòng người náo nhiệt đến KDL Đại Nam, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều sinh viên đến đây tham quan. Bạn Trần Thị Kim Tuyền, quê ở tỉnh Lâm Đồng, hiện đang là sinh viên Trường Đại học Nông lâm TPHCM cho hay: “Từ ngày vào TPHCM học, em đã nghe nói rất nhiều về KDL Đại Nam, song do kinh tế cũng eo hẹp nên em chưa có dịp đến. Những ngày gần đây, em lên mạng xã hội được các bạn cho hay KDL miễn phí vé vào cổng và chơi trò chơi nên đã rủ thêm các bạn cùng đi tham quan”. Cũng theo Tuyền, việc KDL Đại Nam miễn phí vé vào cổng và các trò chơi, mỗi SV trong nhóm của Tuyền có thể tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng trong chuyến tham quan này, một số tiền không nhỏ đối với các bạn sinh viên.
   
   
  Được biết, vào những ngày thường, giá vé vào cổng KDL Đại Nam là 100.000 đồng/người. Ngoài ra, các trò chơi cũng có giá từ 20.000 đồng - 50.000 đồng. Thậm chí, có những trò chơi giá vé từ 50.000 đồng – 100.000 đồng/người. Như vậy, để vào cổng và chơi hết các trò chơi, mỗi người phải tốn vài trăm ngàn đồng, đó là số tiền lớn đối với học sinh, sinh viên và công nhân lao động nghèo trong cả nước. Việc KDL Đại Nam cho “xả giàn” đã khiến nhiều người dân phấn khởi.
   
  Theo thông tin phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường online có được từ HĐQT Công ty CP Đại Nam (chủ đầu tư KDL Đại Nam), trước việc người dân trong nước hân hoan, nô nức tham quan KDL Đại Nam trong những ngày qua, Công ty CP Đại Nam đã quyết định kéo dài thêm thời gian phục vụ miễn phí du khách gần xa đến hết ngày 19/11/2014, tức là kéo dài thêm 10 ngày nữa so với thông báo trước đó.
   
   Theo số liệu từ Trung tâm Du lịch – Lữ hành Khu du lịch Đại Nam, kể từ ngày miễn phí thứ hai (5.11) trở đi, số lượng du khách đổ về Khu du lịch Đại Nam không ngừng tăng vọt, từ 30.000 người (ngày 5.11), lên 50.000 người (ngày 6.11), 70.000 người (ngày 7.11), rồi vượt ngưỡng 100.000 người vào hôm nay (8.11) và chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa trong ngày mai (9.11) và các ngày tiếp theo… 
   
   
   
  Ngày 8/11, trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường online qua điện thoại từ Australia, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam cho biết: “Quyết định đóng cửa Khu du lịch Đại Nam này của tôi như giọt nước tràn ly. Tôi tạo nên Khu du lịch Đại Nam vì muốn tạo một sân chơi cũng là nơi để giúp đỡ mọi người. Dù sẽ thiệt hại nhưng tôi vẫn quyết định đóng cửa vì tôi cảm thấy bị chính quyền địa phương dồn ép, tôi chịu đựng hết nổi rồi. Họ không cho mình cơ hội để cống hiến thì thôi, mình sống đơn giản cho mình. Là một doanh nhân, người con của đất Bình Dương, lúc nào tôi cũng mong muốn được đóng góp công sức cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương. Khi xây dựng khu du lịch Đại Nam, ý định của tôi là sẽ biến khu du lịch này thành địa điểm vui chơi cho người dân từ khắp mọi miền tổ quốc. Số tiền bán vé vào cửa, vợ chồng tôi sẽ sử dụng cho những hoạt động từ thiện cứu người, đặc biệt là cứu các em nhỏ Việt Nam bị bệnh tim bẩm sinh. Nếu Thủ tướng Chính phủ quyết định cho tôi được quyền sử dụng đất 50 năm đối với khu 61 ha đất ở trong KCN Sóng Thần 3, thì tôi sẽ giúp được hàng ngàn trẻ em bị tim bẩm sinh từ số tiền thu được trong 50 năm đó; còn nếu tôi được quyền sử dụng đất lâu dài thì tất nhiên, sẽ có nhiều em nhỏ hơn nữa sẽ được vợ chồng tôi giúp mổ tim miễn phí. Cả cuộc đời tôi đã đúc kết được rằng: "Kinh tế quyết định mức sống con người nhưng đạo đức sẽ quyết định sự thịnh suy của kinh tế".
   
  Trả lời về vấn đề giải quyết gần 2.000 cán bộ, nhân viên hiện đang làm việc trong Khu du lịch Đại Nam khi quyết định đóng cửa, ông Huỳnh Uy Dũng cho biết: “Tôi cho nhân viên nghỉ từ nay đến 31/12/2014, lương sẽ trả đầy đủ 100%. Nếu không còn mở cửa Khu du lịch Đại Nam được nữa thì tôi thanh lý tài sản. Những người đã làm cho tôi đều là người nhà, là anh em chí cốt. Mình không phụ bạc nhân viên được. Tôi may mắn không nợ, chứ nợ mà đóng cửa thì tôi “chết” liền”. 
   
        
Tôi đã nói từ lâu rồi “lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phúc đức làm của, của theo ta vạn đời”. Cuộc sống con người đâu phải chỉ đi làm kiếm tiền không đâu. Người ta làm khó dễ, không cho mình cơ hội làm nữa để giúp đời, giúp người thì thôi mình quay về sống cho mình, sống đơn giản, đạm bạc, tìm con đường thánh thiện, sáng nghe kinh chiều đọc sách, chơi với con là đủ rồi.
        
        
Tôi vẫn đang viết sách và sắp tới sẽ xuất bản cuốn “Kiếp luân hồi”. Giờ chủ yếu viết kinh sách là chính, ai tạo phúc thì hưởng phúc, ai tạo nghiệp thì hưởng nghiệp.
        
(Ông Huỳnh Uy Dũng trả lời qua điện thoại từ Australia)
        
    
   
   
                                                             Bài & ảnh: Thục Vy – Việt Đức - Thống Nhất