Cử tri tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ TN&MT tăng cường thanh tra, kiểm tra về đất đai, môi trường

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 21/10/2014

(TN&MT) - Kỳ họp thứ 8 đã có hơn 3.700 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
   
(TN&MT) – Gửi tới Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII nhiều cử tri mong muốn các cơ quan chức năng tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường.
   
  Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIII ngày 20/10, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
   
Hơn 3700 ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội
   
  Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, để chuẩn bị kỳ họp, đoàn cơ quan này đã tổng hợp được hơn 3.700 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, 2.530 ý kiến được phản ánh qua Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố và khoảng 1.200 ý kiến khác được thu nhận qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
   
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri trước Quốc hội
   
  Với các ý kiến này, cử tri và nhân dân tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Đông và mong muốn các cơ quan chức năng của nhà nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng, kịp thời hơn nữa để người dân hiểu đầy đủ về tình hình, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
   
  Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân mong muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi hơn với ngư dân, đồng thời tăng cường các biện pháp đấu tranh kiên quyết, ngăn chặn không để các tàu của nước ngoài đe dọa, thu giữ trái phép ngư cụ, đập phá thiết bị hành nghề của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trong ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây hoang mang cho ngư dân thời gian qua.
   
Nhiều ý kiến cử tri quan tâm đến vấn đề đất đai, môi trường
   
  Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan khẩn trương ban hành các quy định cụ thể hóa Luật Đất đai (sửa đổi) để Luật sớm đi vào cuộc sống; công tác quản lý nhà nước về môi trường có một số chuyển biến tích cực như chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các văn bản hướng dẫn để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
   
  Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh hiện nay, có nhiều doanh nghiệp được giao đất nhưng bỏ hoang nhiều năm không sử dụng, trong khi nhiều doanh nghiệp cần mặt bằng sản xuất thì lại phải chờ được cấp phép hoặc phải thuê lại làm mất cơ hội kinh doanh. Ở một số địa phương, bên cạnh diện tích đất đã thu hồi vẫn để trống lại tiến hành thu hồi đất để cấp cho các dự án mới gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc xử lý các dự án “treo”, sử dụng đất có hiệu quả.
   
  Việc ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, nhà máy và do nước thải chưa qua xử lý vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Tại các vùng nông thôn vấn đề nước thải và rác thải đang ngày càng phức tạp do nhiều cơ sở sản xuất, chế biến được đưa về nông thôn cùng với lượng lớn rác thải trong sinh hoạt của nhân dân chưa được xử lý. Trong khi đó ở nhiều tỉnh, huyện quy hoạch xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp không có hoặc triển khai chậm. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về môi trường còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp và chưa được quan tâm đúng mức. Cử tri và nhân dân tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và chính quyền địa phương rà soát các chính sách liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cấm hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
   
Cử tri lo lắng về nền kinh tế
   
  Nhiều băn khoăn, lo lắng về nền kinh tế phát triển chưa bền vững, sức mua tăng chậm, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp, tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế còn chậm... cũng được cử tri nêu ra.
   
  Thời gian qua, các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tiếp cận nguồn vốn khó, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của hàng vạn người lao động và giảm nguồn thu cho ngân sách. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp phù hợp hơn nữa để giải quyết tình trạng này. Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động còn nhiều (nợ lương, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động…).
   
  Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh chính sách và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết tình trạng nợ này của các doanh nghiệp.
   
  Cử tri nhiều nơi nhận xét công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả đáng khích lệ, như điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng lớn. Nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp.
   
  Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và lãng phí; đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước quản lý.
   
  Cùng với những kiến nghị nêu trên, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền và chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết, có báo cáo rõ hơn về kết quả việc giải quyết những kiến nghị của cử tri và nhân dân đã được nêu tại các kỳ họp trước của Quốc hội. Đó là các vấn đề: sạt lở bờ sông, bờ biển ở nhiều địa phương; giải quyết tình trạng ngập nước ở các thành phố lớn, trong đó có TP HCM, Cần Thơ khi có triều cường, thành phố Hà Nội khi có mưa lớn; kiểm soát chặt hơn nữa tình trạng khai thác và xuất khẩu thô khoáng sản ở một số địa phương; tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều nơi…
   
Minh Trang