Giữ “Mắt biển” Cô Tô

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 23/09/2014

(TN&MT) - Ngạo nghễ, kiên trung trên mặt biển Đông, bất chấp mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sừng sững vượt qua sự mài mòn của sóng và gió…
   
(TN&MT) -  Ngạo nghễ, kiên trung trên mặt biển Đông, bất chấp mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sừng sững vượt qua sự mài mòn của sóng và gió… ngọn hải đăng Cô Tô luôn sáng đèn giữa trùng khơi, mang đến ánh sáng dẫn đường  cho hàng triệu con tàu ngày đêm bám biển. Đằng sau thứ ánh sáng hi vọng đó là sự cống hiến lặng thầm của những con người canh gác đèn biển nơi đầu sóng.
   
Hiên ngang mt bin
   
  Chúng tôi đến với Cô Tô vào một ngày tháng 6, ngọn hải đăng Cô Tô nhìn từ xa như một nét chấm phá vút lên rồi hòa vào màu xanh biếc của mặt biển. Nhưng để tới được chân ngọn Hải đăng, chiếc xe của chúng tôi phải ì ạch vượt qua hơn 5km đường độc đạo, dốc khúc khuỷu.
   
  Đến nơi, đứng dưới chân ngọn đèn biển mà chúng tôi ngỡ như “lạc” vào một “điểm du lịch” hấp dẫn bởi một tòa nhà với dáng dấp lối kiến trúc Pháp đứng sừng sững hiên ngang. Để lên được “tâm đèn” phải đi qua 72 bậc cầu thang được xây theo kiểu xoáy chôn ốc và chỉ khi có vị khách đặc biệt tới thăm thì nhà đèn mới mở cửa gian trên cùng bởi nơi đó được ví như “hòn ngọc dạ minh châu” không được phép tì vết, không được lưu dấu vân tay để đèn biển phát huy một cách tối đa công suất chiếu sáng.
   
Không chỉ thắp sáng đèn biển, cán bộ nhà đèn còn dõi theo các tàu bè để đảm bảo an ninh hàng hải Đèn biển Cô Tô
    
   
  Theo Trạm trưởng Trạm hải đăng Cô Tô Nguyễn Công Giang: Từ năm 1959, nhận thấy sự cần thiết phải có một ngọn hải đăng giúp ngư dân vùng biển Vân Đồn - Móng Cái đánh bắt xa bờ thay vì quanh quẩn trong Vịnh Bái Tử Long, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã nghiên cứu và lựa chọn xây dựng ngọn hải đăng ở cao điểm đảo Cô Tô. Đây là chiếc đèn biển thứ 16 do Công ty Bảo đảm hàng hải xây dựng ngay sau ngày hòa bình được lặp lại, nằm trong hệ thống đèn biển chạy dọc theo bờ biển từ Vĩnh Linh tới Móng Cái.
   
  Theo thiết kế ban đầu, đèn biển Cô Tô được xây dựng trên một quả đồi cao 108 mét so với mực nước biển. Trong thời tiết xấu từ cách xa có 10 đến 12 hải lý (18 đến 22 cây số) có thể nhìn thấy ánh đèn. Để xây dựng lên ngọn đèn mang tín hiệu từ đất liền tới các tàu thuyền lênh đênh trên biển là cả một quá trình lao động không quản vất vả ngày đêm của cán bộ và công nhân xây dựng. Suốt quá trình xây dựng đèn các công nhân xây dựng đã vận chuyển gần 500 tấn vật liệu từ Hải Phòng tới đảo xa gần 200 cây số đường biển. Hằng ngày anh em phải đưa hàng chục tấn thiết bị, nguyên liệu, vật liệu và nước ngọt lên đỉnh núi để phục vụ xây dựng đèn đó là một công việc vô cùng khó khăn vất vả. Nhưng bằng sự cố gắng và sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng bào các dân tộc Cô Tô trạm đèn biển Cô Tô đã được xây dựng xong trước thời hạn 7 ngày, hạ giá thành công trình 3,67%, tiết kiệm cho Nhà nước trên 1.300 đồng lúc bấy giờ. Ngày 26/11/1964 đèn biển Cô Tô chính thức đi vào hoạt động.
   
  Năm 1992, trạm tiếp tục nâng cấp mở rộng diện tích lên 500m2 với phần tháp đèn rộng 3,4m, chiều cao từ cột móng lên đỉnh tháp là 16m, chiều cao tâm sáng 118m so với mặt nước biển với tầm hiệu lực đạt 22 hải lý nâng tầm chiếu sáng so với thiết kế ban đầu. Mùa đông, đèn chiếu sáng từ 17h30 - 6h sáng hôm sau, mùa hè từ 18h30 - 5h sáng hôm sau.
   
  Cô Tô giờ đã có điện hòa với lưới điện quốc gia nhưng những trang thiết bị điện như máy phát điện, điện năng lượng gió và năng lượng mặt trời luôn luôn được bảo quản kỹ lưỡng và luôn sẵn sàng trực chiến. Bởi đây cũng là nguồn năng lượng giúp cho hải đăng không bao giờ ngừng chiếu sáng  để đảm bảo chỉ đường cho tàu thuyền của ngư dân cập cảng an toàn.
   
Gian khó vn vng tâm
   
  Nếu như ngọn hải đăng Cô Tô được coi là “mắt biển” trên vùng biển Đông Bắc Tổ quốc thì những người đang ngày đêm canh gác và thắp sáng ngọn hải đăng này được coi là linh hồn của nhà đèn. Họ được ví như “những người chỉ đường trung thành” khi luôn vận hành và đảm bảo không bao giờ cho “mắt biển” thôi phát sáng để đảm bảo an toàn hàng hải.
   
   
  Trong số 9 con người của nhà đèn Cô Tô thì mỗi người đến với duyên nghiệp gắn bó với ngọn hải đăng theo những khác nhau. Nhưng tình yêu với biển, với nghề trong mỗi người thì không bao giờ tắt như ngọn hải đăng luôn rực sáng ngay cả trong những ngày mưa bão.
   
  Nghề gác đèn biển thoáng nghe có vẻ lãng mạn, thế nhưng có được tận mắt chứng kiến công việc và những hi sinh thầm lặng của những con người nơi đây mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà họ phải trải qua. Hằng ngày các anh phải trèo lên trèo xuống vài chục lần để kiểm tra kỹ thuật bất kể thời gian, thời tiết thế nào, họ phải thường xuyên bảo trì cả một hệ thống điện mặt trời, bình ắc quy và máy phát điện, luôn tư thế sẵn sàng cho những ngày mưa bão. Bắt đầu từ sáng sớm, tùy theo ca trực mà anh em sẽ kiểm tra toàn bộ hệ thống phản quang, lau chùi bóng đèn và các thiết bị chiếu sáng, kiểm tra máy nổ phát điện, theo dõi thông số kỹ thuật để kịp thời phát hiện và điều chỉnh. Mỗi ngày vào lúc 8h và 15h, trưởng trạm phải báo cáo về cơ quan tình hình khu vực, phân công anh em chia ca trực từ 18h ngày hôm trước đến 6h hôm sau.
   
  Mùa mưa bão cũng là khoảng thời gian vất vả, gian khổ nhất của người làm nghề gác đèn. Trạm đèn Cô Tô mỗi năm phải hứng chịu hàng trăm trận “viếng thăm” của “thần sét”. Sét đã trở thành “khách quen” của người nhà đèn. Hậu quả của những trận sét đánh là cháy toàn bộ hệ thống đèn chính và các thiết bị điện, điện tử phục vụ cho đèn hoạt động. Nếu như dưới mặt đất gió đang cấp 4, cấp 5 thì lên trên đỉnh hải đăng cao 16m, gió đã mạnh lên thành cấp 7, cấp 8, những ngày bão, gió lại càng hung dữ hơn gấp bội. Tuy nhiên, đèn không sáng tàu thuyền sẽ không biết đường cập bến, biết bao người sẽ phải thiệt mạng trong đêm bão, vì vậy các cán bộ nhà đèn phải thay nhau túc trực, kịp thời xử lý vận hành hệ thống đèn phụ ngay tức khắc.
   
  Không chỉ có quanh năm gắn bó với biển với gió bão mà với các cán bộ nhà đèn một chuyến công tác xa nhà từ 3 - 9 tháng là chuyện thường... như cơm bữa. Ở trạm hải đăng Cô Tô trừ anh Giang trạm trưởng là có gia đình trên đảo còn tất cả gia đình trong đất liền nên đa số anh em đều sống thiếu thốn về tình cảm do xa gia đình và khoảng cách về địa lý.
   
  Trò chuyện với chúng tôi anh Phạm Văn Huy quê Quỳnh Phụ - Thái Bình là người đã có 17 năm gắn với nghề hàng hải và 5 năm với ngọn hải đăng Cô Tô cho biết: Do ở xa trung tâm huyện nên vài ngày mới vào nhà dân đi chợ một lần, các anh cũng trồng rau, nuôi gà để cải thiện sinh hoạt. So với anh em biên phòng chúng tôi còn may mắn chán bởi còn có khách du lịch đến thăm. Qua những câu chuyện họ kể cũng phần nào vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền. Thời gian đầu mới ra đảo, giao thông cách trở, thông tin liên lạc khó khăn, dễ có vài năm các anh mới trở vào đất liền thăm gia đình. Còn bây giờ cứ 3 tháng một lần anh Huy mới về thăm gia đình, đi từ sáng sớm đến tối mịt mới có mặt ở nhà.
   
  Do ở trên núi cao, cách xa khu dân cư nên thức ăn cũng chỉ toàn đồ khô... Khổ nhất là chuyện nước sinh hoạt, đảo vốn đã khan hiếm nước, các anh lại ở trên đồi cao còn khan hiếm hơn do việc vận chuyển rất tốn kém. Mùa mưa lượng nước cũng đủ dùng, còn mùa khô, các anh ở đây phải mua nước từ đất liền chuyển ra, trong đó chi phí vận chuyển đã đội giá lên cả trăm lần. Ý thức được điều đó, tranh thủ có cơn mưa là các anh phải tận dụng mọi thứ để có thể chứa nước, từ cái cốc con, mái nhà, lan can của đèn biển đến cả những vũng nước mưa dưới nền đất. Thế mới có chuyện khi khám phá 72 bậc thang của ngọn tháp này, bạn phải đi chân trần để không làm bẩn nước mưa là bởi đó là lan can của nhà đèn được các anh tận dụng hứng nước dự phòng. Một phương pháp hứng nước mưa chỉ có tại đây.
   
  Ngoài công việc vận hành đèn biển, những cán bộ nơi này còn kiêm nhiệm công việc cứu hộ, cứu nạn và giám sát các hoạt động của tàu bè trên biển góp phần đảm bảo an ninh hàng hải…. với những cán bộ, chiến sỹ nơi đây, gian khó mấy, họ vẫn vững tâm bám trụ nơi “mắt biển” bởi với họ, gác đèn biển không chỉ là một nghề, mà còn gắn với tình cảm thiêng liêng với Tổ quốc, với biển trời quê hương…
   
Nguyễn Cường – Doãn Xuân