Quảng Nam: 5 doanh nghiệp tham gia trữ hang hóa trong mùa mưa bão

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 17/09/2014

(TN&MT) - Tỉnh Quảng Nam hiện có 5 doanh nghiệp thương mại, dịch vụ và 18 huyện, thành phố thực hiện kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo nhu yếu...
   
(TN&MT) - Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 5 doanh nghiệp thương mại, dịch vụ và 18 huyện, thành phố thực hiện kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu để cung cấp kịp thời cho nhân dân trên địa bàn khi có thiên tai, bão lũ xẩy ra theo phương châm "4 tại chỗ".
   
  Theo đó, số hàng hóa, lương thực được dự trữ gồm: hơn 178.000 thùng mì ăn liền; lương khô gần 15.000 thùng; gạo 7.000 tấn; nước uống đóng chai 139.700 thùng; 1.300.000 lít xăng, 91.000 tấm tôn lợp và 52.000 tấn các mặt hàng lương thực thực phẩm khác… Tổng trị giá hàng chục tỷ đồng.
   
Hàng cứu trợ đến với bà con vùng lũ 
   
  Ngoài lương thực, thực phẩm do các doanh nghiệp dự trữ, các địa phương miền núi, khu vực dễ bị cô lập và chia cắt giao thông cũng đã chủ động dự trữ lương thực trong vòng từ 10 đến 15 ngày.
   
  Ông Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, kiên quyết không để người dân đói khi có sự chia cắt giao thông do thiên tai, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng kêu gọi, vận động doanh nghiệp dự trữ lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm đảm bảo không có tình trạng thiếu hàng trên địa bàn tỉnh, đáp ứng đủ trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, cần lưu ý, việc dự trữ phải đảm bảo cung cấp cho dân sử dụng trong vòng 10 - 15 ngày, nhất là đối với đảo Cù Lao Chàm và những vùng núi cao, biên giới thường bị cô lập dài ngày.
   
  Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Y tế dự trữ thuốc men, dụng cụ sơ cấp cứu tại những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu củng cố lại Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, nhất là tuyến cơ sở; Xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp với các Nhà máy thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2  để giảm lũ cho hạ du và an toàn công trình; chỉ đạo công tác vận hành điều tiết lũ của hồ chứa nước Phú Ninh.
   
  Đồng thời, các huyện miền núi, các địa phương, đơn vị có kế hoạch dự trữ tập trung ở các khu vực dự kiến sơ tán dân đến trú tránh bão, lụt và những vùng dễ bị chia cắt, cô lập khi xảy ra mưa lũ. Vận động mỗi hộ gia đình phải tự chủ động dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm đảm bảo sử dụng trong thời gian tối thiểu 7 ngày.
   
Tin và ảnh: Lan Anh