Sau 15 năm, Luật Báo chí đã không còn phù hợp thực tiễn
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 28/07/2014
GS-VS Đào Trọng Thi nhấn mạnh, sau 15 năm thi hành Luật Báo chí đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn...
Sáng 28.7, tại TPHCM, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban VHGDTNTN&NĐ) khai mạc Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí.
Phát biểu khai mạc hội nghi, GS-VS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ - nhấn mạnh, sau 15 năm thi hành Luật Báo chí đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là trong điều kiện phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin như hiện nay.
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ - cho rằng, bất cập cần được quan tâm trước tiên là các quy phạm pháp luật về báo chí được quy định trong quá nhiều văn bản. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có tới 50 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này, chưa kể các văn bản chỉ đạo của các cơ quan trung ương, của các tỉnh, thành phố.
“Hiện nay, chúng ta vẫn giữ mãi tình trạng phân biệt nhà báo Việt Nam, nhà báo nước ngoài bằng những văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Họ có những quyền mà một nhà báo Việt Nam mơ cũng không có được như quyền quy định ở khoản 2, Điều 13: “Đối với các yêu cầu tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Việt Nam, văn phòng thường trú gửi 1 bộ hồ sơ để đề nghị trực tiếp, qua bưu điện, hoặc fax đến các bộ, ban, ngành liên quan, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao. Trong thời hạn 5 ngày làm việc - kể từ khi nhận được hồ sơ - đề nghị các bộ, ban, ngành có trách nhiệm trả lời văn phòng thường trú bằng văn bản” – ông Thuyết nói.
Bên cạnh đó, ông Thuyết cũng nêu lên các bất cập của một số VB QPPL về báo chí chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí như quyền tiếp cận thông tin của báo chí, quy chế phát ngôn gây khó khăn cho việc thông tin, thực hiện vai trò “diễn đàn của nhân dân” theo Điều 1 Luật Báo chí, vấn đề cải chính, xin lỗi trên báo chí…
Tại hội nghị, nhiều đại biểu trình bày các tham luận liên quan đến tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong hoạt động báo chí để Ủy ban VHGDTNTN&NĐ hoàn chỉnh báo cáo kết quả giám sát và chuẩn bị thẩm tra Dự án Luật Báo chí (sửa đổi).
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 31.12.2013, về báo in, cả nước có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm; về báo điện tử có 90 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; về phát thanh - truyền hình, cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình. Cả nước có 18.000 nhà báo được cấp thẻ, 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo.
Theo Lao Động