Xử phạt nặng cơ sở sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm rởm: Triệt mũ rởm từ gốc

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 07/07/2014

Từ ngày 1/7, các lực lượng chức năng đồng loạt ra quân xử lý vi phạm về việc sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) không phù hợp quy chuẩn theo kế hoạch 69 của UBATGTQG.
Từ ngày 1/7, các lực lượng chức năng đồng loạt ra quân xử lý vi phạm về việc sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) không phù hợp quy chuẩn theo kế hoạch 69 của UBATGTQG. Tuy có nhiều tín hiệu khả quan nhưng chính lực lượng CSGT cũng thừa nhận, rất khó phân biệt được mũ đảm bảo chất lượng hay không.
   
CSGT Hà Nội kiểm tra nhắc nhở người dân đội mũ không phải là MBH.
   
Chưa xử phạt
   
  Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TP.Hà Nội, quy định xử phạt người đội MBH không đạt chất lượng là đúng đắn nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định xử phạt này, lực lượng CSGT sẽ gặp khó khăn, bởi đến nay vẫn chỉ căn cứ vào văn bản hướng dẫn để nhận biết bằng mắt thường về MBH, nên không thể dễ dàng khẳng định chiếc mũ đó có đảm bảo chất lượng hay không, trong khi chưa có trang thiết bị, kỹ thuật máy móc để xác định MBH giả hay thật.
   
  Cùng đó, Thiếu tá Nguyễn Hồng Hải, Đội phó đội CSGT số 2, phòng CSGT đường bộ, đuờng sắt CA TP.Hà Nội cũng cho biết: “Đối với những mũ không phải là MBH thì trước hết lực lượng CSGT sẽ tuyên truyền để nguời tham gia giao thông nhận biết được đâu là MBH dành cho người đi xe gắn máy và đâu là mũ không phải MBH. Còn đối với những trường hợp cố tình vi phạm thì sẽ xử lý theo đúng luật. 
   
  Đối với trường hợp người tham gia giao thông đội mũ không đủ ba lớp theo quy định, không có tem kiểm định CR, hoặc là mũ công trường thì cũng bị xử lý như không đội MBH”. Những vướng mắc khó khăn trong việc xử lý phần lớn là do người tham gia giao thông không nhận biết được đâu là MBH đạt chuẩn dành cho nguời đi xe gắn máy.
   
  Đại diện Cty MBH Chí Thành - ông Ba Lập - cho rằng, tuy MBH là một sản phẩm nhỏ, nhưng nó đã thể hiện cả một “phong cách quản lý” của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát lưu thông hàng hoá trên thị trường. Nếu cứ tiếp tục quản lý như vậy, chúng ta sẽ có một môi trường kinh doanh thực sự rất xấu, hàng giả hàng nhái ngày càng phát triển còn những nhà sản xuất chân chính thì ngày càng mất dần đi, sự công bằng trong cạnh tranh là một điều rất xa xỉ đối với thị trường.
   
Phải xử lý tận gốc
   
  Theo Thông tư liên tịch số 06/2013 của liên bộ KHCN, GTVT, Công an và Công Thương thì MBH phải có cấu tạo đủ ba bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Mũ có kiểu dáng nhái, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật trên thì sẽ không được coi là MBH. 
   
  Người sử dụng môtô, xe máy, xe điện máy khi đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ bị xử phạt như đối với hành vi không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách với mức phạt cho hành vi trên là 100.000-200.000 đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện thì hầu như không ai chịu trách nhiệm xử lý. Nhiều ý kiến cho rằng có lẽ trách nhiệm đặt lên vai doanh nghiệp và người dân - những đối tượng không thể đổ lỗi được cho ai. 
   
  Do vậy, trách nhiệm đầu tiên là phải của lực lượng QLTT, phải quyết tâm chặn ngay tận gốc, xử phạt thật nặng đối với các đối tượng SXKD mũ giả, mũ không đảm bảo chất lượng thì mới hy vọng dẹp được MBH kém chất lượng.
   
  Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng cho rằng: “Giải pháp quan trọng nhất trong vấn đề này là phải xử phạt triệt để thật nặng các cơ sở SXKD MBH rởm, MBH không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, không để các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm "lách luật" để sản xuất. Muốn thực hiện được điều này, các lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế cũng phải vào cuộc”.
   
Theo Lao động