Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn: Không được hạn chế quyền hoạt động của nhà báo!

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 21/06/2014

(TN&MT) - Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, phóng viên báo TN&MT có cuộc trao đổi với nhà báo Đỗ Quý Doãn – nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền...
(TN&MT) - Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động đúng pháp luật. Trong đó có việc sửa đổi bổ sung một số điều Luật Báo chí năm 1999, Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí năm 2013...
   
  Tuy nhiên, trong  thực tế quyền được cung cấp thông tin chính thống cũng như quyền được hoạt động bình thường của nhà báo vẫn bị cản trở.
   
  Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với nhà báo Đỗ Quý Doãn (ảnh) – nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về quyền tác nghiệp chính đáng của nhà báo.
   
Nhà báo Đỗ Quý Doãn – nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
   
PV:Quyền tác nghiệp của nhà báo được quy định rất cụ thể tại các văn bản pháp luật. Thế nhưng trong thực tế, hoạt động của nhà báo lại bị một số cơ quan Nhà nước gây khó dễ. Ông bình luận gì về vấn đề này?
   
Ông Đỗ Quý Doãn: Trước hết phải khẳng định hoạt động báo chí, quyền và nghĩa vụ của nhà báo, của cơ quan báo chí đã được Luật Báo chí và các văn bản dưới luật ở nước ta quy định khá cụ thể. Kể từ khi có Luật Báo chí năm 1989 đến nay, với hơn 40 văn bản pháp luật được xây dựng và ban hành đều có chung một mục đích quan trọng là tạo điều kiện để cho nhà báo, cơ quan báo chí hoạt động theo đúng pháp luật, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho  hoạt động của báo chí. Chính phủ và các cơ quan chức năng, cũng thường xuyên chú trọng xem xét vấn đề gì trong hoạt động báo chí cần thiết phải có những quy định bổ sung. Chính vì vậy năm 2007 Chính phủ ban hành Quyết định 77 về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Đến năm 2013, Chính phủ lại ban hành Quyết định 25 thay thế cho Quyết định 77. Với Quyết định này, quan trọng ở chỗ đã tạo điều kiện để cho các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong vấn đề phát ngôn và cung cấp thông tin. Nhưng mặt khác là để tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí được tiếp cận kịp thời với những thông tin chính thống.
   
  Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nơi cản trở tác nghiệp  của nhà báo đúng pháp luật vi phạm nghiêm trọng pháp luật về báo chí và cả quy định pháp luật khác. Ví dụ thu giữ trái phép tài liệu, phương tiện hoạt động nghiệp vụ của nhà báo. Có hành vi xúc phạm đến nhân phẩm, đe dọa tính mạng của nhà báo, thậm chí hành hung nhà báo... Tất cả những hành vi trên đều xuất phát từ nhận thức về pháp luật còn hạn chế.
   
  Tại sao lại như vậy? theo tôi có 3 lý do chính đó là: Tuy văn bản pháp luật tương đối đầy đủ nhưng công tác tuyên truyền phổ biến còn chưa được làm tốt, chưa thật sự sâu rộng. Ngay cả những người làm trong lĩnh vực báo chí, lãnh đạo các báo, đài cũng chưa thật sự chú trọng đến điều này để có những bài viết sâu sắc, tuyên truyền thường xuyên, liên tục chứ không chỉ trong thời điểm ban hành văn bản mới có các bài giới thiệu, tuyên truyền. Trong xã hội, nhận thức chưa đầy đủ về quyền  và nghĩa  vụ của báo chí, đồng thời quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đối với báo chí.
   
PV:Nhưng trên thực tế, có một số quy định  dường như có “tác dụng ngược” khi thi hành, ví dụ quy chế người phát ngôn chẳng hạn?
   
Ông Đỗ Quý Doãn: Cá nhân tôi đánh giá rằng, đây vẫn là sự hạn chế trong hiểu biết pháp luật báo chí của không ít cơ quan hành chính Nhà nước. Việc quy định trong quy chế người phát ngôn là để tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tiếp cận được với thông tin chính thống chứ không phải hạn chế sự thông tin trong cơ quan quản lý. Bởi lẽ, Luật Báo chí đã quy định rất rõ ràng việc cung cấp thông tin cho báo chí vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của tổ chức nhưng đồng thời cũng là quyền của mọi cá nhân. Thế nên, tất cả mọi người, mọi tổ chức đều có quyền cung cấp thông tin cho báo chí. Còn việc hiểu sai, hoặc cố tình hiểu sai để hạn chế quyền tác nghiệp bình thường của nhà báo là vi phạm pháp luật.
   
PV:Khi tác nghiệp, phóng viên, nhà báo còn bị không ít rào cản từ các loại “giấy phép con” của các ngành. Ông có bình luận gì về những “giấy phép con” này?
   
Ông Đỗ Quý Doãn: Đúng là thực tế tình trạng nhiều đơn vị đề ra những quy định, quy chế không phù hợp thậm chí trái với Luật Báo chí là điều rất đáng tiếc. Có thể nói, nhìn về mặt tích cực của vấn đề, rõ ràng hoạt động báo chí và thông tin trên báo chí có một sự lan tỏa và tác động rất mạnh mẽ trong xã hội. Tuy nhiên, một số cơ quan đơn vị đã chỉ quan tâm, lo lắng đền quyền lợi của mình mà không thấy trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với hoạt động báo chí.
   
  Mặt khác, khi xây dựng những thông tư, văn bản pháp luât liên quan đến báo chí, họ đã không có sự phối hợp, hợp tác, liên ngành, liên cơ quan để góp ý vào những  văn bản loại này cho phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành cũng như không đi ngược lại quyền và lợi ích các bên đã được quy định ở văn bản pháp luật cao nhất. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng khi ra đời hoặc khi công bố các bản Dự thảo đã bị báo chí và xã hội phản ứng gay gắt.
   
  Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, nếu đặt quyền lợi, lợi ích của ngành, của lĩnh vực quản lý đơn vị mình cao hơn Luật đã quy định là việc làm không được phép.
   
PV:Theo ông, cần phải “cải tiến” thông tin trên các Cổng thông tin điện tử như thế nào để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và xứng đáng là Cổng thông tin chính thống của các Bộ, ngành?
   
Ông Đỗ Quý Doãn: Trong Quyết định 77 trước đây, và sau này tại Quyết định 25 thay thế cũng quy định Cổng thông tin là một hình thức để thông tin cho báo chí. Đúng là trong thực tế có nhiều Cổng thông tin  mới chỉ nặng về đưa tin ở mức độ thông báo, một chiều. Thậm chí có thông tin báo chí đưa rồi và sau đó những trang thông tin điện tử của ngành đó lấy lại trên báo chí để đưa trên trang tin điện tử của mình. Như vậy, không thể đáp ứng được yêu cầu một trong những chức năng của bộ ngành thông qua Cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin.
   
   Điều này cho thấy, ngoài điều kiện cơ sở vật chất, đơn vị chủ quản phải phải chú trọng điều kiện về trình độ, nghiệp vụ của nhữn người quản lý cổng. Tôi chỉ lấy ví dụ, có những vụ việc trong báo cáo có đến hàng chục trang không thể đưa toàn bộ báo cáo này lên Cổng thông tin được. Người thực hiện chuyển tải thông tin phải biết tóm lược, ít nhất đạt được nội dung như thông cáo báo chí rồi mới đăng trên cổng thông tin. Như thế để những nhà báo chưa được tiếp xúc với ngành, chưa được đọc văn bản gốc cũng nắm bắt được và đăng tải không bị sai lệch với nội dung chính của báo cáo đó.
   
Phóng viên truyền hình tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Hoàng Minh
   
PV:Điều tra về hoạt động báo chí gần đây cho thấy, có đến 70 - 75% số công văn hoặc phiếu chuyển đơn thư khiếu nại của báo chí gửi cho các cơ quan Nhà nước một đi không trở lại. Số được phản hồi cũng mang tính chung chung, tránh né. Ông có cho rằng, đó cũng là một hành vi “cản trở hoạt động tác nghiệp của nhà báo” và phải  có hình thức xử lý?
   
Ông Đỗ Quý Doãn: Vấn đề này không chỉ được quy định trong Quyết định 77 hay Quyết định 25, mà trong Luật Báo chí đã khẳng định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là vấn đề trả lời cho báo chí trong thời gian cụ thể sau khi nhận được ý kiến của cơ quan báo chí. Theo tôi, con số 25% văn bản trả lời phản hồi lại cho các cơ quan báo chí bao gồm cả những văn bản phản hồi đôi khi chỉ một câu thôi “chúng tôi đã nhận được ý kiến của báo, vấn đề này chúng tôi đang xem xét ...”.
   
  25% là cộng cả những văn bản “trả lời” như vậy thì xem thử trong một xã hội thông tin, nhu cầu thông tin và các phương tiện thông tin phát triển như hiện nay mà việc thực hiện luật báo chí như thế thì rõ ràng đây là một việc rất đáng quan tâm. Chính vì vậy mà hành vi này có quy định xử lý cụ thể trong Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản vừa mới ban hành. Tuy nhiên, bản thân cơ quan báo chí cũng phải có động tác là có khiếu nại, kiến nghị bằng văn bản gửi cơ quan quản lý Nhà nước nếu như cơ quan đó không trả lời theo luật Báo chí. Để cơ quan quản lý Nhà nước có căn cứ xử lý.
   
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
   
Kim Liên –  Quảng Minh (thực hiện)