“Vọng phu” nơi đầu sóng

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 20/06/2014

(TN&MT) - Còn nhớ cơn bão số 5 năm 1996, hàng chục tàu cá bị đánh chìm hoặc hư hỏng nặng, hàng trăm ngư phủ của Thanh Hóa đã vĩnh viễn ra đi.
(TN&MT)  - Còn nhớ cơn bão số 5 năm 1996, hàng chục tàu cá bị đánh chìm hoặc hư hỏng nặng, hàng trăm ngư phủ của Thanh Hóa đã vĩnh viễn ra đi nơi khơi xa. Chỉ tính riêng ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc đã có tới gần 200 ngư dân nằm lại trong lòng biển xanh. Nơi ấy, giờ đây những phụ nữ đã gượng dậy từ nỗi đau mất chồng, mất con. Những đôi mắt chứa u buồn vẫn luôn hướng về phía biển xanh.
   
Hình ảnh “Tô Thị” chờ chồng ở làng biển xứ Thanh
   
Nỗi đau làng biển
   
  Tờ mờ sáng. Mặt trời lấp ló sau bụng biển. Ánh bình minh soi rọi, biển cả lấp lánh như hàng ngàn đàn cá tung tăng bơi lội. Từ xa, hàng trăm chiếc tàu nối nhau ra khơi như ong vỡ tổ. Cái mùi khăn khẳn, mặn mòi của biển như ngấm vào lục phủ làm tôi ngây ngất. Phóng tầm mắt từ trên triền đê, người người, nhà nhà hối hả cho một ngày mưu sinh đầy khó nhọc. Đâu đó, bóng dáng của những người phụ nữ bất động hồi lâu như trông ngóng khắp mặt biển. Bất giác thằng con lay mạnh, người mẹ trẻ bừng tỉnh vội vàng đưa con đến trường. Sau lưng những cánh buồm dần khuất. Đó là hình ảnh thường thấy ở cái làng chài nhỏ bé nơi có tới hàng trăm góa phụ như vậy.
   
  Theo chân anh Xã đội trưởng, luồn lách qua nhiều con đường siêu nhỏ ở cái “phố” biển có diện tích thuộc diện nhỏ nhất Việt Nam này chúng tôi có mặt tại nhà chị Tô Thị Hương ở thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc. Ngôi nhà đơn sơ, có phần “bừa bộn” vì thiếu bàn tay của người đàn ông. Thằng út thấy khách thì tất tả gọi mẹ đang mổ cá thuê cách đó mấy dãy nhà.
   
  Sau khi biết chúng tôi là nhà báo chị cũng thoải mái hơn, mở lời về nỗi đau mà chị đã phải trải qua. Phải lòng chàng trai ngư phủ Tăng Văn Xô, nội ngoại vun vén rồi lần lượt ba đứa con kết tinh tình yêu của hai anh chị lần lượt chào đời. Anh cùng hai người em ruột chung vốn đóng tàu vươn khơi bám biển sản xuất. Vợ chăm lo gia đình, chồng vững tâm nơi khơi xa, cuộc sống cứ lẵng lẽ trôi cho đến một ngày. Trong một chuyến đi ở đảo Bạch Long Vỹ và đảo Cô Tô vào cuối năm 2010, sau khi bán được vài chuyến hàng, ba anh em nhà anh Xô lại giương buồm ra khơi. Đang mải miết đánh theo những đàn cá thì từ 12h trưa ngày 13/01/2011 đến 2h sáng hôm sau thì tàu của anh trúng con gió mùa đột xuất. Không kịp kêu cứu, không kịp điện đàm về cho bất kỳ ai và cũng thể xác định được tọa độ tàu chìm hoặc trôi dạt đi phương nào. Người vợ trẻ chưa bước qua cái tuổi tứ tuần nấc lên những tiếng nghẹn ngào, khóe mắt chực trào ra. Với hy vọng tìm được thi thể hoặc di vật của 3 anh em, rất nhiều bà con ngư dân đã tình nguyện đưa tàu ra tìm kiếm nhưng đều vô vọng, sống lớn lên với biển và giờ anh nằm lại ở lòng biển cả bảo la.
   
  Vợ mất chồng, mẹ mất cùng một lúc 3 người con trai, nỗi đau như không thể hàn gắn qua năm tháng. Chẳng có chuyến tàu nào đi Bạch Long Vỹ mà người mẹ già, vợ trẻ này không hỏi thăm về 3 anh em, biết đâu sẽ có một phép màu… Chiều muộn khi những con tàu đã cập bến. Hình bóng leo lắt của họ in dấu trên triền đê. Ánh hoàng hôn dần tắt.
   
Một ngày làm việc của chị Tô Thị Hương
   
  Cách đó không xa là nhà bà Hoàng Thị Đô, ông Nguyễn Văn Chữ ở thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc. Ba người con, hai con trai và một con rể ra đi vĩnh viễn trong chuyến tàu vào năm 2008. Chứng bệnh teo cơ cùng sự mất mát quá lớn khiến ông Chữ không thể đi lại bình thường, chủ yếu là bò và lết. Trải qua cơn ác mộng, bà Đô suy sụp rõ, những giọt nước mắt đã lấy đi sự tinh anh của đôi mắt, chiều xuống ngơ ngẩn bên rổ cá ở cuối góc chợ làng. Ở cái làng chài 0,47 km2 này một năm phải hứng chịu không bết bao nhiêu trận bão, chẳng ngờ rằng làng biển với hơn 17.000 dân ấy có tới trên 200 “Tô Thị” ngày đêm chờ chồng, ngóng con.
   
  Trầm ngâm bên ly trà nguội lạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc Nguyễn Hải Năm cho biết: Là nơi đầu sóng, ngọn gió nên thiệt hại do thiên tai gây ra là khôn lường. Cách đây chừng 80 năm, cơn bão 1931 lấy đi sinh mạng của 300 người con Ngư Lộc, năm 1996 có tới 195 ngư phủ đã nằm xuống. Rồi từ năm 2009 đến nay năm nào cũng xảy ra việc mất tích cả tàu và người trên biển. Theo kinh nghiệm dân gian, gió mùa về người dân gọi là “thớ trời”, những lúc ấy nhiều hải sản vô kể, đánh 1 ngày có khi bằng cả tháng đi biển. Ham cá, cố gắng kiếm thêm cơm gạo cho vợ con khiến không ít ngư phủ phải trả giá bằng cả tính mạng của mình.
   
Bình minh nơi đầu sóng
   
  Không hề có đất nông nghiệp, thu nhập chính phụ thuộc vào nghề biển, tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp chiếm đến 50% càng khiến người dân quay cuồng với kế mưu sinh, đặc biệt là đối với những “vọng phu”. Trước kia, những người như chị Hương chỉ ở nhà nội trợ, chăm lo gia đình, nhưng từ ngày định mệnh đó chẳng có việc gì là chị không lăn lộn. Từ vá vây, đan lưới, mổ cá,… đến khuôn vác nặng trên tàu. Đôi vai gầy như rã rời bởi sức nặng của cuộc mưu sinh, 10kg cá từ mổ đến phơi khô mới được 20.000 đồng, một ngày từ sáng đến tối mới xong 30kg. Rồi có những hôm bốc cá đến nửa đêm, tờ mờ sáng lại bốc hàng xuống thuyền. Bất kể nặng nhọc đến đâu, chị vẫn cố gắng cho 3 con ăn học để tương lai rạng rỡ hơn và vì bố mẹ chồng và trên hết là vì đạo lý, nghĩa tình vẹn toàn đối với người chồng đã khuất.
   
Mưu sinh nơi đầu sóng
   
  Những ngày khốn khó dần qua, Ngư Lộc không còn cái cảnh đói nghèo triền miên nơi đầu sóng. Nhờ chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi, nhiều tàu lớn đã xuất xưởng, vươn khơi bám biển dài ngày hơn và an toàn hơn. Vẫn biết là đau thương, mất mát những chẳng ai ở nơi đầu sóng này gục ngã, không ai bỏ biển. Những người phụ nữ can trường nơi đất nghèo xứ Thanh vẫn thủy chung với biển xanh như ngàn đời nay. Đôi vai yếu gầy, trái tim son sắt của các mẹ, các chị đã trở thành chỗ dựa cho những người đàn ông của biển, cho lớp trẻ tiếp bước cha anh vươn sức cùng sóng gió.
   
Một góc làng biển Ngư Lộc
   
  Khó khăn nhiều, vất vả lắm nhưng những “Tô Thị” nơi đầu sóng không hóa đá chờ chồng, mà tự đứng dậy, vươn lên nuôi dưỡng tình yêu với biển xanh, tiếp sức cho lớp trẻ vững vàng tay lái nơi đầu sóng, vươn khơi bám biển, làm chủ khơi xa, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc. Ngoài kia, ánh bình minh đang soi rọi…
   
ANH TÚ – ANH SƠN