Trường Sa – Tổ quốc thiêng liêng nơi đầu sóng - Bài cuối: Vượt lên sóng gió đảo chìm

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 05/06/2014

(TN&MT) - Có lên đến đảo chìm – nơi không có một tấc đất tự nhiên, mới cảm nhận đầy đủ về tầm quan trọng và sự thiêng liêng của mỗi vạt cát, mỗi thềm san hô...
(TN&MT) - Có lên đến đảo chìm – nơi không có một tấc đất tự nhiên, mới cảm nhận đầy đủ về tầm quan trọng và sự thiêng liêng của mỗi vạt cát, mỗi thềm san hô ngầm nơi trùng khơi giông tố, tuy bé nhỏ nhưng đó là chủ quyền thiêng liêng, góp phần tạo dựng nên một Tổ quốc Việt Nam, một dân tộc anh hùng.
   
   
Kiên cường người lính đảo chìm
   
  Tiếp tục hải trình đưa chúng tôi tới các điểm đảo chìm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
   
  Đúng như lời Đại tá Nguyễn Bá Ngọc, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chia sẻ, ra Trường Sa mà chưa đến đảo chìm là chưa biết, chưa cảm nhận đầy đủ về người lính đảo xa. Thật vậy, các đảo chìm như Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát, Tiên Nữ, Thuyền Chài, Tốc Tan... để lại ấn tượng không thể phai mờ cho tất cả những ai dù chỉ một lần đặt chân tới về nỗi gian nan và cả hy sinh nhưng rất đỗi kiên cường, anh dũng tại nơi đầu sóng ngọn gió này.
   
  Ở đó những người lính Trường Sa dù khó khăn, vất vả gian lao đến đâu, các anh luôn chấp nhận đối mặt và không ngại hy sinh. Thế mới biết những cơn cuồng phong, sóng gió, gian truân không thể quật ngã các anh. Những người lính đảo chìm đầu đội nắng, ngực chắn sóng, chân đạp trên cát bỏng, luôn rực cháy tình yêu đất nước và khát vọng cống hiến cho biển đảo quê hương.
   
  Giữa trùng khơi nắng gió, còn nhiều gian khổ trên các điểm đảo của huyện Trường Sa, nhưng tiếng cười, tiếng hát vẫn đầy ắp trên các điểm đóng quân ở các đảo chìm. Các chiến sĩ trẻ ở đây luôn phát huy tinh thần vượt khó, xung kích của anh bộ đội cụ Hồ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tất cả các điểm đảo đều thành lập chi Đoàn, công tác Đảng, công tác chính trị được thực hiện nghiêm túc, các phong trào thi đua, phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được quán triệt đến tận từng cán bộ, chiến sĩ và được đưa vào kết quả thi đua hàng tuần, hàng tháng, hàng quý.
   
Các chiến sỹ thường xuyên học tập nâng cao trình độ.
   
  Trên dải san hô Đá Tây có 3 đảo chìm gồm Đá Tây A, B và C, mỗi đảo cách nhau vài hải lý, giúp bao quát toàn bộ dải san hô dài hàng chục hải lý. Đảo chìm thực chất là những ngôi nhà hai hoặc ba tầng được xây cao lên trên mặt nước biển, từ nền móng là dải san hô. Để xây dựng một đảo chìm trên rặng san hô đòi hỏi rất nhiều công sức như vận chuyển vật liệu xây dựng từ đất liền, chọn vị trí thuận lợi nhất để tạo nền móng cao hơn mặt nước biển và xây nhà kiên cố. Vì những điều kiện khó khăn như vậy, nên diện tích của các đảo chìm khá hạn chế, chỉ vài trăm mét vuông.
   
  Những cái bắt tay chắc nịch, những gương mặt cương nghị, rám nắng và một tinh thần quả cảm là cảm nhận đầu tiên về các anh trong chúng tôi khi đặt chân lên đảo Đá Tây A. Đảo trưởng, Trung úy Nguyễn Châu Phong chia sẻ, hiện nay đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Tây từng bước được cải thiện nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các điểm đảo được trang bị tivi, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của đài Truyền hình Việt Nam đã giúp cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới. Trên đảo có tủ sách, báo... qua đó nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc Việt Nam.
   
  Khi được hỏi về những gian khổ trên đảo, Trung úy Nguyễn Châu Phong khẳng định: “Đã là người lính thì không được phép kêu khó khăn gian khổ, có chăng gian khổ đã tôi luyện chúng tôi thành những chiến sỹ kiên cường. Trong tim mình như có một luồng thép vô cùng vững chắc, nếu không như thế thì đã bị nắng Trường Sa thiêu rụi”.
   
  Những ngày này, thông tin về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải nước ta bằng việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên biển Đông, càng sôi sục thêm tinh thần sẵn sàng chiến đấu quyết bảo vệ chủ quyền tại Trường Sa. Ngắm dáng vẻ hiên ngang của những người lính biển đứng gác bên các cột mốc chủ quyền; nghe vang vọng 10 lời thề danh dự giữa bát ngát biển trời, chhungs tôi càng thêm tin yêu người lính hải quân. Cùng họ, những pháo đài canh giữ biển trời Tổ quốc sừng sững mãi giữa biển Đông.
   
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm!
   
  Trường Sa, một năm chỉ có mùa khô và mùa mưa. Trong đó, tăng gia rau xanh ở đảo chìm về mùa khô khó khăn nhất vẫn là nguồn nước ngọt để tưới rau. Mùa khô nắng hạn kéo dài, những ngày biển lặng, nắng to, bộ đội trên đảo ăn ở, học tập, công tác trong các tầng nhà bê tông nên rất oi bức, nhu cầu sử dụng nước ngọt hàng ngày lớn, song nguồn nước ngọt lại chủ yếu trông vào nước mưa chứa trong các hầm dự trữ, cho nên nước ngọt ở đảo được coi là hàng quý hiếm.
   
  Về mùa khô, để bảo đảm nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất, đơn vị đã phát động cán bộ, chiến sĩ trên đảo thi đua thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với việc tiết kiệm nước sinh hoạt, tích cực chăn nuôi gia cầm, tăng gia rau xanh. Thành công trong việc trồng rau xanh trên các điểm đảo ở Trường Sa, đặc biệt là ở những đảo chìm thực sự là một kỳ công, kỳ tích của các chiến sỹ đảo chìm.
   
  Cách trồng rau trên đảo đều mang đặc trưng tùy theo yếu tố "chìm, nổi" của từng nơi. Tại đảo Tốc Tan A, đảo Phan Vinh, Thuyền Chài… rau được trồng trong khay, thùng xốp, chậu, túi nilon. Theo các chiến sỹ ở đảo, việc trồng rau phải được chăm sóc cực kỳ công phu, người lính đảo phải chắt chiu từng nhúm đất, phân vi sinh, giống cây và nước ngọt từ đất liền để tạo nên vườn rau xinh xắn giữa biển khơi.
   
   
  Để che chắn cho rau, các chiến sĩ tận dụng thùng đạn làm bờ rào. Vì nguồn nước ngọt khan hiếm nên nước tưới rau được tận dụng tối đa từ nguồn tắm giặt, rửa rau, nấu cơm… Các chiến sĩ phải dùng những tấm màn cũ bảo vệ rau khỏi ánh nắng chói chang của mùa hè. Với tinh thần vượt khó, yêu thương những cọng rau như chính bản thân mình, những vườn rau muống, mùng tơi, cải mầm… được hình thành, cải thiện bữa cơm cho người lính đảo.
   
  Vì quá trình sản xuất gian nan và khó khăn nên việc thu hoạch rau trên đảo cũng theo phương châm tiết kiệm. Nếu là rau muống thì hái tỉa, hái xen kẽ, chừa lại những mầm nhỏ. Vừa thu hoạch vừa phải để lại ngọn để dưỡng gốc rau, bởi nếu hái hết các ngọn thì có thể các gốc sẽ lụi tàn luôn chứ không mọc mầm mới.
   
   Còn với rau cải, những người được phân công làm nhiệm vụ nấu ăn sẽ tỉa từng lá phía dưới thân cây để nấu canh chứ không cắt cả cây bao giờ. Khi cây phát triển tiếp, đẻ thêm lá sẽ lại quay vòng tỉa tiếp những lá dưới gốc. Cứ thế đến khi nào cây cải trổ ngồng thì mới thu hoạch toàn bộ. Lúc này thân cây cũng khá to, lính đảo sẽ tận dụng cả phần thân chứ không chỉ ăn lá, ăn hoa. Thân cải sẽ được tước vỏ, phần lõi chẻ ra ngâm nước mắm ăn với cơm, hoặc luộc cùng với rau. Còn với rau mùng tơi thì thường để leo dây dài rồi tỉa lá dần dần.
   
  Khó khăn, vất vả là vậy nhưng ở các đảo chìm, vườn rau với đủ các loại vẫn lên tươi tốt quanh năm. Dẫu biết rằng cuộc sống nơi biên đảo vẫn còn đó không ít khó khăn, nhưng những vườn rau xanh tốt nơi đầu sóng ngọn gió này đã khẳng định không sức mạnh nào có thể quật ngã những người lính đảo đang ngày đêm bám trụ, chắc tay súng quyết tâm bảo vệ vùng biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
   
Xuân Hợp (Trường Sa 5/2014)