Nữ biệt động thành 8 lần gặp Bác

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 19/05/2014

(TN&MT) - 8 lần gặp Bác là vinh dự, là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời nữ biệt động Đà thành - Trần Thị Kim Cúc.
   
(TN&MT) - 8 lần gặp Bác là vinh dự, là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời nữ biệt động Đà thành - Trần Thị Kim Cúc. Tình yêu thương, những bài học mà Bác chỉ bảo đã tác động vô cùng lớn đến suy nghĩ, hành động, quyết định của người nữ biệt động năm xưa về mãi sau này.
   
Nữ đội trưởng “thép”
   
  Trần Thị Kim Cúc sinh năm 1936, trong gia đình có truyền thống, bố và anh trai đều là liệt sĩ ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng). Sớm giác ngộ cách mạng, quyết lấy đau thương để đánh giặc trả thù, năm 14 tuổi, cô làm giao liên cho huyện ủy Hòa Vang. Nhằm đánh lạc hướng của địch năm 1961, cô được tổ chức phân công xuống thành phố Đà Nẵng, ngụy trang làm người giúp việc cho gia đình, có nhiệm vụ thăm dò tình hình địch, đưa thông tin liên lạc cho Cách mạng. Chính thời gian này, bằng sự khéo léo, cô đã vận động được hàng chục binh lính cộng hòa quay về với Cách mạng và được bầu làm Đội trưởng Biệt động thành ở tuổi 17.
   
Cô Trần Thị Kim Cúc thời còn trẻ
   
  Đầu năm 1962, từ nguồn tin cơ sở có 34 sỹ quan Mỹ đến Đà Nẵng làm cố vấn để huấn luyện cho Quân đoàn I, Quân đoàn II quân đội Sài Gòn đóng tại Bán đảo Sơn Trà và khu vực Hòa Cầm, TP. Đà Nẵng. Đội công tác đặc biệt của cô lập tức bí mật gặp nhau tại chùa Diệu Pháp bàn bạc. Đúng kế hoạch 9 giờ sáng hôm sau, cô cùng với đồng đội là H1 tức Anh hùng lực lượng vũ trang – Phạm Nổi nấp bên vách đá gần biển Tiên Sa xem chúng huấn luyện. Thấy chúng gần quá, anh Nổi móc túi lấy hai quả M26 kêu cô Cúc cùng đánh. Liệng xong 2 quả đạn, hai anh em lên xe đạp chạy. Tiếng nổ vang vách núi, bọn Mỹ bị chết và bị thương rống lên như bò.
   
  Trong một lần đi giao liên, cô bị địch bắt lần thứ 3. Lần này chúng tra trấn cô vô cùng dã man: lấy đinh đóng vào đầu, lấy thủy tinh đâm vào cửa mình... Cô kể: “Hôm đó, đánh một chặp máu me bê bết, thấy tôi vẫn trơ lỳ, mấy thằng mật thám khu 11 đem ra một cây đinh trắng chừng 5cm để trước mặt, một thằng có nước da đen thui, mắt híp như lươn, cầm cây đinh huơ trước mặt tôi và nói: “Cái này đã vào sọ não thì sức mấy mà mày cứng…”.  Chúng từ từ đóng cây đinh vào đầu, cảm giác đau đớn, tê buốt tràn khắp cơ thể, mắt như bị ai lấy que hương chọc vô, tôi chết giấc, lịm đi... Những cơn động kinh dai dẳng sau này cũng bắt đầu từ đó...”. Bất chấp những màn tra tấn man rợ, nữ đội trưởng quả cảm một mực không khai. Một lần nữa, địch chịu thua trước người con gái nhỏ bé mà kiên trung.
   
Bài học vô giá từ những lần gặp Bác
   
  Thân thể cô bị đòn roi của ngụy tra tấn đến “thân tàn ma dại” chết đi sống lại, thấy không thể khai thác được gì từ cô, chúng vứt xác cô ra đường. May mắn cô được cơ sở nuôi dưỡng và bảo vệ đưa lên căn cứ chữa trị.  Bệnh tình vẫn không thuyên giảm, cô được Đảng đưa ra Hà Nội điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Đây chính là thời điểm cô được gặp Bác Hồ nhiều lần.
   
  Cô Cúc còn nhớ lần đầu tiên gặp Bác đó là vào ngày 19/5/1966. Cảm xúc lúc đó thật không gì diễn tả được. Hôm đó, đúng vào ngày sinh nhật Bác thì chú Trần Kim Ảnh, Giám đốc Bệnh viện và bác sĩ Bình, Chủ nhiệm khoa bước vào hỏi thăm tình hình sức khoẻ, thông báo: “Lúc nữa có người trong Phủ Chủ tịch đến thăm các cháu”. Cô mừng vui khôn xiết, mắt luôn dõi nhìn ra ngoài trông chờ từng giây. Đúng 7 giờ tối, cô thoáng thấy một người dáng cao, nhanh nhẹn với chòm râu bạc phơ, đi bên cạnh là chú Vũ Kỳ. Bác mặc bộ tơ tằm nhuộm màu nâu thẫm, bên ngoài khoác chiếc áo bờ-lu trắng bước rất nhanh vào phòng cô. Đoán là Bác Hồ nên cô định chạy ra đón Bác. Bác vội vẫy tay: “Cháu hãy ngồi đó, đừng chạy ra”.
   
  Cô lặng người nhìn Bác, một cụ già trán cao, mắt sáng, râu tóc bạc phơ, hiền từ, gần gũi như người ông trong gia đình, vừa giản dị, vừa âu yếm làm sao! Bác hỏi thăm về bệnh tình, sức khoẻ các cô. Nghe bác sĩ Trần Kim Ảnh báo cáo cô bị đóng đinh vào đầu, Bác đưa tay sờ lên đỉnh đầu cô, lo lắng hỏi: “Đau như vậy, đêm cháu có ngủ được không?”. Rồi Bác đưa tay vẫy bác sĩ Bình lại dặn: “Chú phải theo dõi cả việc ăn uống của các cháu, nhắc nhà bếp phải đổi món và chế biến thức ăn cho hợp khẩu vị...”.  Ngồi chơi với cô đã lâu, Bác động viên: “Bác đến thăm các cháu, bây giờ hai cháu cho Bác về chưa nào?”. Cô và dũng sĩ Mười nhìn nhau, không muốn rời xa Bác... Bác hiểu ý, liền cười đùa “Các cháu không đồng ý cho Bác về thì Bác ở lại vậy!” . Thế rồi hôm đó Bác ngồi lại với các cô đến 9h tối.
   
  Sau lần đó, cô Cúc còn nhiều lần được đón vào Phủ Chủ tịch cùng ăn cơm với Bác và chú Tô (tức Thủ tướng Phạm Văn Đồng). “Tình cảm của Bác dành cho chúng tôi sâu nặng, ấp áp như tình thương của người cha vậy. Biết bệnh của chúng tôi không thuyên giảm, Bác quyết định đưa sang Trung Quốc chữa trị và động viên 2 chị em cố gắng học tiếng nước bạn, để nếu có nhà báo đến thì kể cho họ nghe về tội ác của đế quốc Mỹ và ý chí chiến đấu kiên cường của đồng bào ta”- cô Cúc bồi hồi nhớ lại.
   
   Khắc ghi lời Bác, ở Trung Quốc, vừa chiến đấu với bệnh tật cô Cúc vừa nỗ lực học hỏi, luyện cách giao tiếp bằng tiếng Trung. Sau gần 2 năm, các vết thương được chữa lành, trở về Hà Nội, cô được Bác cho xe đón vào Phủ Chủ tịch. Đó là buổi chiều 30 Tết Mậu Thân 1968, tiết trời se lạnh, Bác bảo chú Vũ Kỳ đưa ra một cái khăn và chiếc mũ ấm bảo cô mang vào kẻo lạnh (Chiếc khăn này cô đã tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5). Khi cô đi, Bác còn khỏe vậy mà khi về, Bác đã yếu đi nhiều, đi lại phải chống gậy.
   
Cô Cúc (người đứng đầu tiên từ bên trái) chụp ảnh cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và các “Dũng sĩ diệt Mỹ”
   
  Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe và hỏi nguyện vọng của cô. Khi nghe cô trình bày nguyện vọng muốn được trở về miền Nam đánh giặc, mắt Bác rưng rưng. Bác bảo hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe, vì người còn yếu thế chưa về được đâu. Thấy vậy cô đành xin đi học, nhưng Bác bảo nếu học gấp quá, vết thương chưa khỏi hẳn, đầu óc sẽ không chịu nổi. Rồi Bác bảo muốn kiểm tra vốn tiếng Trung của cô. Nghe cô trả lời thành thạo, Bác khen cô giỏi và căn dặn: “Có chí, ở hoàn cảnh nào học cũng được, cháu ạ!”.
   
  Bữa cơm chiều 30 Tết hôm ấy, cô được ở lại ăn cùng với Bác. Trong bữa ăn, bác gắp cho cô miếng thịt nhưng vì sức yếu, tay run, bác để rơi miếng thịt xuống bàn ăn. Bác vội gắp miếng thịt đó vào bát mình rồi gắp miếng khác cho cô. “Có lẽ Bác sợ miếng thịt rơi xuống bàn không vệ sinh. Lần ấy, tôi đã thốt lên hai chữ “Bác ơi” bao nhiêu yêu thương, cảm động, trân trọng dồn nén trong tiếng gọi ấy” – cô Cúc xúc động.
   
  Sau đó, Trần Thị Kim Cúc “trốn” Bác, đi học văn hoá tại Trường phổ thông lao động Trung ương. Càng thương Bác bao nhiêu, cô càng gắng sức học bấy nhiêu để đền đáp công ơn của Bác. Tại đây, cô học rất giỏi, 2 năm 3 lớp và là học sinh tiên tiến. Đầu năm 1969, cô được Đài tiếng nói Việt Nam nêu gương về thành tích học tập. Cô kể: “Nhận được tin ấy, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đến trường đón tôi. Bác ôm chầm lấy tôi như một người cha đón đứa con sau bao ngày xa cách. Tình cảm của Bác vẫn nồng ấm, nhưng cử chỉ và giọng nói đã yếu đi nhiều. Lần ấy, Bác ân cần nói với cô: “Bác biết các cháu đi học và học rất giỏi. Bác rất vui nhưng cháu phải chú ý giữ gìn sức khỏe thật tốt. Ở cùng dân phải làm công tác dân vận tốt, giúp dân để dân thương dân nhớ. Rồi Bác dặn chú Tô bằng giọng khàn khàn: “Sau này, Bác có mệnh hệ gì, không chăm lo được cho cháu Trần Thị Cúc và cháu Trần Thị Lý (Anh hùng LLVTND, quê Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thì nhờ chú thay Bác chăm lo cho hai cháu đến nơi đến chốn”.
   
  Đến chiều, chú Vũ Kỳ đưa cô trở lại trường, Bác lấy tay xoa nhẹ lên đầu cô và bảo: “Cháu về trường, nhớ giữ gìn sức khỏe, Bác gửi lời thăm thầy cô, bạn bè của cháu!”. Nghe thế, tôi cắn môi lại cố không để bật ra tiếng khóc, lòng thầm ao ước: “Cầu mong Bác mạnh khỏe, bình an”. Nào ngờ đó cũng là lần cuối cùng cô được gặp Bác. Ngày 2/9 năm ấy Bác đã đi xa mãi mãi.
   
  Sau này, cô Cúc thi đỗ vào khoa Hóa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, học đến năm thứ tư thì vết thương tái phát, đôi mắt không nhìn được, phải sang chữa trị tại Cộng hoà Dân chủ Đức. Mãi đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà mới được trở về quê hương.
   
  Hiện nay, bà Cúc đang sống cùng hai người con trai trong căn nhà nhỏ ở đường Thanh Long, TP. Đà Nẵng. Dù thời gian trôi qua, nhưng ký ức về những lần gặp Bác mãi nguyên vẹn trong trái tim bà. Bác để lại tình thương vô hạn và bài học quý giá trong chỉ trong bà mà trong lòng dân tộc Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau.  “Tôi thường kể cho các con nghe kỷ niệm về những lần được gặp Bác Hồ. Đó chính là hành trang để các cháu trọn đời vững bước đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn” – bà Cúc tâm sự.
   
   Lan Anh