Thi công quốc lộ 14 quá chậm chạp

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 15/05/2014

(TN&MT) - Nhiều dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng quốc lộ 14 đi qua Tây Nguyên thi công ì ạch, chậm chạp và gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
   
(TN&MT) - Trong thời gian qua, nhiều dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng quốc lộ 14 đi qua Tây Nguyên thi công ì ạch, chậm chạp và gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Không những thế, chủ đầu tư nhiều gói thầu trên tuyến đường này còn có dấu hiệu bán thầu cho nhà thầu phụ.
   
Nhiều phương tiện thi công đang được "nghỉ ngơi" dài hạn tại đoạn QL 14 đi qua xã Cuôr Đăng
(huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk)
   
Thi công ì ạch, mất an toàn
   
  Hiện những gói thầu nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đi qua các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai đều triển khai chậm chạp. Tại đoạn thi công quốc lộ 14 qua địa phận tỉnh Đắk Lắk từ xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) đến thị xã Buôn Hồ của Liên danh Công ty Quang Đức (tỉnh Gia Lai), chỉ có lác đác mấy chiếc máy ủi, máy xúc hoạt động. Mặc dù mặt đường đang được mở rộng, nhưng phương tiện qua đoạn này lại có cảm giác “chật hẹp” vì 2 bên đường đã thành những hố sâu, các cọc, biển báo nằm xiêu vẹo, có lúc còn lấn ra lòng đường cũ. Nằm cạnh đó không xa, hàng loạt xe tải, máy múc, xe lu… đang nghỉ ngơi một cách rất “quy củ” bên bãi tập kết của đơn vị thi công. Qua đợt kiểm tra vào cuối tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình đơn vị thi công, chủ đầu tư trong việc chậm trễ thi công đoạn đường vì gói thầu BOT (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) này dài 23,5km đã bị nhà đầu tư Quang Đức triển chia nhỏ thành nhiều gói thầu (khoảng 2,5km/gói thầu), trong khi khối lượng thi công thực hiện chưa được 5%.
   
Khối lượng thi công trên QL 14, đoạn đường 23,5km tại tỉnh Đắk Lắk của nhà đầu tư BOT Quang Đức mới thực hiện chưa được 5%
    
   
  Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến đoạn thi công quốc lộ đi qua xã Pơng Đrang (huyện Krông Búk, Đắk Lắk) của chủ đầu tư Công ty Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Việc thi công đoạn quốc lộ 14 này còn đáng sợ hơn khi đơn vị thi công cho múc hai bên đường thành các hố sâu cả mét nhưng không cho đặt biển báo nguy hiểm. Đường trở nên cao hơn và hẹp hơn, chẳng cần giới hạn tốc độ thì các xe cũng “chẳng có gan” mà đi nhanh. Trong khi đó, mặt đường lại cao hơn nhà dân từ 20-30cm. Tại đoạn quốc lộ 14 đi qua xã Ea Ral (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk), thiết kế cống thoát nước của đường lại “đổ thẳng” vào 3 nhà dân.
   
Nguy cơ tiềm ẩn tai nạn trên QL 14, đoạn đi qua xã Pơ Drang (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk)
    
   
  Còn tại đoạn đường quốc lộ 14 đi qua tỉnh Đắk Nông, ngoài một vài đoạn ngắn đi qua huyện Đắk Mil và giáp ranh thị xã Gia Nghĩa đã được trải thảm nhựa, có rất nhiều đoạn gần như đã “nát bét”. Lòng đường xuất hiện rất nhiều ụ đất cao và hố sâu. Mới vào mùa mưa, nhưng nhiều đoạn đường đã thấy hiện tượng sụt lún lòng đường, nước đọng lại thành các “ao” và vũng sâu ngay trên mặt đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Riêng đoạn đường đang thi công đi qua địa phận xã Trường Xuân (huyện Đắk Song), cách đây không lâu đã xảy ra một trận mưa lớn gây sụt lún lòng đường và làm ách tắc giao thông kéo liên tục trong 7 giờ.
   
   
Dự án BOT tại Đắk Nông do nhà đầu tư Liên doanh Toàn Mỹ - Băng Dương tương đối đảm bảo
tiến độ thi công
    
Nguy cơ đình trệ…
   
  Vào các năm 2010 và 2011, hai dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14 đi qua tỉnh Đắk Nông (từ Km817 - Km 887) và tỉnh Bình Phước (từ Km921 - Km962) theo hình thức BOT bắt đầu được khởi công. Sau đó, Bộ GTVT lần lượt triển khai các dự án BOT trên quốc lộ 14 đi qua các tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Với mong muốn huy động được nguồn vốn đầu tư từ các đơn vị, doanh nghiệp trong nước, ai cũng hy vọng tốc độ thi công và hoàn thành QL 14 sẽ vượt tiến độ, Tây Nguyên sẽ có một cuộc “thay da đổi thịt” khi đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng, đảm bảo an toàn giao thông, thúc đẩy kinh tế khu vực và củng cố an ninh quốc phòng.
   
Thi công mất an toàn trên QL 14, đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông
    
   
  Nhưng theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án (BQLDA) đường Hồ Chí Minh tại cuộc họp giao ban quý I/2014, hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức BOT đang có nguy cơ chậm tiến độ. Ngoài dự án BOT tại Đắk Nông do nhà đầu tư Liên doanh Toàn Mỹ - Băng Dương tương đối đảm bảo tiến độ thi công, 2 dự án BOT tại tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk triển khai thi công còn chậm chạp. Riêng dự án BOT tại tỉnh Đắk Lắk do Liên danh Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức, Công ty CP Đông Hưng Gia Lai và Công ty CP thủy điện Sê San 4 ì ạch nhất, mới đạt 2,2% giá trị hợp đồng. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã đề nghị các ban ngành liên quan thường xuyên kiểm tra và kịp thời điều chỉnh những bất cập trong thiết kế và thi công của các đơn vị nhà thầu. Bên cạnh đó, yêu cầu cắt giảm khối lượng một số gói thầu của các đơn vị không đủ năng lực thi công.  
   
Thi công mất an toàn trên QL 14, đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông
    
   
  Được biết, ngoài dự án đoạn Pleiku - cầu 110 đi qua tỉnh Gia Lai (dài 57,6km) dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2016, các dự án còn lại đều dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2015. Nhưng khi chạy xe dọc tuyến đường này, khi tận mắt chứng kiến “tốc độ” thi công của các nhà thầu, dường như ai hiểu rằng việc hoàn thành đúng tiến độ là “nhiệm vụ bất khả thi”. Nếu không có sự can thiệp, điều chỉnh đúng đắn, kịp thời của các bộ, ban ngành liên quan thì có lẽ những người dân và các doanh nghiệp vận tải sẽ phải chịu đựng “con đường đau khổ” này thêm một thời gian dài nữa.
   
Thi công mất an toàn trên QL 14, đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông
    
   
   
        
Đường quốc lộ 14 đi qua Tây Nguyên dài 416km. Trong đó, có 5 dự án vốn Trái phiếu Chính phủ với chiều dài 209km, tổng mức đầu tư 7.899 tỷ đồng. Hiện đã triển khai 5 dự án với 38 gói thầu đang triển khai. 5 dự án BOT có chiều dài 207km, tổng mức đầu tư 6.043 tỉ đồng, đã triển khai 32/37 gói thầu. Hiện chưa triển khai 3 gói thầu thuộc dự án BOT tỉnh Đắk Lắk của nhà đầu tư Quang Đức và 2 gói thầu thuộc dự án BOT tỉnh Gia Lai của nhà đầu tư Đức Long Gia Lai.
        
(Nguồn: Bộ GTVT cung cấp)
    
   
   
                                                                               Bài & ảnh: Lê Phước