Xứng danh anh “Bộ đội Cụ Hồ”
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 28/04/2014
(TN&MT) - Từng một thời chiến đấu “vào sinh ra tử”, trở về phục viên, người cựu chiến binh ấy vẫn luôn giữ trong mình những phẩm chất đáng quý của “Bộ đội Cụ...
(TN&MT) - Từng một thời chiến đấu “vào sinh ra tử” khắp các chiến trường trong Nam ngoài Bắc. Trở về phục viên, người cựu chiến binh ấy vẫn luôn giữ trong mình những phẩm chất đáng quý của “Bộ đội Cụ Hồ”. Trong trận tuyến chiến đấu với cái đói nghèo, lạc hậu của bản làng ông luôn là người gương mẫu đi đầu. Đó là ông Hồ Với, thôn Cu Tai 1 (xã A Bung, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị).
Ông Hồ Với dẫn nước từ trên núi về cho người dân dùng.
Người đưa “nước trời” về bản
“Ông Hồ Với ơi!, đường ống lại bị trâu giẫm vỡ rồi, nước không chảy được nữa…” Sáng nay, tiếng của anh Hồ Prùi ở thôn Cu Tai 1 lại vang lên, báo hiệu đường ống nước có “vấn đề”. Mỗi lần như thế ông Hồ Với lại chép miệng, chạy lên núi tìm đoạn ống bị trâu giẫm vỡ để nối lại. Đã hơn 30 năm kể từ ngày ông dẫn nước từ trên núi về cho cả thôn Cu Tai 1 dùng, cũng chừng ấy năm, một mình ông lặn lội băng rừng tìm những đoạn đường ống bị hỏng để nối lại, đưa dòng nước chảy về bản được thông suốt, phục vụ cuộc sống của người dân.
Ông Hồ Với sinh năm 1932, tại thôn Lê Lốc, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Tháng 3/1957 ông theo tiếng gọi của đất nước lên đường nhập ngũ. Sau 18 năm lăn lộn chiến đấu khắp chiến trường trong Nam ngoài Bắc. Tháng 8/1975, ông phục viên trở về quê hương với cấp hàm trung úy, vừa bắt tay vào xây dựng, phát triển kinh tế, vừa đảm nhận các công tác Đảng và nhân dân giao phó. Ông kể: “Ngày đó, đồng bào mình còn nghèo, mình được Đảng, Bác Hồ cho đi bộ đội, mình có trình độ, mình phải có trách nhiệm hướng dẫn cho bà con”. Từ khi phục viên, ông làm trưởng thôn rồi chuyển sang Chủ nhiệm Hợp tác xã, đến năm 1991 được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã A Bung, đến năm 2012 mới nghỉ hưu.
Trước đây, cả thôn A Bung người dân hằng ngày phải đi một đoạn đường gần 5 km đến khe A Ốp hoặc sông Đakarông để lấy nước về dùng, có khi một ngày phải đi lấy nước 4 – 5 lần đi lấy nước. Những ngày nắng, nước cạn thì phải đi rất xa, nước lại đục ngầu, mùa mưa thì đường trơn trượt, đi lấy nước rất khổ cực. Nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo nên bệnh tật phát sinh, cuộc sống của bà con dân bản đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Cả bản ai cũng biết trên đỉnh Kva có khe A Ốp, nơi xuất phát của dòng suối mát nước chảy bốn mùa, nhưng không ai biết cách đưa nước về dùng. Ông Hồ Với kể: Mình đi nhiều nơi thấy người ta lấy ống tre dẫn nước trên khe suối về dùng rất tiện lợi, sạch sẽ, làng mình cũng có khe suối tại sao lại không dẫn nước về dùng? Nhiều lần mình rủ bà con mua ống để dẫn nước nhưng không một ai đồng ý, một phần sợ tốn kém, một phần cũng sợ xưa nay chưa ai làm, như vậy có thể bị giàng phạt tội.
Vận động dân làng không được, Hồ Với chuyển sang vận động vợ con. Sau khi được cả nhà đồng ý, ông bán hai con bò được 5 triệu để đầu tư tiền mua ống nước. Vào thời điểm đó (1981), 5 triệu đồng là một số tiền rất lớn, nhưng với sự quyết tâm cũng như ủng hộ của gia đình, sau một ngày đường sang bưu điện A Lưới, 1500 m ống được Hồ Với mang về để lắp đặt dẫn nước trên núi về bản.
Để lắp đặt được đường ống dẫn nước cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng bởi khe suối cách bản hơn 1000 m, địa hình lại rất khó để đặt đường ống. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Hồ Với quyết định chia đường ống thành những đoạn ngắn, có những đoạn chôn sâu dưới đất, có đoạn lại để lộ thiên để tiện cho việc di dời, quản lý và sửa chữa khi đường ống có vấn đề.
Sau gần một tuần phát rừng, đào hào để lắp đặt đường ống, cuối cùng dòng “nước trời” được đưa về bản dưới sự ngỡ ngàng, thán phục cũng như sợ hãi của bà con. Ông Hồ Với cho biết: Trước đây chưa ai làm được việc này nên lúc đầu bà con không ai dám dùng chung nước với gia đình. Nhiều người dân trong thôn còn tỏ ra lo lắng vì cho rằng những ai dám thay đổi dòng chảy của suối sẽ bị Giàng phạt tội. Nhưng sau khi nhận được sự giải thích của Hồ Với và nhất là thấy gia đình Hồ Với dùng “nước trời” không xảy ra chuyện gì mà cuộc sống còn khấm khá hơn, từ đó bà con dần dần hiểu ra. Lúc đầu, chỉ có một vài nhà hàng xóm dùng nước do Hồ Với dẫn về, sau đó thì cả thôn Cu Tai đều dùng, nhờ vậy cuộc sống của bà con không còn khổ cực như xưa.
Ông Hồ Văn Thăng, thôn Cu Tai 1 nói: Gia đình mình đã dùng nước do Hồ Với dẫn về hơn hai mươi năm nay rồi. Trước đây, đi lấy nước xa lắm, mình lớn mà còn bị ngã mấy lần, nay nước về chẳng khác gì dưới thành phố dùng nước máy, phụ nữ, trẻ con không phải hằng ngày ra suối lấy nước nữa, dân bản mình mang ơn Hồ Với nhiều lắm.
Nay đã ngoài 80 tuổi, ông Hồ Với vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn lắm, nhưng đường ống nước ông lắp đặt qua năm tháng sử dụng nay đã hư hỏng nhiều đoạn, trong bản lại không có ai biết cách sửa cũng như nối đường ống. Trận lũ năm 2009 nước cuốn trôi mất 500m ống nước, trận lũ 2012 cuốn trôi 250m ống nước, mỗi lần như vậy Hồ Với lại lặn lội lên rừng để kiểm tra và nối lại từng đoạn. Ông nói như giải thích: Mình là Bộ đội Cụ Hồ, mình phải gương mẫu đi đầu, việc dẫn nước về cả bản dùng thì trong đó gia đình mình cũng dùng, có chi mà thiệt. Chỉ lo mai này sức yếu, trong bản lại không ai biết sửa chữa đường ống thì không biết phải làm thế nào.
Một đời luôn giữ cái tâm của người lính
Trong phong trào phát triển kinh tế, không riêng gì ở thôn Cu Tai mà cả xã ai cũng biết đến Hồ Với như một người cựu chiến binh tiêu biểu trong sản xuất. Với cương vị Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã A Bung, Hồ Với đã tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế bằng cách trồng rừng, làm trang trại. Gia đình Hồ Với luôn là gia đình đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây trồng đạt cho năng suất cao. Noi gương Hồ Với không những Hội viên Cựu chiến binh mà cả làng, cả xã ai cũng làm theo. Dưới chân núi Kva ngày nào còn xác xơ vì bom đạn của Mỹ Ngụy nhưng nay dưới bàn tay, khối óc của những người nông dân như Hồ Với đã được phủ xanh bởi những vườn cây xanh tươi.
Ông Hồ Với thường xuyên kiểm tra, sữa chữa đường ống
. Dẫn chúng tôi ra gần 10 ha vườn của mình, Hồ Với cho biết: Nhà có cả thảy gần 20 ha vườn nhà và vườn đồi, trong đó vườn nhà là gần 10 ha. Gia đình đã triển khai trồng gần 2000 gốc chuối, hằng trăm gốc cà phê, hàng trăm cây huê và trắc, bên cạnh đó còn đào thêm 3 hồ cá rộng 2.000m2. Ngoài ra, Hồ Với còn trồng 10 ha rừng tràm, nuôi hàng chục con bò, heo… Chăm lo phát triển kinh tế gia đình nhưng trong thôn, trong bản hễ biết ai gặp khó khăn, Hồ Với đều tìm đến giúp đỡ, bằng cách cho vay tiền, cho mượn bò để chăn nuôi. Hồ Với vui vẻ nói: “Mình phát triển kinh tế thì cũng nên giúp đồng bào làm giàu, mình làm được nên dân bản cứ học theo thôi. Gia đình mình nhờ phát triển kinh tế vườn đồi nên mình nuôi được 10 người con ăn học thành đạt đấy”.
Từng chiến đấu “vào sinh ra tử” khắp các chiến trường, một điều luôn đè nặng lên tâm trí Hồ Với là làm sao tìm, truy tập các hài cốt các liệt sĩ đã ngã xuống về với gia đình, quê hương. Cứ mỗi lần nghe tin người dân phát hiện hài cốt liệt sĩ ông lại lặn lội tìm đến để xác minh rồi báo cho chính quyền. Không ít lần trong những ngày vượt rừng thiêng nước độc, Hồ Với đã ngã bệnh phải ở nhờ dân bản ở nước bạn Lào, nhưng chưa bao giờ ông nản chí. Ông tâm sự: Mình may mắn mới được trở về nguyên vẹn sau chiến tranh nhưng có biết bao anh em đồng đội đã không thể trở về, bây giờ mình bỏ ra chút công sức nhỏ nhoi thì có sá gì so với những mất mát mà thân nhân các gia đình liệt sĩ đã phải chịu đựng để cho quê hương, đất nước được tự do độc lập ngày hôm nay.
Vì vậy dù tuổi đã cao, nhưng mỗi khi nghe người dân báo tin có hài cốt liệt sĩ thì ông lại lặn lội tìm đến, vì đối với ông đó chính là cái tâm với đồng đội với những người đã hy sinh cho quê hương đất nước. Ông Hồ Văn Đô Phó Chủ tịch UBND xã A Bung cho biết: Ông Hồ Với từ năm 1981 đến nay đã bắt đầu hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội, với công việc thầm lặng của mình ông đã tìm kiếm, cất bốc được 182 hài cốt liệt sĩ. Ông Hồ Với thật xứng danh là “Bộ đội Cụ Hồ”, là tấm gương sáng tiêu biểu cho bà con dân bản noi theo.
Bài và ảnh: HẢI TÂN – ANH DŨNG