Phú Thọ: Mắc khuyết điểm vẫn lên “ghế” cao hơn?
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 20/03/2014
(TN&MT) - Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng Trung ương cần sớm vào cuộc, công khai làm rõ quy trình bổ nhiệm cán bộ như vậy liệu có đúng quy định của pháp luật...
(TN&MT) - Ông Đoàn Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phú Thọ đã “mắc lỗi” trong khi thực thi công việc bảo vệ pháp luật và bị Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao ra văn bản kiến nghị kiểm điểm, căn cứ vào mức độ vi phạm có biện pháp xử lý kỷ luật…Tuy nhiên, sau đó một thời gian, ông Đoàn Minh Hương vẫn ung dung ngồi lên “ghế” Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phú Thọ, khiến dư luận không khỏi hoài nghi, thắc mắc?.
Ông Đoàn Minh Hương, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phú Thọ |
Trong đơn đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có sai phạm, anh Nguyễn Hữu Hòa, trú tại xã Thụy Vân, TP Việt Trì “tố”: Ngày 22-9-2011, Cơ quan điều tra đã thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với vợ anh là Cao Thị Thu Hằng, 1982, trú tại thôn Nỗ Lực, xã Thụy Vân, TP Việt Trì. Việc bắt Hằng được thực hiện do cơ quan này cho rằng Hằng là một mắt xích trong vụ án “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” do Lê Thị Minh Hiền cầm đầu. Thấy vợ bị bắt, chồng bị can là Nguyễn Hữu Hòa liên tục đi kêu oan. Ngày 19-10-2011, Viện KSND tỉnh Phú Thọ có nhận được đơn đề nghị cho tại ngoại với lý do Hằng đang nuôi con nhỏ dưới 18 tháng tuổi và có thai 3 tháng…
Quá bất bình vì việc giam giữ phụ nữ có thai và đang nuôi con nhỏ, ngày 14-12-2011, Văn phòng luật sư Nguyễn Bình và cộng sự tiếp tục có kiến nghị số 23, nêu rõ: Việc bắt tạm giam Cao Thị Thu Hằng đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi và đang có thai là vi phạm điểm a, b, c, khoản 2, điều 88 – Bộ Luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, phía VKSND tỉnh Phú Thọ vẫn không thả bị can Hằng ra ngay, phải đến 21-12-2011, VKSND Phú Thọ mới ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Cao Thị Thu Hằng. Như vậy, sau 3 tháng tạm giam, Hằng mới được tại ngoại...
Thấy bị can và gia đình kêu oan nhiều quá, đơn thư gửi đi khắp nơi, kể cả Văn phòng Chủ tịch nước, Viện KSND tối cao đã vào cuộc, rút hồ sơ vụ án Cao Thị Thu Hằng lên kiểm tra thì sự việc dần sáng tỏ.
Trong Công văn số 25/VKSTC-C6(P3), do Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, ông Vũ Huy Thuận ký ngày 30-5-2012 đã kiến nghị rõ: “Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam đối với bị can Cao Thị Thu Hằng khi biết rõ Hằng đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, vẫn ở tại địa phương và chấp hành giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, không có biểu hiện trốn tránh trong khi chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Và trong thời gian bị tạm giam xác định Hằng đang mang thai 9 tuần 4 ngày tuổi, là không đúng quy định của pháp luật, đã vi phạm điểm b, khoản 2, điều 88, Bộ Luật Tố tụng hình sự… Việc đề xuất, ra lệnh, phê chuẩn lệnh tạm giam thuộc trách nhiệm điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường, là người trực tiếp đề xuất. Phó trưởng phòng PC45 Đào Diệu Sơn trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Đinh Văn Phúc ký lệnh bắt tạm giam. Quá trình thực hiện công tác kiểm sát điều tra vụ án, Kiểm sát viên Tạ Văn Dung là người đề xuất việc phê chuẩn lệnh bắt tạm giam, Phó Viện trưởng Đoàn Minh Hương ký phê chuẩn lệnh bắt tạm giam bị can Cao Thị Thu Hằng. Cơ quan điều tra VKSND tối cao nhận thấy cần thiết phải kiến nghị đến Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ để chỉ đạo kiểm điểm các cá nhân liên quan đến việc đề xuất và phê chuẩn lệnh bắt tạm giam bị can Cao Thị Thu Hằng, căn cứ vào mức độ vi phạm có biện pháp xử lý kỷ luật với các cá nhân có sai phạm theo đúng quy định của pháp luật”.
Nhưng sau khi văn bản kiến nghị kiểm điểm, xử lý kỷ luật này của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao ban hành chưa được bao lâu, thì ông Đoàn Minh Hương từ "ghế" Phó Viện trưởng đã ung dung ngồi vào “ghế” Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phú Thọ. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng Trung ương cần sớm vào cuộc, công khai làm rõ quy trình bổ nhiệm cán bộ như vậy liệu có đúng quy định của pháp luật hay không, để giải đáp những thắc mắc, hoài nghi của dư luận lâu nay.
Bài & ảnh: Hà Nhật Lam