Núp bóng trang trại bán đất trái phép?
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 27/12/2013
(TN&MT) - Gần 2 năm trở lại đây tại xã Hà Vinh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) hàng trăm nghìn khối đất bị đục khoét bán ra khỏi địa phương núp dưới cái bóng đào ao...
(TN&MT) - Gần 2 năm trở lại đây tại xã Hà Vinh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) hàng trăm nghìn khối đất bị đục khoét bán ra khỏi địa phương núp dưới cái bóng đào ao nuôi cá…
Tan hoang một vùng đất
Sau một hồi lần tìm qua nhiều con đường ngoằn nghèo theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi có mặt tại thôn 12, xã Hà Vinh địa điểm mà gần 2 năm nay UBND xã Hà Vinh ngoảnh mặt làm ngơ cho Nhà máy gạch Tuynel Lam Sơn ở thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa đục khoét. Một khu vực rộng lớn bị đào bới nham nhở với những chiếc hố sâu hoắm, dựng đứng. Ngay sát con đường đất liên thôn là con đường rộng lớn mới được hoàn thành chạy thẳng vào khu vực khai thác đất. Chiếc máy xúc công suất lớn được đặt ở vị trí trung tâm để tiện cho việc “ăn” đất. Cách đó không xa là một hồ nước lớn sâu hơn chục mét mà người dân cho biết đó là “sản phẩm” của việc đào bới từ năm 2012. Hồ rất sâu và thành dựng đứng nhưng lại không hề có rào chắn hoặc biển báo nên vô cùng nguy hiểm cho tính mạng người dân.
Vùng đất nông nghiệp bị đào bơi nham nhở |
Một hộ dân sinh sống ngay khu vực khai thác cho biết: Trước kia khu đất hơn 2 ha này là diện tích được xã cho người dân đấu thầu từng năm một để sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, gần 2 năm nay toàn bộ khu vực bị máy móc, xe cộ “oanh tạc” suốt ngày đêm. Việc khai thác được diễn ra liên tục từ sáng sớm đến chiều tối muộn và chỉ nghỉ 30 phút giữa trưa. Hàng trăm lượt xe cày nát khu vực đường liên thôn ở xã Hà Vinh sang đến tận địa phận thị xã Bỉm Sơn, dọc đường là những vết bánh xe cỡ lớn hằn sâu trên bề mặt đường, ổ trâu, ổ gà xuất hiện khắp nơi như chực chờ người tham gia giao thông. Về mùa khô thì bụi bay mù mịt vào khắp nhà dân, mùa mưa thì toàn con đường nhão nhoẹt, trơn trượt vì bùn đất của các xe vận chuyển. Những chiếc xe ở đây không được che chắn nên đi đến đâu là gây ô nhiễm đến đó. Người dân phản ánh thì nghỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đó. Theo chân một chiếc xe từ khu vực khai thác thì đích đến là Nhà máy gạch Tuynel Lam Sơn ở phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn.
“Ao cá Voi” được đào sâu 14 – 15m |
Đào ao nuôi… “cá Voi”?
Để làm rõ hơn vấn đề trên, PV Báo Tài nguyên & Môi trường đã liên hệ làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND xã Hà Vinh, sau một hồi chờ đợi thì nhận được câu trả lời của nhân viên là Chủ tịch xã đi chơi Noel(?!). Liên lạc qua điện thoại nhiều lần thì nhận được câu trả lời của ông Lê Xuân Thảo – Chủ tịch UBND xã Hà Vinh là ở đó không có chuyện khai thác đất trái phép mà là đào ao nuôi cá để làm trang trại, còn việc bán đất ra ngoài cho nhà máy gạch thì vị này khẳng định chỉ có vài xe và bán vào ban đêm(?!). Ngay sau cuộc điện thoại, PV quay trở lại hiện trường thì toàn bộ máy móc đã biến mất một cách êm thấm. Nếu chỉ đào ao và không bán đất tại sao vị Chủ tịch xã lại sốt sắng ra tận nơi “chỉ đạo” và ít phút sau đã “khôn. g còn gì”? Điều lạ lùng nữa là không biết xã này định phát triển cái loại cá gì mà theo người dân thì ao được đào sâu 14 – 15 m, dễ chừng có khi là… cá Voi?.
Những văn bản “ma” hợp thức hóa việc bán đất |
Trao đổi với bà Hoàng Thị Lụa – Cán bộ địa chính xã Hà Vinh thì PV nhận được một loạt giấy tờ, văn bản về phát triển trang trại được cá nhân ông Nguyễn Hùng Nghi ở phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn thuê lô số 16, 17 và 18 của xã Hà Vinh với tổng diện tích là 22.300 m2 và thời gian lên đến 19 năm. Trong đó, đất làm lán trại trông coi là 200 m2, đất trồng cây lâu năm là 5.00 m2, đất nuôi trồng thủy sản là 16.600 m2, đất làm chuồng trại là 500 m2. Thế nhưng, tất cả những văn bản trên đều không có chữ ký, không dấu xác nhận và không có tính hợp pháp trên phương diện pháp luật. Lý giải điều này bà Lụa cho biết là các văn bản mà có dấu, có chữ ký thì đã được chuyển lên huyện để làm hồ sơ?.
Chúng tôi nhiều lần trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Quang Quý – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Thương mại Lam Sơn nhưng ông Quý đều cáo bận và viện dẫn rằng doanh nghiệp đào ao “hộ”, đất đào lên không biết để đâu nên “phải” chở về công ty?. Câu hỏi đặt ra: Nếu chỉ tính đơn giản 50 – 60.000 đồng/m3 đất thì hằng trăm nghìn khối đất bán ra sẽ thu về một số tiền không nhỏ?.
Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: Phải chăng việc UBND xã Hà Vinh “núp bóng” dưới danh nghĩa đào ao làm kinh tế trang trại đẻ bán đất trái phép?
.
Bài & ảnh: Tuyết Trang- Anh Tú