Lấy quốc lộ 32 làm ranh giới thành lập hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 03/12/2013

Chiều 2/12, Huyện ủy Từ Liêm tổ chức họp báo thông tin chính thức về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập hai quận và 23 phường xin ý kiến nhân dân.
Chiều 2/12, Huyện ủy Từ Liêm tổ chức họp báo thông tin chính thức về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập hai quận và 23 phường xin ý kiến nhân dân. 

  Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nguyễn Văn Việt cho biết, tên hai quận mới dự kiến là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Ranh giới hai quận mới là đường quy hoạch chạy song song tuyến quốc lộ 32 về phía nam. 
   Theo Đề án, quận Bắc Từ Liêm có quy mô dân số 319.818 người, diện tích 4.335,34ha; gồm phần đất phía bắc của huyện Từ Liêm hiện tại, dự kiến bao gồm toàn bộ diện tích địa giới hành chính 9 xã. Trong đó, 5 phường giữ nguyên địa giới và tên xã cũ gồm: Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Minh Khai; 8 phường được hình thành trên cơ sở tách 4 xã cũ có tên mới là: Đông Ngạc 1, Đông Ngạc 2; Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2; Xuân Đỉnh 1, Xuân Đỉnh 2; Phú Diễn 1, Phú Diễn 2. 
   
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Từ Liêm hiện nay đã ngang tầm với cấp quận. Ảnh: Dân trí

  Quận Nam Từ Liêm có quy mô dân số 233.400 người, diện tích 3.227,36ha; gồm phần đất ở phía nam của huyện Từ Liêm hiện tại, dự kiến toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính của 7 xã. Trong đó, 4 phường giữ nguyên địa giới và tên cũ gồm: Trung Văn, Đại Mỗ, Tây Mỗ và Cầu Diễn; 6 phường mới được hình thành trên cơ sở chia tách từ 3 xã có tên mới là: Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2; Xuân Phương 1, Xuân Phương 2; riêng Mễ Trì tách thành phường Mễ Trì (gồm hai thôn Mễ Trì Thượng và Mễ Trì Hạ) và phường Phú Đô (hình thành từ thôn Phú Đô). 

  Trả lời về lý do lựa chọn phương án tên hai quận mới, ông Nguyễn Văn Việt cho biết, tên quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm là nhằm duy trì tên cũ có nguồn gốc lịch sử, theo ngữ nghĩa cổ thể hiện niềm tin, ước vọng, lẽ sống cao đẹp của con người. Tên huyện Từ Liêm cũng gắn liền với 52 năm xây dựng và trưởng thành của huyện hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng, chính quyền, các cơ quan hợp quản của quận Nam Từ Liêm sẽ là trụ sở các cơ quan huyện Từ Liêm hiện nay. Trụ sở làm việc của quận Bắc Từ Liêm sẽ được xây dựng mới trên đường Văn Tiến Dũng. Về việc điều động, luân chuyển cán bộ hiện nay của huyện Từ Liêm về hai quận sẽ căn cứ vào đơn vị bầu cử. 

  Theo Đề án của huyện Từ Liêm dự kiến trình thành phố, lộ trình đề xuất là việc chính thức thành lập quận mới, đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2014.
Theo Quốc Bình/HNM