Đồng Tháp: Sạt lở bờ sông đe dọa cuộc sống của hơn 1.300 hộ dân

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 08/08/2013

Vừa đầu mùa mứa lũ ở Đồng Tháp nhưng nước từ thượng nguồn đổ về mạnh làm cho tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn, đe dọa cuộc sống của hơn 1.300 hộ dân.
Hiện nay, mùa lũ ở Đồng Tháp đang bắt đầu, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh làm cho tình hình sạt lở bờ sông (nhất là dọc bờ sông Tiền) trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra ở 46 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị trong tỉnh đe dọa cuộc sống của hơn 1.300 hộ dân.   
   
  Sạt lở nghiêm trọng nhất là địa bàn của huyện Hồng Ngự do huyện này nằm ở khu vực đầu nguồn nên hàng năm nước từ thượng nguồn đổ về đã gây sạt lở đất ven sông. Sạt lở nhiều nhất là các xã Thường Phước 1, Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B và Long Khánh A, với hơn 850 hộ dân sống trong vùng sạt lở buộc phải di dời. 
   
(Ảnh minh họa: Thu Trang/TTXVN)
 
  Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, từ đầu năm đến nay huyện đã vận động di dời được hơn 350 hộ dân vào ở các cụm, tuyến dân cư, còn lại khoảng 500 hộ cần tiếp tục di dời. Ngoài số tiền hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ theo Quyết định 1046 của UBND tỉnh, các hộ đủ điều kiện còn được xem xét cho vay để cất nhà kiên cố. Tuy nhiên, việc di dời các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do người dân không muốn xa nơi ở cũ và họ cũng còn chủ quan trước nguy cơ sạt lở đất. Ở xã Thường Phước 1, hiện còn 17 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở nguy hiểm chưa chịu di dời mặc dù xã đã bố trí tái định cư trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Các hộ này cho rằng, việc vào cụm, tuyến dân cư chỉ giải quyết được vấn đề “an cư” nhưng sẽ bị thất nghiệp vì hầu hết các hộ đều làm nghề câu, lưới. Do đó, họ chưa chịu di dời, vẫn bám sống tại nơi sạt lở nguy hiểm. Tuy nhiên, mùa mưa lũ đã bắt đầu, tình trạng sạt lở tại một số xã tiếp tục xảy ra, huyện Hồng Ngự sẽ khẩn trương vận động các hộ dân nhanh chóng di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, trường hợp các hộ dân không chấp hành, huyện buộc phải cưỡng chế di dời. Song song với các giải pháp di dời hộ dân, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến công tác hạn chế sạt lở trên địa bàn như kiểm tra chặt chẽ việc khai thác cát tại các mỏ trên sông, giám sát chặt chẽ giờ khai thác cát của các đơn vị và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm qui định, nhằm hạn chế tình trạng sạt lở.   
   
  Những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tái định cư cho người dân sống trong vùng sạt lở. Đó là mô hình cụm, tuyến dân cư vượt lũ được xem là giải pháp hiệu quả nhất để bảo đảm an toàn cho người dân vùng lũ, do đa số hộ dân nằm trong các khu vực sạt lở không có đất đai hoặc không có khả năng di dời. Hàng nghìn hộ sống trong vùng sạt lở đã vào sống trong các cụm, tuyến dân cư, từng bước ổn định cuộc sống, an tâm lao động sản xuất. Mặt khác, tỉnh cũng rất chú trọng đầu tư lớn kinh phí để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông ở nhiều nơi như hệ thống kè chống sạt lở xã An Hiệp - huyện Châu Thành và phường 4 - thị xã Sa Đéc với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ bảo vệ cho hơn 8.000 hộ dân sinh sống trong khu vực. Tỉnh đang kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ kinh phí để tiếp tục thi công kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành (huyện Thanh Bình), xã Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò)...
   
Nguyễn Văn Thi