Hành vi chặt chém du khách có thể bị phạt 50 triệu đồng
Du lịch - Ngày đăng : 16:39, 13/06/2019
Ngày 21/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, nhằm nâng cao chất lượng ngành công nghiệp không khói, góp phần thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/8/2019.
Theo Nghị định, tùy theo tính chất, mức độ, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng có thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; thẻ hướng dẫn viên du lịch; các quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, điểm du lịch, khu du lịch, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 6 tháng …
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt trên còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau: Buộc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; buộc tháo dỡ biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch …
Nghị định cũng quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.
Thời gian qua, báo chí nhiều lần phản ánh tình trạng khách du lịch tại một số khu du lịch, tại các địa phương có thế mạnh về du lịch bị “chặt chém” không thương tiếc, gây bức xúc dư luận. Hi vọng khi Nghị định này có hiệu lực, tình trạng “chặt chém” du khách sẽ được tiết giảm.