Đất Mũi - điểm níu chân du khách nơi cực nam Tổ quốc

Du lịch - Ngày đăng : 20:46, 25/05/2019

(TN&MT) - Nếu muốn có cảm giác “rợn người” thì hãy “phượt” lên phố núi Sa Pa để ngắm “mây luồn”, hoặc “thả hồn” chơi vơi cùng những dãy núi tai bèo nhọn hoắt hiểm nguy giữa không trung đỉnh Mã Pí Lèng nơi cực Bắc Tổ quốc. Nếu muốn cảm giác yên bình thư thái hãy đến với Đất Mũi Cà mau - “cái rốn” của đất Việt, nơi đường biên cực Nam của Tổ quốc.
anh 1,
Du khách đến du lịch không quên chụp hình kỷ niệm trước Mũi Tàu

Xúc động trước Mũi Tàu

Chiếc xe khách của hãng xe Tuấn Hiệp sau 8 giờ hành trình với gần 400 km từ Vũng Tàu đưa chúng tôi đến bến xe Năm Căn (Cà Mau) lúc 3 giờ sáng. Bác tài xế bảo “đến Cà Mau mà không đến Đất Mũi, không ăn cá thòi lòi nướng coi như chưa biết gì về Cà Mau cả”. Rồi anh mở bài hát “Áo mới Cà Mau”. “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam….”. Bước chân từ trên xe xuống, tôi “say” luôn với ca từ ấy.

anh 2,
Cột mốc đường Hồ Chí Minh sừng sững trước biển Đất Mũi

Không để cảm giác đợi chờ, háo hức, tôi “phượt” đi Đất Mũi ngay trên chiếc xe 16 chỗ của người dân địa phương. Khác biệt với ồn ào, tấp nập, nóng nực của thành phố, trước mắt tôi là rừng đước, rừng tràm ngút ngàn với hệ thống kênh rạch chằng chịt và những ngôi nhà “cao cẳng” đề phòng tránh lũ của người dân Đất Mũi. Chặng đường từ Bến xe Năm Căn đến Đất Mũi 51 km, song xe phải chạy đến 1,5 giờ. Bởi muốn đến Đất Mũi chỉ có một con đường độc đạo duy nhất “luồn” giữa rừng đước ngút ngàn. Nếu gặp xe ô tô ngược chiều, phải “căn ke” mới có thể qua được.

anh 3,
Mốc tọa độ quốc gia

Mũi Cà Mau hiện ra trước mắt chúng tôi. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên con thuyền với dòng chữ “Mũi Cà Mau”. “Nắm đất cuối cùng của Tổ quốc đây ư? Cột mốc quốc gia và đường Hồ Chí Minh trên biển đây ư?”. Bao xúc động chen lẫn tự hào bỗng dưng ùa về trong tim tôi khó tả.

Chị Mã Thị Thủy - một khách du lịch đến từ miền Đông Nam bộ, đưa tay chạm vào Mũi Tàu xúc động bảo “vậy là đã thỏa mãn rồi. Cuối cùng mình cũng đến được mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc”, và không quên chụp tấm hình làm kỷ niệm.

anh 4,
Cột cờ Hà Nội giữa lòng Đất Mũi

Từ ghi nhận, Mũi Tàu là một tượng đài quan sát cao 21 m, với mô hình chiếc tàu có cờ đỏ sao vàng hiên ngang hướng ra biển. Trên bề mặt có dòng chữ nổi bật: Mũi Cà Mau 8º37’30” vĩ độ Bắc, 104º43” kinh độ Đông. Cạnh Mũi Tàu là đường kè chắn sóng được uốn theo mép biển nên du khách có thể ngắm mặt trời mọc trên Biển Đông và lặn ở phía biển Tây. Buổi trưa vào lúc gió và nắng mặt trời nhiều nhất, từ vọng hải đăng cao 21 mét, khách đến tham quan du lịch có thể phóng tầm mắt rộng khắp vùng biển bao la, rồi quay hướng nhìn về tượng đài có hình dáng con tàu với lá cờ Tổ quốc tung bay trong niềm tự hào kiêu hãnh.

anh 5,
Đường đến Đất Mũi

Cột  mốc đường Hồ Chí Minh và tọa độ quốc gia

Một trong ba địa điểm hấp dẫn luôn khiến du khách xúc động là “Cột mốc đường Hồ Chí Minh”. Đây chính là điểm cuối cùng trong hành trình đất nước của Tổ quốc. Cột mốc này năm xưa là bến đỗ của những người lính Đoàn tàu không số- nơi cất dấu và di chuyển vũ khí trang bị chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Đế quốc Mỹ xâm lược; nay là cột mốc quốc gia lịch sử, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ Cà Mau nói riêng và thanh niên Việt Nam nói chung.

Ngay trong khuôn viên tổng quan của Đất Mũi là mốc tọa độ quốc gia có ký  hiệu GPS 0001 (tức là cây số 0). Đây được coi là “cột mốc thiêng liêng” của người Cà Mau được xây dựng năm 1995 với hình dạng ngôi sao 6 cánh lớn trên nền đất. Ngôi sao 6 cánh ấy không chỉ biểu tượng của tình đoàn kết người Cà Mau mà còn là sự “kết nối” những tấm lòng, sự mời gọi và “níu chân” du khách hãy đến Đất Mũi Cà Mau để thăm đất và người nơi cực Nam của Tổ quốc

anh 6,
Mưu sinh trên biển Đất Mũi

Những món ăn miệt vườn miền biển

Đất Mũi là điểm du lịch nổi tiếng của Cà Mau, là xã cuối cùng của Tổ quốc với hệ thống kênh rạch dày đặc. Nơi đây được bao phủ bởi một màu xanh ngút ngàn của cây mắm, cây đước với hệ thống rừng có hệ sinh thái độc đáo, đa dạng. Hàng năm phần Đất Mũi này không ngừng bồi đắp do lưu lượng phù sa tích tụ, kiến tạo nên một khu vực hoang sơ mà hữu tình thu hút du khách dừng chân.

Thời tiết ở Đất Mũi chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ khoảng tháng 5 đến tháng 11 hằng năm. Mùa khô Cà Mau bắt đầu từ tháng 12 - tháng 4 năm sau. Khoảng thời gian này nắng nóng có thể lên tới 38 độ, không khí vừa khô hanh mà kênh nương, ruộng đồng cũng khô hạn và nứt nẻ.  

anh 7,
Du lịch nguyên sinh

Đến Đất Mũi chưa thưởng thức món cá thòi lòi nướng coi như “chưa sướng miệng”. Đó là loại cá mắt trố to sống dưới phù sa nước mặn được người dân “bẫy” về, kẹp cây nướng trên bếp củi. “Phượt” giữa rừng đước, ngồi trên xuồng ba lá vừa ngắm ong rừng, vừa thưởng thức món cá thòi lòi nước thơm nức mũi, chẳng du khách nào không ước mong quay trở lại Đất Mũi lần sau.

Một món ăn của người dân bản xứ cũng luôn “hút hồn” du khách, đó là Lẩu mắm U Minh. Đây là loại lẩu được người dân bản địa tự nấu, tự chế với công thức “pha trộn tổng hợp” nhuần nhuyễn giữa thịt heo ba rọi, xương hầm, lá sả, cá lóc, lươn, cá rô cùng bông súng, rau trai, tàu bay, rau mác...

Đất Mũi bây giờ đang là thời điểm mùa mưa. Mặc cho hệ thống kênh rạch chằng chịt ngập nước, song không vì điều đó mà “ngăn” hàng triệu bước chân của du khách khắp mọi miền đất nước. Đến Đất Mũi không chỉ đến với nắm đất cực Nam của Tổ quốc, mà còn đến với người dân miền biển thật thà, chất phác nghĩa tình.