Di sản Hạ Long - Cát Bà: Hướng tới du lịch xanh
Du lịch - Ngày đăng : 11:01, 09/04/2019
Tính đến năm 2018, tại Vịnh Hạ Long có khoảng 500 thuyền du lịch hoạt động bao gồm 320 thuyền ngày và hơn 160 thuyền đêm. Tại Quần đảo Cát Bà có khoảng 121 thuyền cung cấp dịch vụ bao gồm 59 thuyền đêm và 62 thuyền ngày.
Theo ông Jake Brunner, Quyền trưởng đại điện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) Việt Nam, tháng 7/2018, theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Ninh, IUCN tổ chức đoàn tư vấn đánh giá do hai chuyên gia quốc tế thực hiện nhằm hỗ trợ hoạt động quản lý du lịch bền vững và bảo vệ môi trường tại Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà. Kết quả cho thấy, những giá trị về địa chất của 2 khu vực trên hiện chưa bị đe dọa nhưng với số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng, cùng với công tác quản lý du lịch và chất thải chưa hiệu quả đã và đang tác động rất lớn đến những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Dựa trên những khuyến nghị của đoàn tư vấn đánh giá IUCN, tháng 2/1019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ động yêu cầu tất cả các cảng, bến phải cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý nước thải từ các tàu thuyền du lịch. Nếu các chủ cảng, bến không thể cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý nước thải phải ký hợp đồng với các tổ chức cá nhân có năng lực để cung cấp. UBND TP. Hạ Long cũng đồng ý giao Ban Quản lý các Dịch vụ Công ích cung cấp dịch vụ xử lý nước thải cho các tàu du lịch.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Thế Hoàng - Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Kỹ thuật môi trường Quảng Ninh cho biết, hiện nay, các tàu du lịch nhà hàng hoạt động trên Vịnh Hạ Long có hai nguồn nước thải phát sinh chưa được thu gom và xử lý là nước thải nhà vệ sinh (WC - bùn bể phốt) đựng tại các két chứa không và nước thải phát sinh trong quá trình sinh hoạt gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái của di sản thiên nhiên thế giới. Nguồn nước này hầu hết được xả thẳng xuống biển mang theo rác, túi ni lông, dầu mỡ, chai lọ...
Trong khi đó, hầu hết, các tàu du lịch khi đóng hoặc thiết kế để xử lý nguồn nước thải nhà vệ sinh (nước thải WC - bùn bể phốt) đều chỉ có két hai ngăn, một ngăn chứa bã chất thải sinh hoạt và một ngăn chứa nước tràn, sau đó, theo đường dẫn hoặc bơm đẩy đưa ra ngoài vịnh. Các tàu không có thiết kế cho két chứa nước thải sinh hoạt nên nước thải đều được xả thẳng xuống vịnh.
Mặt khác, để thu gom nguồn nước thải phát sinh trong quá trình sinh hoạt cần phải lắp đặt các két chứa nước thải từ 2m3 - 10m3 (tương ứng cho từng loại tàu). Tuy vậy, việc lắp đặt két chứa nước thải từ 2m3 - 10m3 trên các tàu du lịch cũng rất khó thực hiện được do không gian còn lại dưới các khoang tàu rất hạn chế; hơn nữa khi lắp thêm một vật có khối lượng, thể tích lớn như thế lên phương tiện thủy nội địa phải có ý kiến của cơ quan đăng kiểm mới được lắp đặt.
Theo TS. Nguyễn Thế Hoàng, qua các khảo sát thực tế, việc áp dụng công nghệ xử lý nước thải và thiết bị lắp đặt cho các tàu du lịch cần đảm bảo các yếu tố như: Thiết bị phải nhỏ gọn phù hợp với không gian của tau hiện có và không làm thay đổi thiết kế đảm bảo đối trọng; có ý kiến của cơ quan đăng kiểm, tuổi thọ của thiết bị tối thiểu 20 năm; thiết bị vận hành đơn giản, dễ sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng tiện lợi cho việc thu gom bùn thải sau xử lý.
Đồng thời, công nghệ xử lý hiệu suất xử lý cao trong thời gian ngắn. Sau khi xử lý, chất lượng nước thải phải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống xử lý nước thải trên tàu theo Thông tư 53/2018 TT-BGTVT ngày 28/10/2018, Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải sinh hoạt QCVN 14: 2008/BTNMT của Bộ TN&MT và các quy định về bảo vệ môi trường khác của tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng.
Ngoài ra, để tăng được công suất xử lý và thu gọn thiết bị xử lý có thể tận dụng lại các két chứa chất thải vệ sinh có sẵn trên tàu bằng cách cải tạo lại các van, nắp bể chứa chất thải, lưới ngăn rác cho các đường nước tràn để bùn bể phốt và rác không theo đường nước thải ra ngoài và đẩy nhanh quá trình phân hủy chất thải vệ sinh tạo điều kiện cho các vi sinh hoạt động.