Chợ nổi Cái Răng: Điểm đến độc đáo và hấp dẫn du khách
Du lịch - Ngày đăng : 17:31, 04/03/2019
Theo truyền thuyết, tên gọi “Cái Răng” xuất phát từ câu chuyện hồi đầu thời khẩn hoang có con cá sấu rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miệng đất này. Trong cuốn “Tự vị tiếng nói miền Nam”, tác giả Vương Hồng Sển cho biết: Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer là “karan”, có nghĩa là “cà ràng” (ông táo). Người Khmer ở Xà Tón (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ chợ Cái Răng ngày nay để bán, năm này qua năm nọ. Lâu dần, mọi người phát âm karan thành “Cái Răng”, rồi trở nên địa danh thiệt của chỗ này.
Chợ nổi Cái Răng cũng là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng. Hàng hóa tập trung ở đây với số lượng lớn. Mỗi mặt hàng đã được phân loại cho đồng đều về chất lượng, kích cỡ. Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi, sang tận Campuchia và Trung Quốc. Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của nhiều gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như “căn hộ di động” trên sông nước với những chậu hoa kiểng, các loài vật nuôi, các tiện nghi đầy đủ như ti vi màu, đầu dĩa, dàn âm thanh... có cả xe gắn máy đậu trên ghe.
Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Khách tham quan nên đi vào khoảng 6-7 giờ là tốt vì có thể tham quan đúng vào lúc chợ hoạt động đông đúc nhất.
Chợ không hoạt động và hoạt động rất ít vào các ngày Tết Âm lịch (mồng 1 và mồng 2 Tết), Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng Năm Âm lịch).
Do nhu cầu của người đi chợ nên không chỉ có các xuồng trái cây, nông sản phẩm mà còn có nhiều loại dịch vụ khác: phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi... Các xuồng dịch vụ (thường là thuyền nhỏ) len lõi phục vụ khách đi chợ và cả khách tham quan.
Thông thường, mỗi ghe hoặc xuồng sẽ chuyên về một số loại mặt hàng, và phía trước sẽ có một cây sào chống và treo mặt hàng đang bán lên. Điều này làm người mua rất dễ dàng nhận ra từ xa và thể hiện nét đặc biệt của riêng chợ nổi, không lẫn vào đâu được. Ví dụ như bán trái cây thì người ta sẽ treo loại trái cây đó lên, và những ghe thế này được gọi là ghe bẹo. Hàng hóa được tập trung về đây với số lượng rất lớn và được phân loại đồng đều về chất lượng, kích cỡ. Những xuồng ghe nhỏ và trung bình là của người dân địa phương và các vùng lân cận đến mua bán. Còn những ghe lớn là của các thương lái thu mua và chở hàng hóa, trái cây đi sang tận Campuchia và Trung Quốc để tiêu thụ. Ngoài hàng hóa, chợ còn bán cà phê, nước uống, đồ ăn sáng… cho đến cả các quán nhậu trên sông. Cả những dịch vụ như sửa cân, bán xăng dầu, mỹ phẩm, thuốc tây… cũng đều có, y như một khu chợ trên bờ thực thụ.
Với những giá trị đặc sắc về văn hóa và kinh tế của chợ nổi Cái Răng, Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) đã bình chọn Chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, mô tả là điểm đặc biệt lạ mắt với các thuyền bán hàng “rực rỡ sắc màu nhiệt đới”. Trang web youramazingplaces cũng đưa ra danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á, trong đó có đề cập đến chợ nổi của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mà chợ nổi Cái Răng là một điển hình. Tạp chí Lonely Planet Traveller đã ca ngợi: “ĐBSCL là nơi trải nghiệm cuộc sống sông nước - Với chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Cái Răng, nơi ghe thuyền tấp nập mua bán, với ký hiệu từ cây sào treo mặt hang cần bán, với các con thuyền chuyên chở cả nhà hàng ẩm thực xuôi ngược, với âm thanh nhộn nhịp hòa lẫn giọng ca vọng cổ não nùng…”. Chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2016.
Chợ nổi Cái Răng không chỉ tạo điều kiện sinh sống cho người dân mà còn góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của Nam Bộ. Sức hút của chợ nổi Cái Răng đối với du khách chính là giữ gìn và phát huy được nét đặc trưng vùng sông nước sự đa dạng hàng hóa nơi đây. Du khách có thể cảm nhận được sự khác biệt của cuộc sống nơi đây, cảm thấy tâm hồn mình rộng mở và khoáng đạt hơn,thấy được sự chân thành, giản dị và hiếu khách hiếm có của những con người vùng sông nước miền Tây Nam bộ.
Dưới đây là một số hình ảnh khám phá đầy thú vị ở Chợ nổi Cái Răng: