Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu

Du lịch - Ngày đăng : 09:37, 01/02/2019

(TN&MT) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 128/QĐ-TTg ngày 25/1/2019, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030.
Du lịch đồi chè Mộc Châu
Du lịch đồi chè Mộc Châu

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng Khu Du lịch quốc gia (KDLQG) Mộc Châu trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, có tổng diện tích tự nhiên 206.150 ha.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng trung tâm du lịch trọng điểm gồm ba khu: Trung tâm Nghỉ dưỡng Mộc Châu; Trung tâm Du lịch sinh thái Mộc Châu; Trung tâm Vui chơi giải trí Mộc Châu.

Trong đó, Trung tâm Du lịch sinh thái Mộc Châu thuộc thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu. Diện tích tự nhiên khoảng 442 ha, phát triển các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, văn hóa, dịch vụ lưu trú… Mật độ xây dựng thấp và trung bình; bảo vệ đồi chè, tôn trọng địa hình cảnh quan tự nhiên.

Trung tâm Vui chơi giải trí Mộc Châu thuộc xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu và xã Vân Hồ, Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ. Diện tích tự nhiên khoảng 460 ha, phát triển các loại hình sản phẩm du lịch như vui chơi giải trí đa dạng, nghỉ dưỡng, dịch vụ lưu trú, homestay, khai thác các yếu tố địa hình đồi núi tự nhiên tạo sự đa dạng cảnh quan; cải tạo phát triển các khu dân cư dịch vụ dọc theo tuyến quốc lộ 43. Mật độ xây dựng thấp; bảo vệ, tôn tạo địa hình cảnh quan thiên nhiên.

Trung tâm Nghỉ dưỡng Mộc Châu thuộc xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ và xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu. Diện tích tự nhiên khoảng 600 ha, phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nghỉ dưỡng núi, các khu phục vụ nghỉ dưỡng. Mật độ xây dựng thấp (nhà vườn), khai thác tối đa địa hình tự nhiên để tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan.

Khu dân cư lân cận thuộc xã Phiêng Luông, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, diện tích tự nhiên khoảng 500 ha. Cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu; các khu vực còn lại phát triển các khu chức năng phục vụ du lịch.

Thác Dải Yếm Mộc Châu
Thác Dải Yếm Mộc Châu

Gắn với phát triển du lịch, sẽ phát triển 5 đô thị gồm: Đô thị Mộc Châu gồm thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường Mộc Châu; đô thị Vân Hồ là đô thị huyện lỵ của huyện Vân Hồ; đô thị Lóng Sập là đô thị cửa khẩu; đô thị Tô Múa hỗ trợ cho sự phát triển dân cư nông thôn, nông lâm thủy sản vùng dọc sông Đà; đô thị Chiềng Sơn hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội và dân cư của tiểu vùng biên gắn với du lịch sinh thái rừng đặc dụng Xuân Nha.

Phát triển không gian 8 khu du lịch gồm: Khu du lịch Rừng thông Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, quy mô khoảng 62ha; Khu du lịch thác Dải Yếm, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, quy mô 50ha; Khu trung tâm thương mại cửa khẩu Lóng Sập, xã Lóng Sâp, huyện Mộc Châu, quy mô 10ha; Khu du lịch Ngũ động bản Ôn, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, quy mô 160ha; Khu du lịch cộng đồng Chiềng Yên, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, quy mô khoảng 20ha; Khu du lịch sinh thái rừng đặc dụng Xuân Nha, xã Chiềng Xuân, Tân Xuân, Xuân Nha huyện Vân Hồ và xã Chiềng Sơn huyện Mộc Châu…

Về nông, lâm nghiệp, phát triển các loại cây công nghiệp như chè, dâu tằm. Phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp thúc đẩy phát triển du lịch như trang trại rau, hoa, quả, dược liệu. Quy hoạch và quản lý bảo vệ các khu rừng đặc dụng, rừng sinh thái, rừng bảo tồn thiên nhiên kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tham quan, trải nghiệm. Cùng với đó, phát triển cụm công nghiệp Bó Bun và các điểm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu. Phát huy các ngành nghề thủ công truyền thống kết hợp hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề.

Về định hướng cấp nước, tại đô thị Mộc Châu, Vân Hồ và Trung tâm du lịch trọng điểm được cấp từ Nhà máy nước Mộc Châu 1, Mộc Châu 2, Mộc Châu 3; khai thác nguồn nước ngầm và dự phòng khai thác nguồn nước mặt hồ Sao Đỏ. Xây mới nhà máy nước ngầm tại đô thị Vân Hồ, công suất 2.500m3/ngày. Tại đô thị Lóng Sập, Chiềng Sơn, Tô Múa, xây dựng hệ thống cấp nước tập trung quy mô từ 800-2.500m3/ngày; các xã lân cận có thể sử dụng hệ thống cấp nước tập trung của đô thị.

Du lịch Rừng thông Bản Áng hấp dẫn du khách
Du lịch Rừng thông Bản Áng hấp dẫn du khách

Về hệ thống thoát nước thải, xây dựng các trạm xử lý nước thải cho đô thị Mộc Châu, tổng công suất 15.000m3/ngày đêm; trạm xử lý nước thải cho đô thị Vân Hồ 6.000m3/ngày đêm. Xây dựng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn cho đô thị Lóng Sập, Chiềng Sơn và Tô Múa. Nước thải được tập trung và đưa về các khu trạm xử lý hoặc tận dụng khai thác các ao hồ sẵn có để làm sạch sinh học, đảm bảo quy định về môi trường.

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng khu xử lý chất thải rắn có công nghệ tiên tiến, hiện đại tại Mộc Châu, Vân Hồ. Xây dựng mới 2 nghĩa trang trên địa bàn 2 huyện.

Để bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng KDLQG Mộc Châu, sẽ phát triển mô hình kiến trúc xanh thân thiện, duy trì, mở rộng và bảo vệ diện tích mặt nước cây xanh tại khu vực nông thôn và một số khu trung tâm đô thị. Khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện môi trường trong các lĩnh vực sản xuất và sinh hoạt. Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn nước, đảm bảo các quy định về môi trường. Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát định kỳ về môi trường tại các cụm công nghiệp, khu khai thác khoáng sản, khu vực làng nghề, và các khu vực khác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Quy hoạch chung xây dựng KDLQG Mộc Châu nhằm cụ thể hóa Quyết định 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Xây dựng và phát triển KDLQG Mộc Châu thành một trong những động lực phát triển du lịch vùng trung du miền núi Bắc Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời, phát huy các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân tộc, bản sắc địa phương đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển của vùng trung du miền núi Bắc Bộ cũng như cả nước.

Dự kiến, đến năm 2020, dân số trên địa bàn KDLQG Mộc Châu đạt khoảng 205.000 người; đến năm 2030 đạt khoảng 274.500 người. Khách du lịch đến năm 2020 đạt hơn 1,6 triệu lượt khách; đến năm 2030 đạt khoảng 5 triệu lượt khách. Quy mô cơ sở lưu trú, đến năm 2020 có nhu cầu khoảng 6.200 phòng; đến năm 2030 có nhu cầu khoảng 20.000 phòng.