Quảng Nam: Phát triển bền vững Cù Lao Chàm, cần có quy hoạch tổng thể về du lịch

Du lịch - Ngày đăng : 23:00, 25/10/2018

(TN&MT) -  Sau gần 10 năm, kể từ khi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm (Hội An) đã duy trì được sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cộng đồng. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, các mối đe dọa đối với môi trường, cảnh quan, các hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học và phát triển sinh kế cho người dân.  

Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An nằm ở vị trí hạ lưu sông Thu Bồn, qua vùng cửa sông, tiếp giáp vùng bờ liên kết ra đến đảo Cù Lao Chàm. Đây là khu vực rất nhạy cảm về sự tương tác và là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hiện tượng tự nhiên và biến đổi khí hậu toàn cầu. Biểu hiện rõ nhất và gây ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố Hội An kể từ năm 2013 đến nay là tình trạng xói lở nghiêm trọng bờ biển Cửa Đại.
 

Rừng dừa nước hạ lưu sông Thu Bồn (thuộc vùng đệm) của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Rừng dừa nước hạ lưu sông Thu Bồn (thuộc vùng đệm) của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Tại một cuộc Hội thảo được tổ chức gần đâyvề Bảo tồn và phát triển bền vững Cù Lao Chàm tại Hội An, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đưa ra những thách thức mà Cù Lao Chàm đang phải đối diện đó là việc: khai thác thủy hải sản trái phép; hoạt động trái luồng, tuyến của các phương tiện; công trình xây dựng trên đảo gây tác động đến môi trường; ô nhiễm từ đất liền; chưa mở rộng được vùng bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển; chồng chéo chức năng trong quản lý rừng đặc dụng.

Hiện, 3 trung tâm phát triển du lịch lớn trong phạm vi Khu sinh quyển bao gồm Phố cổ Hội An (thuộc vùng chuyển tiếp), Rừng dừa nước hạ lưu sông Thu Bồn (thuộc vùng đệm) và quần đảo Cù Lao Chàm (thuộc vùng lõi) đều đang có xu hướng gia tăng số lượng du khách hằng năm.

Trong bối cảnh khu sinh quyển chưa có được giải pháp hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu của du khách, thì sự gia tăng này chính là nguy cơ tác động rất lớn, đặc biệt là các khu vực có các hệ sinh thái nhạy cảm với tác động của con người như rạn san hô, rừng dừa nước, các thảm cỏ biển, các bãi biển.

ThS. Lê Ngọc Thảo, Ban Thư ký, Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An cho rằng: “Hầu hết diện tích các hệ thống cồn bãi tự nhiên trên các dòng sông, các khu vực đất ngập nước, hay các bãi biển thuộc Khu dự trữ sinh quyển đã được đồng ý chủ trương, một số đã được cấp phép cho các dự án để đầu tư xây dựng các hoạt động dịch vụ. Đây là các khu vực được xác định là nơi phân bố chủ yếu của các hệ sinh thái tự nhiên, duy trì tính đa dạng sinh học. Việc đầu tư này chắc chắn sẽ làm mất đi tính hoang sơ và sự liên kết sinh thái, những giá trị cực kỳ quan trọng mà UNESCO đã căn cứ để công nhận danh hiệu Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An - nơi hài hòa giữa con người với thiên nhiên”.
 

Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới ngày 26/5/2009-26/5/2019.
Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới ngày 26/5/2009-26/5/2019.

Ông Trần Lê Trà một chuyên gia của tổ chức Hợp tác quốc tế Du lịch sinh thái Đức (GIZ) tại Việt Nam đã đề xuất: “Phải quy hoạch lại du lịch Cù Lao Chàm, lựa chọn khách có khả năng chi trả cao và có trách nhiệm với thiên nhiên, thực sự mong muốn có nhu cầu đi du lịch sinh thái, chứ không phải là khách đại trà như hiện nay”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, thời gian qua dù đạt nhiều kết quả, nhưng nhìn chung công tác bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dung hòa với du lịch, nên phải tìm giải pháp phù hợp. Đồng thời, cần dự báo được sự phát triển trong tương lai không chỉ của Cù Lao Chàm mà còn trong mối quan hệ của hệ sinh thái biển từ Sơn Trà (Đà Nẵng) đến Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Ông Lê Trí Thanh cũng cho rằng, cần phải tính toán đến tốc độ xây dựng, đô thị hóa, tốc độ tăng dân cư, kể cả tính toán đến sự suy giảm tài nguyên trên đảo. Bên cạnh tính chất định chế, nhà nước quy định và các tổ chức, cá nhân phải thực hiện, thì cũng phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của Cù Lao Chàm.

Trong đó, sự cam kết tự nguyện của cộng đồng sống trên đảo Cù Lao Chàm và những người làm du lịch là quan trọng, để khai thác hợp lý để cùng nhau hưởng lợi. Tuy nhiên, để thực hiện điều đó thì trước tiên phải có quy hoạch tổng thể du lịch Cù Lao Chàm, để làm cơ sở quản lý trong việc bảo tồn, khai thác và phát triển đảo.