Thừa Thiên Huế: Sản phẩm du lịch còn phân tán, chưa xứng với tiềm năng
Du lịch - Ngày đăng : 22:14, 08/05/2018
(TN&MT) - Huế được biết đến là thành phố văn hóa, du lịch không chỉ ở khu vực miền Trung mà còn của cả nước. Thế nhưng bao lâu nay, dù có nhiều tiềm năng, lợi...
(TN&MT) - Huế được biết đến là thành phố văn hóa, du lịch không chỉ ở khu vực miền Trung mà còn của cả nước. Thế nhưng bao lâu nay, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và được đầu tư nhiều nhưng ngành du lịch vẫn không mấy khởi sắc, ngược lại rất chậm chạp...
Tại hội nghị “Phát triển sản phẩm du lịch Thừa Thiên Huế” được tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế vừa qua; các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện các hãnh lữ hành ở nhiều tỉnh, thành phố đã chỉ ra rằng, dù du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn song sản phẩm du lịch ở Huế vẫn còn thiếu, có sự phân tán, chưa tương xứng...
Chưa tương xứng
Trong những năm vừa qua, lượng khách trong nước và quốc tế đến với Huế tăng theo hàng năm với khoảng 3 - 4 triệu khách/năm, lượng khách tăng trung bình 12%/năm. Riêng năm 2017, doanh thu du lịch đạt hơn 3.500 tỷ đồng. Trong dịp Festival Huế 2018 vừa diễn ra xong, ước tính tổng lượng khách tham gia Festival là gần 1,2 triệu lượt người. Và tính khoảng trong 5 tháng đầu năm 2018, Huế đón khoảng 2 triệu lượt khách.
Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã thừa nhận du lịch Huế trong nhiều năm qua còn chậm phát triển. Có nhiều nguyên nhân khiến du lịch Huế “mắc bệnh” như hiện tại. Có thể kể đến như sản phẩm du lịch về đêm và các dịch vụ vui chơi giải trí trên địa bàn vẫn còn thiếu và yếu, chưa thu hút, hấp dẫn được du khách. Thiếu các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao tầm quốc gia và quốc tế diễn ra tại địa phương diễn ra đều trong quý, tháng. Sự hạn chế của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh trong việc khai thác, kết nối khách du lịch từ các thị trường quốc tế. Hạ tầng du lịch vẫn còn hạn chế nhất định, nhất là việc khai thác các đường bay quốc tế đến Huế...
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đang hình thành nên một số sản phẩm du lịch mới, nhất là những sản phẩm du lịch về đêm. Mới nhất và đang được nhiều người dân cũng như du khách quan tâm là hệ thống chiếu sáng Kỳ Đài hàng đêm, tái hiện cảnh khai hỏa súng thần công định kỳ 2 lần/tuần và vào các ngày lễ lớn của đất nước.
“Đặc biệt là chương trình “Văn kiến kinh kỳ”, phiên bản nâng cấp của hoạt động mở cửa Đại nội về đêm, sau khi thực hiện trong dịp Festival Huế 2018 sẽ được triển khai thường xuyên tại Đại Nội với quy mô, hình thức và dịch vụ được chọn lọc cho phù hợp hơn. Hay cầu đi bộ trên sông Hương đang được triển khai dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III-2018. Hay không gian văn hóa nghệ thuật trên đường Lê Lợi gồm các hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày văn hóa nghệ thuật...”- ông Phúc cho biết.
Ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin thêm rằng, nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong việc thắp sáng Đại Nội về đêm nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch cho Huế cũng như níu kéo du khách ở lại Huế nhiều hơn. Song Trung tâm cũng mong muốn có sự phối hợp giữa TP. Huế, Sở Du lịch, bởi chương trình Đại Nội về đêm vẫn chỉ đơn thuần do đơn vị thực hiện và còn thiếu sự phối hợp với các bên liên quan...
Sản phẩm du lịch phải có “điểm nhấn”
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thời gian qua Huế đã tập trung vào công tác bảo tồn di sản và tài nguyên du lịch, tuy nhiên hệ thống sản phẩm du lịch ở địa phương này vẫn còn hạn chế. Du lịch Huế dù ổn định nhưng chưa đổi mới, sản phẩm có sự phân tán, tốc độ tăng trưởng của du lịch Huế chậm hơn so với các địa phương du lịch khác trong nước...
“Thừa Thiên Huế cần tập trung vào định hướng phát triển sản phẩm, trong đó cần làm mới các sản phẩm đã có gắn với các di sản, văn hóa nghệ thuật và xây dựng các sản phẩm mới gắn với Bạch Mã, Lăng Cô và mua sắm. Huế là điểm đến về di sản văn hóa, khác với các địa phương khác nên việc kết nối lực lượng hướng dẫn viên là rất quan trọng. Đồng thời, ngành du lịch cũng cần quan tâm kết nối với các điểm đến du lịch trong khu vực như: Mỹ Sơn, Hội An (Quảng Nam) - Đà Nẵng - Quảng Trị - Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình)... để kéo khách ở các điểm du lịch này đến với Huế”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đại diện một hãng lữ hành cho rằng, Huế cần xây dựng một khu vực trưng bày sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng và ẩm thực thường xuyên, để du khách trải nghiệm và mua sắm. Chỉ cần một du khách đưa về một sản phẩm lưu niệm, thì vài triệu du khách mỗi năm cũng đưa về không ít sản phẩm lưu niệm của Huế, vô tình họ cũng sẽ làm marketting giúp cho du lịch Cố đô.
Tại một hội nghị gần đây, ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL chia sẻ, hiếm có địa phương nào vừa có du lịch văn hóa và tài nguyên du lịch biển như Huế. Do đó, ngành du lịch cần hướng đến một thành phố phát triển đậm nét về du lịch văn hóa kết hợp với du lịch biển, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, cần phát triển hai bờ sông Hương trở thành điểm nhấn du lịch lãng mạn nhất của cả nước và vươn tầm khu vực và thế giới...
“Huế cái gì cũng có, nhưng không có nhiều; đây là hạn chế khi xây dựng sản phẩm du lịch cho Huế. Không phải cái gì có cũng bắt tay làm, mà phải biết cái gì cũng đáp ứng được nhu cầu thị trường mới xây dựng được sản phẩm. Thế nên, lãnh đạo tỉnh phải định vị được sản phẩm du lịch chiến lược của Huế trong dài hạn”- Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh.