Đánh thức Bạch Mã

Du lịch - Ngày đăng : 02:10, 16/02/2018

(TN&MT) - Từng là 1 trong 7 khu nghỉ dưỡng trên cao ở Đông Dương, cạnh tranh với Bà Nà, Vườn Quốc Gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) là điểm danh thắng du lịch nổi...
(TN&MT) - Từng là 1 trong 7 khu nghỉ dưỡng trên cao ở Đông Dương, cạnh tranh với Bà Nà, Vườn Quốc Gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) là điểm danh thắng du lịch nổi tiếng ở khu vực miền Trung. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã cho xây dựng và trình phương án quy hoạch Bạch Mã, đồng ý đề xuất xây cáp treo để phát triển du lịch ở địa danh này.

Vẻ đẹp hoang sơ

Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp mong muốn xây dựng khu nghỉ dưỡng cho sĩ quan và giới thượng lưu ở Huế. Lúc này, tại Đà Nẵng đã có khu làng Pháp ở Bà Nà nhưng phương tiện giao thông khó khăn, phải vượt qua ba đèo Phước Tượng, Phú Gia và Hải Vân, khiến những chuyến nghỉ dưỡng trở nên xa xỉ.

Tháng 3/1933, ông Raoul Desmarest, kỹ sư công chánh phân khu Thừa Thiên, sau nhiều ngày đi bộ xuyên rừng đã tìm ra Bạch Mã - một đỉnh núi ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình khoảng 20oC là địa điểm lý tưởng xây dựng khu nghỉ mát trên cao.
 
TNMT Đánh thức Bạch Mã

Một năm sau, Raoul Desmarest được Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil ủy thác thực hiện khảo sát đầu tiên nhằm quy hoạch vùng đỉnh núi Bạch Mã. Hai người này đề xuất ý tưởng xây dựng Bạch Mã thành khu nghỉ mát như Sa Pa, Tam Đảo hay Đà Lạt...

Đến tháng 2/1936, khoảng 300 ha rừng được quy hoạch xây khu nghỉ dưỡng. Hơn 500 công nhân được huy động làm con đường dẫn từ Cái Quan (quốc lộ) lên đỉnh Bạch Mã, khởi đầu cho việc xây dựng những khu biệt thự mang kiến trúc Pháp. Tuyến đường này cùng lúc được sử dụng cho khách bộ hành, phu kiệu đưa giới thượng lưu lên núi.

Năm 1942, 139 căn biệt thự ở lưng chừng núi được hoàn thành. Điểm cao nhất đỉnh núi, người Pháp xây dựng Vọng Hải Đài để ngắm cảnh về cả phía Huế và Đà Nẵng. Chủ nhân những căn biệt thự khi đó là người Pháp, người Việt giàu có, quan lại hoặc gia đình hoàng tộc triều Nguyễn.

Vườn Quốc gia Bạch Mã được thành lập ngày 15/7/1991, đến ngày 2/1/2008, Vườn được điều chính mở rộng tăng thêm 15.456ha, với tổng diện tích 37.487ha nằm trên địa bàn 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Đến nay, Vườn vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh bát ngát.

Cho đến nay, Bạch Mã có tới 64 loài nguy cấp ở phạm vi Việt Nam, chiếm 3,88% số loài của Vườn được đưa vào trong Sách đỏ - phần thực vật. Vườn cũng đã bổ sung 23 loài nguy cấp ở phạm vi toàn cầu, chiếm 1,4% tổng số loài của Vườn có tên trong Danh mục thực vật bị đe dọa của IUCN. Có 23 loài được bảo vệ theo pháp luật của Việt Nam.

Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy, hệ động vật Bạch Mã có 4 loài là đặc hữu hẹp của Bạch Mã, 22 loài là đặc hữu của Việt Nam, 88 loài quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam. Chỉ tính riêng về lớp thu, Bạch Mã đã có tới 46 loài quý hiếm, 17 loài có tên trong Sách đỏ thế giới…

Ở Bạch Mã có 3 điểm danh thắng nổi tiếng là Vọng Hải Đài nằm ở độ cao 1.430 m phía trên đỉnh của Bạch Mã. Tại đây, du khách không vừa khám phá vẻ đẹp hùng vỹ của dãy núi, vừa tận hưởng những cảm giác lạ lùng. Đó là một khoảnh khắc để thả hồn trong những làn gió mật ngọt lành và cảm nhận được hơi thở của núi Bạch Mã.

Tiếp đó, là Thác Đỗ Quyên quyến rũ được ví như nàng công chúa ngủ quên trong rừng. Làm mê mẩn bất cứ du khách nào đặt chân tới đây. Với độ cao khoảng 300m chảy dọc theo sườn núi đá, nước tung bọt trắng xóa, nổi bật giữa hàng ngàn cây xanh như bức tranh tuyệt mỹ.

Cuối cùng là thác Ngũ Hồ, đúng như tên gọi vốn có, Ngũ Hồ có 5 hồ gần nhau với những hình dạng khác nhau. Đây thật sự là điểm đến lý tưởng cho du khách đặc biệt là những người yêu thích cuộc phiêu lưu và cảm giác “Yomost”.

Nếu đi từ Đà Nẵng, sau khi vượt qua 3 đèo Hải Vân, Phước Tượng và Gia Phú, đi qua bãi biển Lăng Cô nổi tiếng là du khách đã đến với Bạch Mã. Trong khi đó, nếu xuất phát từ thành phố Huế, chiều dài quãng đường chỉ chừng 40km.

 Con đường từ quốc lộ 1A dẫn vào Vườn Quốc gia Bạch Mã được bao phủ bởi rừng cây xanh mát dọc suốt 2 lối đi. Không khí trở nên trong lành, mát và dịu khác hẳn với thời tiết khi đi trên quốc lộ lớn.

Từ chân núi lên đỉnh Bạch Mã có chiều dài 16km. Đoạn đường dù không quá dài nhưng khi trải nghiệm cảm giác này sẽ mang đến cho du khách những cảm xúc khó tả. Cung đường gần như dốc đứng, quanh co theo sườn núi. Từ cung đường bên này, du khách có thể nhìn sang dãy núi bên kia thấy con đường nằm vắt vẻo tựa như con trăn khổng lồ. Trong khi đó, nhìn xuống bên dưới là dòng nước uốn lượn quanh những ngọn núi. Mây thấp thoáng che phủ khiến du khách phải không ngớt trầm trồ thán phục khi tất cả đều được thu gọn vào trong tầm mắt. Thông thường quãng đường 16km sẽ mất từ 45 phút đến 1 tiếng di chuyển để lên đến đỉnh Bạch Mã.
TNMT 1 Đánh thức Bạch Mã
Một trong 139 biệt thự cũ ở lưng chừng núi Bạch Mã đã được xây dựng gần 76 năm
Đánh thức tiềm năng

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều chủ trương về quy hoạch xây dựng du lịch chung trên địa bàn, trong đó, có quy hoạch Vườn và xây dựng cáp treo lên đỉnh Bạch Mã.

Mới đây nhất, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương với một số đề xuất của tỉnh. Đối với dự án xây dựng cáp treo lên đỉnh Bạch Mã, Thủ tướng Nguyễn yêu cầu, tỉnh cần phối hợp với các Bộ đánh giá tác động môi trường, tổ chức hội thảo và lập báo cáo rất cẩn trọng trên cơ sở khoa học để trình Chính phủ quyết định sau. Đồng thời, Thủ tướng đồng ý chủ trương cho xây dựng và trình phương án quy hoạch Bạch Mã.

Trong chuyến đi thực tế tại Bạch Mã và trao đổi với TS. Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã, chúng tôi được biết, quy hoạch du lịch Vườn Quốc gia Bạch Mã đã có từ lâu. Nhiều năm trước, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhiều lần kêu gọi, xúc tiến đầu tư và có đã rất nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, đầu tư, mục tiêu cùng phát triển, theo dạng bền vững, trong vườn quốc gia. Việc xây dựng đồ án mới chỉ quy hoạch, khi nào duyệt quy hoạch mới kêu gọi đầu tư, các nhà đầu tư mới vào chọn đầu tư từng hợp phần. 

Về ý kiến lo ngại việc xây dựng sẽ ảnh hưởng tới hồ sơ công nhận Vườn, TS. Kéo cho rằng, đã nghe một vài nhà khoa học có nói ảnh hưởng đến hồ sơ Vườn di sản. Song, mục đích trở thành Vườn di sản là để thành thương hiệu thu hút du khách Việt Nam và thế giới. Trên thế giới cũng có nhiều Vườn cũng thực hiện việc này để tạo nguồn tài chính cho bảo tồn. “Về sau này, Vườn được đồng ý quy hoạch và xây dựng, phải làm tốt khâu giám sát thực hiện, Khu Bán đảo Sơn Trà là bài học. Cần thắt chặt vấn đề thi công, còn các vấn đề khác bắt buộc phải làm” - TS. Kéo nói.

“Vấn đề cần làm là phải xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thật tốt và giám sát xây dựng hiệu quả tránh như trường hợp ở Sơn Trà, Formosa. Tôi nghĩ, giờ xây dựng ĐTM đã rất chặt nhưng giám sát còn nhiều kẽ hở, chẳng hạn Vườn có xây 2 trạm gác phải chi gần 200 triệu đồng để xây dựng ĐTM, nhưng đến khi xây dựng, không có cơ quan nào giám sát, kiểm tra” - TS Kéo nói.

TS. Huỳnh Văn Kéo cũng lưu ý, việc thực hiện Đồ án Quy hoạch du lịch cần phải chọn được người có tâm, có kinh nghiệm làm du lịch, quản lý tốt. Nếu là người không có tâm họ bóc lột tự nhiên để thu tiền, điều đó, dư luận lên án, chúng tôi làm công tác bảo tồn sẽ phản đối ngay.

Theo ông Trương Cảm, Kiểm lâm của Vườn (người từng làm lâm tặc ở chính khu vườn này sau được cảm hóa trở thành người bảo vệ rừng), việc quy hoạch xây dựng cáp treo sẽ giúp việc đi từ chân núi tới các điểm danh thắng nhanh hơn. Song, điều này cũng làm du khách thiếu đi mất nhiều cảm xúc khi đi trên con đường độc đạo, chứng kiến và có thể dừng lại quan sát con đường nằm vắt vẻo tựa như con trăn khổng lồ, nhiều loài cây độc đáo. Trong khi đó, nhìn xuống bên dưới là dòng nước uốn lượn quanh những ngọn núi…