Phát triển du lịch bền vững về môi trường

Du lịch - Ngày đăng : 17:42, 16/07/2019

(TN&MT) – Mặc dù lượng khách quốc tế đã tăng mạnh trong 3 năm qua, song Việt Nam vẫn cần giải quyết một số thách thức tồn đọng để không cản trở sự phát triển đầy tiềm năng của ngành du lịch; trong đó, chú trọng vấn đề ô nhiễm và suy thoái của môi trường.

Phát triển quá mức

Nhiều người quan ngại rằng, Việt Nam đang phát triển quá mức theo hướng làm giảm giá trị các tài nguyên du lịch. Hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng du lịch là cần thiết, song phải cân bằng với bảo vệ môi trường và tăng cường các tiềm năng kinh tế từ môi trường xung quanh. Thế nhưng, ở nước ta định hướng phát triển cân bằng như vậy chưa được hiện thực hóa.

gìn giữ môi trường hạ long
Vấn đề gìn giữ môi trường tự nhiên tại Vịnh Hạ Long ngày càng trở nên cấp thiết. Ảnh minh họa

Theo Nhóm công tác Du lịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019, xu hướng phát triển vùng ven biển của Việt Nam khiến nhiều diện tích đất ven biển có giá trị về mặt môi trường có thể trở thành đối tượng giao cho các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn. Các dự án này khó có thể đảm bảo phát triển bền vững và khiến nước ta trở thành điểm đến của du lịch đại chúng nhằm phục vụ các ngành kinh tế quan trọng khác.

Trong thập kỷ vừa qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp du thuyền quốc tế đưa Việt Nam vào bản đồ điểm đến trong các gói du lịch của họ. Phân khúc du lịch bằng tàu biển đã tăng trưởng 2 con số trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, hệ thống các quy định, bến dừng đỗ, nguồn nhân lực và hạ tầng cho du lịch tàu biển phải được phát triển đồng bộ để giảm ô nhiễm môi trường và tình trạng quá tải khách du lịch tại các cảng rời và điểm đến du lịch nổi tiếng.

Ô nhiễm và suy thoái

Với sức hút vốn có, hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo của nước ta có thể đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng sau khi đã được đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian gần đây. Mặc dù vậy, việc quản lý thiếu hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và các điểm đến du lịch cũng như hạn chế về du lịch bền vững có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và làm giảm tốc độ tăng trưởng du lịch trong những năm tiếp theo.

Nhóm công tác Du lịch cho rằng, sử dụng đồ nhựa lãng phí, quá sức tải của môi trường là một trong những vấn đề nghiêm trọng; trong đó du khách và ngành du lịch là nguyên nhân lớn gây ra chất thải nhựa. Cùng với đó, ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng bởi chất thải nhựa tràn lan tại các bãi biển và trong môi trường tự nhiên.

Nhóm Công tác Du lịch cũng chỉ ra một vấn đề khác là chất lượng nước. Các phương án xử lý, quản lý và tái chế nước thải không được áp dụng toàn diện, gây ô nhiễm nguồn nước cũng như các bãi biển. Ngoài tác động về môi trường, việc xả thải ra môi trường biển các hóa chất độc hại qua nhiều vụ việc gần đây không chỉ ảnh hưởng đến ngành đánh bắt hải sản mà còn hạ uy tín của Việt Nam trên bản đồ các điểm đến du lịch.

làm sạch biển
Du lịch bền vững cần giữ gìn các bãi biển sạch sẽ. Ảnh minh họa

“Trong 6-8 năm qua, vấn đề ô nhiễm môi trường tự nhiên tại Vịnh Hạ Long đã trở nên cấp thiết hơn. Tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ khiến Hạ Long gặp nhiều khó khăn trong thu hút khách du lịch quốc tế trong tương lai, ảnh hưởng đến vị thể của một điểm đến du lịch tự nhiên. Và các vấn đề môi trường tương tự cũng xuất hiện tại các khu vực ven biển ở Việt Nam”, Nhóm Công tác nêu rõ.

Hướng đến “bền vững về môi trường”

Để phát triển du lịch bền vững, Nhóm Công tác Du lịch khuyến nghị các cơ quan quy hoạch đô thị và quản lý du lịch thành phố cần hiểu rõ tầm quan trọng của tài sản di sản với vai trò là nguồn lực kinh tế và quốc gia quan trọng cũng như công nhận giá trị kinh tế và nhu cầu cần được bảo tồn cẩn thận; giữ gìn các bãi biển sạch sẽ và ưu tiên phát triển đa dạng, bền vững.

Đồng thời, áp dụng cách tiếp cận có hệ thống hơn, có chính sách ưu đãi để khuyến khích cam kết và hành động có trách nhiệm của các bên liên quan. Hỗ trợ người dân địa phương thông qua các hoạt động đào tạo và hỗ trợ phát triển kinh tế. Thúc đẩy các hoạt động trực tiếp mang lại lợi ích cho người dân địa phương cũng như quảng bá văn hóa đặc trưng địa phương.

“Nên phổ biến những lời khuyên, tư vấn hữu ích cho khách du lịch; trong đó có thông tin về các vấn đề xã hội nhạy cảm như ứng xử thế nào với trẻ em bán đồ lưu niệm trên đường phố hay ăn xin, lạm dụng tình dục, thăm trường học hoặc trại trẻ mồ côi…Cùng với đó, cung cấp các hướng dẫn, chẳng hạn như “những điều nên và không nên làm cho khách du lịch tại các điểm di sản và tâm linh” để tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc tương tác với người dân địa phương cũng như nâng cao nhận thức của khách du lịch nước ngoài về phong tục địa phương”, Nhóm Công tác Du lịch đề xuất.

Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ ngành cần khuyến khích các trải nghiệm cho phép khách dụ lịch tương tác với người dân địa phương theo những cách có ý nghĩa, tạo điều kiện phát triển các sáng kiến du lịch dự vào cộng đồng. Tăng cường năng lực các bên liên quan trong vấn đề phát triển du lịch có trách nhiệm và sáng kiến hỗ trợ người dân địa phương đề xuất các sáng kiến mang lại lợi ích cho họ, phát triển các hoạt động sinh kế tạo thu nhập như một sản phẩm du lịch.