Vụ san phẳng mộ vợ vua Tự Đức: Vẫn chưa biết di dời hay không?

Thể thao - Ngày đăng : 19:31, 15/07/2018

(TN&MT) - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sau hơn 1 năm xảy ra sự việc thì vẫn chưa biết di dời ngôi mộ vợ của vua Tự Đức hay không?. Hiện chính quyền vẫn đang tìm giải pháp đồng thuận trong việc di dời...
Khu vực đất rộng lớn, trong đó có ngôi mộ vợ vua Nguyễn bị san phẳng để làm bãi đậu xe
Khu vực đất rộng lớn, trong đó có ngôi mộ vợ vua Nguyễn bị san phẳng để làm bãi đậu xe

Liên quan đến sự việc “Lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san phẳng” mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã liên tiếp thông tin trong thời gian vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có buổi làm việc với đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc.

Ông Tôn Thất Giáp- đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cho biết, buổi làm việc ngoài vị Chủ tịch tỉnh và Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc thì còn có sự tham dự của đại diện của các cơ quan khác như Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế...

Theo ông Giáp, UBND Thừa Thiên Huế thừa nhận có sơ suất khi tìm lăng mộ bà Tài nhân mà chưa cắm thẻ để di dời theo quy định.

“Chúng tôi thấy các cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp khi tìm thấy mộ bà Tài nhân đã không cắm thẻ di dời, không thông báo cho Nguyễn Phước tộc. Vấn đề bây giờ là sự việc không còn phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc, mà của toàn thể con cháu, dòng họ trong và ngoài nước...”- ông Giáp nói.

Vẫn chưa biết ngôi mộ khi nào sẽ di dời?
Vẫn chưa biết ngôi mộ khi nào sẽ di dời?

Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin rằng quan điểm của tỉnh là tìm giải pháp phù hợp để tạo sự đồng thuận trong vấn đề lăng mộ của vợ vua Tự Đức.

“Tôi chỉ mới đi khảo sát, thực tế. Việc di dời lăng mộ của vợ vua Tự Đức cần phải nghiên cứu kỹ, tìm các giải pháp hài hòa và tạo sự đồng thuận. Các bên liên quan cần có sự hòa giải và làm sao để có kế hoạch di dời lăng mộ đến địa điểm mới. Tôi cũng muốn giải quyết gọn và khách quan, qua đó tạo sự phát triển… Hiện UBND tỉnh vẫn chưa quyết gì cả; vẫn biết là 10 người 12 ý và để sự việc kéo dài thì e rằng không hay, ảnh hưởng đến tâm tư của người dân”- ông Thọ chia sẻ.

Cũng theo ông Tôn Thất Giáp, đến nay hơn 1 năm, sau khi xảy ra vụ việc lăng mộ vợ vua Tự Đức bị san ủi, Hội đồng Nguyễn Phước tộc đã gửi đơn thư  đến UBND TP. Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị xây dựng lại lăng mộ ngay tại vị trí tìm thấy huyệt mộ. Hội đồng cũng gửi đơn yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương khởi tố tội xâm phạm mồ mả đối với lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Chuỗi Giá Trị và lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế; tuy nhiên, vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản trả lời nào của các cơ quan có trách nhiệm.

“Lăng mộ chưa được xây lại mà chỉ xây tạm, những đơn vị và cá nhân sai phạm không bị xử lý... nên con cháu Nguyễn Phước tộc rất bức xúc”- ông Giáp thông tin.

Hiện phần mộ của bà Tài nhân họ Lê đang được xây tạm thời, lợp tôn, xếp gạch xung quanh, rào bằng lưới B40...
Hiện phần mộ của bà Tài nhân họ Lê đang được xây tạm thời, lợp tôn, xếp gạch xung quanh, rào bằng lưới B40...

PGS. TS Đỗ Bang- Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, đã tìm thấy huyệt mộ của người đã khuất thì nên ứng xử đúng đạo lý với người đã khuất.

Theo TS Bang, ngôi mộ này không phải là ngôi mộ vô chủ, lúc đó hoàng tộc chưa xác nhận được. Bây giờ xác nhận được, nếu muốn cất bốc, di dời phải hỏi ý kiến của thân nhân ngôi mộ.

“Tôi nghĩ, bây giờ phải tôn trọng nguyện vọng của con cháu Nguyễn Phước tộc, nếu họ muốn giữ nguyên thì phải giữ nguyên. Theo đó, về huyệt mộ phải giữ nguyên trạng, thi hài và xây lại lăng mộ theo quy cũ của thế kỷ trước. Về lâu dài, ngôi mộ sau này có thể sẽ trở thành một điểm tham quan của di tích. Về tâm linh, giữ nguyên như vậy đôi khi là điều hay cho bãi đỗ xe...”- PGS.TS Đỗ Bang bày tỏ.

Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã đưa tin, giữa tháng 6/2017 tại Huế xuất hiện thông tin lăng mộ vợ vua Nguyễn bị đơn vị thi công san ủi để thực hiện dự án bãi đậu xe. Sau những nỗ lực tìm kiếm, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều dấu tích khẳng định rằng tại vị trí bị san phẳng làm bãi đậu xe từng có một ngôi mộ cổ.

Việc thi công Dự án Bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức- lăng Đồng Khánh đã được tạm dừng
Việc thi công Dự án Bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức- lăng Đồng Khánh đã được tạm dừng

Cụ thể, tấm bia được xe múc của đội tìm kiếm phát hiện nằm lẫn sâu trong đất, cách vị trí được xác định là khu lăng mộ cổ vài chục mét. Tấm bia được làm bằng đá nguyên khối còn khá nguyên vẹn với chiều dài 67 cm, rộng 32 cm và dày 10 cm. Dòng chữ Hán khắc chìm trên bia là: Tiền triều tài nhân cửu giai Lê Thị Thụy Thục Thuận chi mộ, tạm dịch là “Mộ của bà Tài Nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận”.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Chuỗi Giá Trị (chủ đầu tư) đã nhận trách nhiệm về những sai sót trong quá trình triển khai dự án, trong đó có việc chưa nhận bàn giao mặt bằng đã tiến hành san ủi khu đất dẫn đến sự việc đáng tiếc như vừa qua và gửi lời xin lỗi đến Hội đồng trị sự cùng toàn thể con cháu dòng tộc Nguyễn Phước tộc, người dân Cố đô. Công ty cũng hứa sẽ xây dựng lại mộ theo hướng dẫn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã vừa gửi đơn đến Tòa án nhân dân TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) khởi kiện Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Chuỗi Giá Trị (146 Nguyễn Huệ, TP. Huế- chủ đầu tư) về “Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Đồng thời yêu cầu khởi tố bên liên quan là là Trung tâm phát triển Quỹ đất TP. Huế làm việc thiếu trách nhiệm, quy hoạch xâm lấn hành lang bảo vệ Di sản Văn hóa thế giới là lăng Tự Đức.

Hiện phần mộ vẫn đang được đắp bằng đất, dựng bia, xếp gạch xung quanh, rào bằng lưới B40; dựng khung nhà bằng sắt, lợp mái tôn, diện tích vào khoảng 5m x 8m (40m2). Và dự án bãi đỗ xe cũng đang trong cảnh “án binh bất động”.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.