Thừa Thiên Huế: Khắc phục sai phạm, xử lý trách nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo... bờ kè Kinh thành
Văn hóa - Ngày đăng : 18:35, 10/07/2019
Liên quan đến vụ việc “Tu bổ, tôn tạo... bờ kè Hộ thành hào thuộc Kinh thành Huế” gây nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua, ngày 10/7, chủ dự án là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin, đã tiến hành nghiên cứu, kiểm tra rà soát hồ sơ và họp các bộ phận liên quan để thống nhất kế hoạch, biện pháp khắc phục cụ thể.
Khắc phục sai sót khi tu bổ...
Theo đó, đối với đoạn kè đã thi công, bắt đầu từ đây đến 13/8, đơn vị thi công tiến hành nạo vét lòng hào kết hợp tìm kiếm, trục vớt thu hồi các viên đá cũ còn rơi rớt, sót lại để tái sử dụng theo yêu cầu; khắc phục thiếu sót trong việc thi công mặt ngoài kè đá bằng cách thay thế tối đa bằng đá cũ tại những vị trí chưa đúng với hồ sơ thiết kế được duyệt.
Từ ngày 30/7-30/8, Ban Quản lý Dự án, đơn vị giám sát phối hợp với đơn vị thi công và đơn vị tư vấn rà soát, thu thập tư liệu liên quan đến các đoạn kè theo như phản ảnh còn khá nguyên vẹn nhưng đã hạ giải để nghiên cứu, tu bổ phục hồi thí điểm theo kỹ thuật truyền thống trên nền móng đã được gia cường, cụ thể tại đoạn kè bên trái cửa Quảng Đức đến eo bầu Nam Hưng.
Đối với đoạn kè chưa triển khai thi công, sau khi khắc phục xong những thiếu sót đối với đoạn kè đã thi công, sẽ tổ chức rút kinh nghiệm đoạn đã thực hiện; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Ban Quản lý Dự án Di tích Cố đô Huế phối hợp với đơn vị thi công, đơn vị tư vấn thiết kế là Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung và đơn vị tư vấn giám sát tiến hành rà soát toàn bộ hồ sơ, đối chiếu với hiện trạng để thực hiện các nội dung công việc sau.
Khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng các đoạn kè còn lại của mặt Nam Kinh thành Huế (khoảng 1140 m), tiến hành phân loại mức độ hư hỏng và chất lượng còn lại để xác định giải pháp tu bổ phục hồi theo ý kiến của Cục Di sản văn hóa và các cơ quan thẩm định, phê duyệt.
Thành lập Hội đồng đánh giá di tích theo Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để kiểm tra, xác nhận công tác đánh giá hiện trạng, hạ giải và tận dụng vật liệu gốc trong giải pháp tu bổ phục hồi. Trong quá trình thực hiện sẽ có giải pháp thu hồi tối đa lượng đá cũ, giữ lại tối đa các đoạn kè nguyên gốc đảm bảo đủ kích thước, ổn định và khả năng chịu lực để bảo tồn tu bổ nguyên trạng.
Tổ chức thông tin nội dung dự án theo đúng quy định hiện hành để tiếp nhận ý kiến đóng góp trong quá trình thực hiện, tạo sự đồng thuận; Quản lý chặt chẽ công tác tổ chức thi công, tăng cường công tác giám sát thi công và thường xuyên kiểm tra đôn đốc tại hiện trường, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh vướng mắc nếu có...
Xử lý tập thể, cá nhân liên quan
Cùng với việc khắc phục các hạn chế tồn tại, thiếu sót, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng tiến hành kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan...
Cụ thể, đối với đơn vị thi công, tư vấn thiết kế là Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung, đình chỉ toàn bộ các thành viên tổ cán bộ kỹ thuật thi công, chỉ huy trưởng công trường vì những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện dự án, yêu cầu viết báo cáo kiểm điểm, giải trình để có biện pháp xử lý phù hợp.
Đề nghị không được tham gia chủ trì thiết kế các công trình tương tự trong vòng 3 năm đối với chủ trì thiết kế công trình và 2 năm đối với cán bộ thiết kế công trình trên. Đề nghị xử lý khiển trách với Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung, chủ trì hợp đồng thực hiện dự án do thiếu sâu sát trong công tác quản lí tổ chức thi công dẫn đến những hạn chế, thiếu sót trên.
Đối với tư vấn giám sát công trình - Ban tư vấn Bảo tồn di tích Huế, điều chỉnh công tác toàn bộ các thành viên tổ giám sát công trình sau khi chịu trách nhiệm cùng với đơn vị thi công hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, thiếu sót của đoạn kè đã thi công; Các thành viên tổ giám sát, Giám đốc Ban tư vấn Bảo tồn di tích Huế phải có bản kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể cá nhân để Hội đồng kỷ luật Trung tâm xem xét, xử lý theo quy định.
Đối với đơn vị quản lý dự án- Ban Quản lý dự án di tích Cố đô Huế, điều chỉnh công tác các thành viên liên quan trong tổ quản lý dự án tham gia công tác chuẩn bị đầu tư đối với dự án trên; Các thành viên liên quan tổ quản lý dự án, tổ quản lý kỹ thuật công trường và Giám đốc Ban Quản lý dự án phải có bản kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể cá nhân để Hội đồng kỷ luật Trung tâm xem xét, xử lý theo quy định.
Đối với chủ đầu tư -Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các thành viên liên quan việc quản lý điều hành của chủ đầu tư và Giám đốc Trung tâm có bản kiểm điểm, xác định trách nhiệm để Hội đồng kỷ luật Trung tâm xem xét, xử lý theo quy định...
Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, Hộ thành hào là hào nước bao bọc quanh Kinh thành Huế được triều Nguyễn xây dựng từ năm 1832. Công trình được đắp bằng đá núi (đá gan gà) theo kỹ thuật xếp đá khan không sử dụng vữa kết dính. Đây là một phần trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Sau gần 200 năm tồn tại cùng Kinh thành Huế, Hộ thành hào dần xuống cấp.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” với tổng mức đầu tư hơn 1.280 tỉ đồng. Trong đó, có hạng mục “Tu bổ, tôn tạo hệ thống kè Hộ thành hào” có tổng chiều dài gần 20km (gồm 2 mặt hào).
Phương án tu bổ là “Bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ, phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ”. Tuy nhiên, trong thời gian mới tu bổ chỉ tầm 1 km bờ kè từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài vào tháng 4 vừa rồi, dư luận đã bức xúc cho rằng đơn vị thi công đã đưa các phương tiện cơ giới phá bờ kè gốc của hào nước sau đó xây kè gần như mới bằng bê tông, cốt thép.
Ngay sau khi dư luận xôn xao, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lập tức yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương cho dừng và rà soát vụ việc...