ĐBQH Dương Minh Tuấn: “Đề nghị Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề thực nghiệm trước khi đưa vào giảng dạy chính thức”

Văn hóa - Ngày đăng : 15:04, 21/05/2019

(TN&MT) – Phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng 21/5 về dự án “Luật Giáo dục sửa đổi), Đại biểu Dương Minh Tuấn - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề thực nghiệm trước khi đưa vào giảng dạy chính thức.
Toàn cảnh
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 21/5. Ảnh: Quốc Khánh

Bày tỏ cơ bản thống nhất với dự thảo luật và thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng ông cùng các đại biểu tham gia qua nhiều kỳ liên quan đến dự thảo luật này. Đại biểu Dương Minh Tuấn góp ý:

Thứ nhất, về thí điểm thực hiện. Vấn đề này 2, 3 lần trước tôi cũng tham gia ý kiến. Tại Hội nghị cán bộ chuyên trách tôi cũng đặt vấn đề này. Hôm nay dự thảo luật có điều chỉnh có lần thực nghiệm, có lần thí điểm, có lần thí nghiệm nhưng lần này lại thực nghiệm. Trong thời gian qua, vấn đề thực nghiệm trong giáo dục hết sức cần.

Tuy nhiên, Đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết, ông có một điều băn khoăn, đó là trong dự thảo luật này gồm 119 điều có đến 18 điều có giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nội dung. Cụ thể, như điều 6, 9, 10, 11, 12, 27, 47, 48, 52, 65, 72, 77, 83, 85, 96, 100, 104, 105. Tuy nhiên, ông Dương Minh Tuấn cho biết mình vẫn băn khoăn vì sao vấn đề thực nghiệm, thí nghiệm, thí điểm trong giáo dục thời gian qua có rất nhiều vấn đề vướng mắc nhưng vẫn không có quy định cụ thể ai chịu trách nhiệm về vấn đề thực nghiệm này.

“Tôi đề nghị trong Điều 31 vấn đề về thực nghiệm trong giáo dục trước khi ra giảng dạy chính thức mà dùng học sinh để làm phương tiện để mình thí điểm, thực nghiệm phải quy định thêm một ý, đó là "Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề thực nghiệm trước khi đưa vào giảng dạy chính thức" - Đại biểu Dương Minh Tuấn kiến nghị.

2105 duong minh tuan ba ria vung tau 1
Đại biểu Dương Minh Tuấn phát biểu đóng góp vào Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 21/5. Ảnh: Quốc Khánh

Thứ hai, Điều 28 về độ tuổi đi học. Theo quy định của Điều 28 độ tuổi vào lớp 1 là 6 tuổi, vào lớp 6 là 11 tuổi, vào lớp 10 là 15 tuổi. Đối với trường hợp thấp hoặc cao hơn dự luật có quy định đối với những trường hợp phát triển sớm về trí tuệ thì có thể học sớm. Nhưng đối với học sinh học trễ, tuổi cao hơn thì có 6 khoản được đi học: Một là học sinh người dân tộc thiểu số; Hai là học sinh khuyết tật, kém phát triển; Ba là học sinh mồ côi, không nơi nương tựa; Bốn là học sinh hộ nghèo; Năm là học sinh người nước ngoài về nước; Sáu là học sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Như vậy, theo Đại biểu Dương Minh Tuấn,  không nằm trong những trường hợp này mà con của phụ huynh ở điều kiện tốt, không khó khăn như ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, quận, huyện muốn học qua tuổi đó cũng không thể vào trường được. Hay con em đang mắc bệnh phải điều trị, bỏ dở qua năm sau mới được vào lớp 1, lớp 6, lớp 10.

“Nếu theo luật này thì không thể học được trong điều kiện không phải là vùng khó khăn. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại, nếu đúng vậy thì chỉnh lại là hơn tuổi nhưng có lý do vẫn được học. Nếu quy định cứng như vậy thì học sinh không thể vào học đối với những vùng bình thường. Chủ trương của chúng ta là phổ cập cấp I, II. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm” - Đại biểu Dương Minh Tuấn nói.

Về triết lý giáo dục, Đại biểu Dương Minh Tuấn hoàn toàn đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu. Triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện qua các quy định ở mục tiêu, tính chất, nguyên lý, quan điểm phát triển giáo dục tại các Điều 2, Điều 3, Điều 4 thể hiện nhất quán tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại.

Đại biểu Dương Minh Tuấn  cũng báo cáo với Quốc hội qua tiếp xúc cử tri, qua mời chuyên gia đóng xây dựng góp luật thì hầu như cơ bản đồng tình nhưng rất nhiều đại biểu tham gia đóng góp luật đặt vấn đề trong tình hình hiện nay và từ trước tới giờ. Vì vậy, Đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị Quốc hội cố gắng xem xét sao có được sáu chữ gắn trong luật này. Đó là “tiên học lễ, hậu học văn" thể hiện nhất quán từ xưa đến nay của Đảng về vấn đề giáo dục của chúng ta...