Giới thiệu hiện vật, tài liệu phác họa chân dung Hồ Chủ tịch

Văn hóa - Ngày đăng : 17:50, 17/05/2019

Một trưng bày chuyên đề giới thiệu với công chúng những hiện vật, tài liệu đặc biệt, quý giá phác họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người bình dị mà...

 

Sáng 17/5, lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” đã được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2019); 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2019); tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 
 

4


Trưng bày chuyên đề lần này giới thiệu đến công chúng những hiện vật, tài liệu đặc biệt, quý giá phác họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người bình dị mà vĩ đại - lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn của thế giới, người chiến sĩ biểu tượng cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do. 

Bảo tàng đã chọn lựa một phần hiện vật gắn với cuộc đời của Bác trong quá trình quan hệ, hợp tác đối ngoại, vận động  sự giúp đỡ của nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Đảng, nhân dân ta…

5
Bút tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia


Với 200 tài liệu, hiện vật, ảnh tiêu biểu, trưng bày giới thiệu với người xem 2 nội dung. Phần thứ nhất có chủ đề “Hồ Chí Minh - Trọn đời vì nước vì dân” thể hiện khát vọng cháy bỏng của Bác trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, mong muốn nhân dân luôn có cơm ăn, áo mặc, đất nước phồn thịnh, trọn đời Bác sống cho mọi người. Phần thứ hai  “Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại” thể hiện sự kính trọng của nhân dân thế giới với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Nội dung trưng bày bám sát nhiều giai đoạn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ và sau khi đất nước giành độc lập, phát triển kinh tế, chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, suốt cuộc đời vì hạnh phúc của nhân dân.

Đó là những tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn trưng bày gồm: Đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày; tặng phẩm; bản thảo, bút tích, các bài báo, tác phẩm... của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Công chúng cũng được tận mắt xem các hiện vật đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ Chính phủ công nhận là “Bảo vật quốc gia” trong đợt đầu tiên (năm 2012) như: Cuốn "Đường Kách mệnh”, tác phẩm “Ngục trung nhật ký”, bút tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” và nhiều hiện vật, hình ảnh giá trị như: Ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam nhất định không bao giờ chịu làm nô lệ một lần nữa tại Tòa thị chính Paris, tháng 9/1946”; Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Versailles (Pháp) tháng 6/1919; chiếc gầu tát nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nông dân tát nước chống hạn trên cánh đồng Quang Tó, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội) ngày 12/1/1958; ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp bản nhạc “Kết đoàn” trong buổi dạ hội chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9/1960…

7
Bộ dao cạo râu do Henri Martin, chiến sĩ hòa bình Pháp, tặng Bác Hồ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Ban Tổ chức còn giói thiệu những món quà của nhân dân Việt Nam tặng Bác, như: Áo, bức vẽ, ấm chén, túi, khăn đội đầu, vòng, quả còn... hay quà tặng của chính phủ, nhân dân các nước trên thế giới tặng Người...

Nhân dịp này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận một số hiện vật, tư liệu do nhân dân hiến tặng, trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười do ông Phan Trọng Kính, nguyên Thư ký của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười trao tặng./.