Đổi mới kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức

Văn hóa - Ngày đăng : 15:14, 11/05/2019

(TN&MT) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia để thực hiện những điều chỉnh, bổ sung trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 (gọi tắt là Kỳ thi) theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018, không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên (GV), học sinh (HS) cũng như xã hội. 
Đổi mới kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức (Ảnh minh hoạ)
Đổi mới kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức (Ảnh minh hoạ)

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tổ chức lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học (ĐH) và giáo dục nghề nghiệp. Kỳ thi có một số điểm mới như: Quy định rõ nội dung đề thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi tiếp tục theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi mở, câu hỏi có tính ứng dụng để phát huy sáng tạo của học sinh chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn. Đề thi có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đáp ứng mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi có tác dụng phân hóa ở mức độ hợp lý để hỗ trợ công tác tuyển sinh giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp; các câu hỏi được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài. Để hỗ trợ cho GV, HV trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi, Bộ GDĐT đã sớm xây dựng và công bố bộ đề thi tham khảo (công bố 14 đề thi tham khảo vào ngày 06/12/2018). 
Một điểm mới khác của kỳ thi là tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT (70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT: 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh; thay vì tỷ lệ 50:50 như trước đây) để tăng ý nghĩa, tính chất của Kỳ thi THPT quốc gia. 
Để Kỳ thi nghiêm túc, công bằng, kết quả có độ tin cậy, chủ động phòng, ngừa, phát hiện các sai phạm, gian lận, Bộ GDĐT cũng sẽ thực hiện một số điều chỉnh cụ thể về tổ chức và kỹ thuật trong tất cả các khâu tổ chức thi.