Đặc sắc Festival nghề truyền thống Huế 2019

Văn hóa - Ngày đăng : 16:02, 17/04/2019

(TN&MT) - Trong lần thứ 8 được tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế 2019 gồm 16 nhóm nghề với sự tham gia của hơn 60 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng trong cả nước. Năm  nay, lễ hội này có nhiều điểm khác biệt hơn, hứa hẹn sẽ đặc sắc và hấp dẫn cho người dân và du khách...
Festival nghề truyền thống Huế 2019 sắp diễn ra với nhiều điểm mới lạ, hấp dẫn
Festival nghề truyền thống Huế 2019 sắp diễn ra với nhiều điểm mới lạ, hấp dẫn

Song song với Festival Huế vào các năm chẵn, Festival Nghề truyền thống Huế được tổ chức xen kẽ vào các năm lẻ đã 7 lần và trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Huế. Mặc dù cấp độ tổ chức chỉ là UBND TP. Huế, nhưng tầm vóc của Festival này thì vượt ra khỏi biên giới của địa phương, từng bước khẳng định vị thế của một lễ hội hàng đầu và mang tính đặc trưng trong cả nước, thậm chí lan tỏa quốc tế... 

Năm nay, với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”, Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 26/4 đến hết ngày 2/5.

Nhiều điểm nhấn

Festival Nghề năm nay có sự tham gia của trên 350 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như: Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đà Lạt, Đồng Tháp, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế.

Sẽ có 16 nhóm nghề tham dự, gồm: Thêu, Kim hoàn, Mộc mỹ nghệ, Đồng, Gốm, Nón lá, Hoa giấy, Thư pháp, Tranh, Diều, Dệt - May, Mây tre, Pháp lam, Nhang trầm, Tinh dầu, Lân -  Sư - Rồng, các sản phẩm có thương hiệu và truyền thống lâu đời; với sự tham gia của 62 làng nghề, cơ sở nghề.

Có hơn 60 làng nghề, cơ sở nghề với trên 350 nghệ nhân tham gia
Có hơn 60 làng nghề, cơ sở nghề với trên 350 nghệ nhân tham gia

Bên cạnh giới thiệu sản phẩm độc đáo của các nghề, làng nghề truyền thống, ngành y học cổ truyền vốn là đặc trưng của Huế, vì vậy tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 sẽ có hình thức tổ chức cho các thầy thuốc đông y khám chữa bệnh và phô diễn tài năng. Ngoài ra, sẽ có 17 đoàn khách quốc tế và 11 thành phố, tổ chức quốc tế tham dự như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là tính quốc tế mà Ban tổ chức đã thiết lập thông qua mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Huế và các địa phương ngoài nước.

Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào 20h30 ngày 26/4/2019 tại sân khấu Quảng trường Quốc Học. Đây là chương trình ca múa nhạc đặc biệt kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật với ngôn ngữ hiện đại, trên nền bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu đất nước quê hương, giới thiệu Huế, các ngành nghề đặc trưng, tinh hoa thủ công mỹ nghệ truyền thống...

Ngoài các chương trình có dấu ấn từ Festival trước như Lễ hội Áo dài, Lễ tế tổ bách nghệ - Lễ rước tôn vinh nghề, Lễ hội ẩm thực, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Huế, Festival lần này sẽ có thêm Lễ hội hoa, chương trình nghệ thuật của các ca sĩ nổi tiếng đến từ Hàn Quốc...

Đây là dịp để các nghệ nhân trên cả nước tranh tài tay nghề
Đây là dịp để các nghệ nhân trên cả nước tranh tài tay nghề

Bà Phạm Thị Quỳnh Dao - Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP. Huế cho hay, cách bố trí không gian giới thiệu nghề truyền thống tại Festival năm nay cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Ban tổ chức đã bố trí, sắp đặt nhiều không gian với hình thức trang trí đẹp, mang tính nghệ thuật như: Không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; Không gian giới thiệu sản phẩm truyền thống của các thành phố quốc tế; Không gian Sen và Thổ cẩm; Không gian Lụa và Áo dài (trong đó có dịch vụ may áo dài nhanh); Không gian Đông y Huế; Không gian Mây tre đan; Không gian Diều và Thư pháp... Mỗi không gian là một câu chuyện về nghề, giới thiệu tập trung những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế.

“Bên cạnh đó, chúng tôi còn bố trí một không gian đi bộ và cảnh quan với cầu đi bộ trên sông Hương kết nối với hệ thống đường đi bộ bờ Nam sông Hương cùng phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu. Tất cả tạo thành một không gian nên thơ trải dài dọc bờ sông Hương với nhiều hoạt động hấp dẫn trong ngày hội Festival...”- bà Dao nói.

Tạo giá trị thương hiệu

Trong hội nghị lấy ý kiến về việc tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế, nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa Huế rất đồng tình về việc kéo dài thời gian tổ chức Festival dài hơn 2 ngày so với Festival nghề truyền thống Huế 2017 (26/4 đến 2/5/2019) bởi cho rằng, cần thời gian đủ dài để du khách trải nghiệm, các nghệ nhân giới thiệu tay nghề và những sản phẩm tâm huyết. Không chỉ vậy, đây cũng là cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc các làng nghề giới thiệu và bán được nhiều sản phẩm hơn cho du khách. 

Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, Festival Nghề truyền thống Huế tổ chức lần thứ 8 là một trong những sự kiện kinh tế và văn hóa tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua sự kiện này nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị tinh hoa của làng nghề truyền thống và những giá trị đặc trưng của văn hóa Huế đối với du lịch trong nước và quốc tế, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề thủ công truyền thống, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch xanh, bền vững, có trách nhiệm, gắn với quá trình thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam.

Festival nghề góp phần khôi phục, hỗ trợ và phát triển làng nghề truyền thống, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu trên cả nước
Festival nghề góp phần khôi phục, hỗ trợ và phát triển làng nghề truyền thống, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu trên cả nước

“Huế là một trong những vùng di sản rất đặc trưng, trong khu vực miền Trung có con đường di sản nối giữa Quảng Bình - Huế - Quảng Nam, thông qua Festival lần này chúng ta có thể kết nối du khách trong một lần đi đến 3 vùng di sản, qua đó giới thiệu hành trình tour du lịch di sản giới thiệu Huế và các địa bàn đặc trưng du lịch...”- ông Chung nhận định.

Theo ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND TP. Huế và là Trưởng Ban tổ chức, sự trưởng thành của lễ hội không chỉ qua số lượng các làng nghề đăng ký ngày càng đông, mà còn ở tính chuyên nghiệp trong cách tổ chức, chủ trương xã hội hóa cũng được thể hiện rõ và ngày càng nhận được sự hưởng ứng của các nghệ nhân, làng nghề, doanh nghiệp và nhân dân.

“Chúng tôi có kế hoạch chuẩn bị sớm, phân công cụ thể từng bộ phận và thành lập các tiểu ban, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá trên tất cả các hình thức: từ việc dán sticker trên các phương tiện giao thông công cộng, trên mạng xã hội facebook, trên tin nhắn di động SMS đến việc mở các hoạt động quảng bá tại các thành phố lớn trong nước, thậm chí là tranh thủ quảng bá ở nước ngoài khi các đoàn thành phố đi ngoại giao, công tác. Chúng tôi mong muốn tạo ra được không khí ngay từ khi lễ hội chưa bắt đầu”- ông Thành chia sẻ.

Cũng theo ông Thành, qua các hoạt động Festival Nghề truyền thống Huế 2019, mục đích mà UBND TP. Huế, Ban tổ chức hướng đến là tiếp tục tổ chức một lễ hội quy mô, có chất lượng, hiệu quả, tầm cỡ quốc gia và mang tầm quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch - văn hóa Huế qua đó lôi kéo du khách đến Huế nhiều hơn; phát huy thương hiệu và vị thế của Huế - thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực, có hiệu quả việc khôi phục, hỗ trợ và phát triển làng nghề truyền thống và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu trên cả nước; nhất là mong muốn tạo điều kiện các nghệ nhân có lợi nhuận, cung ứng nhiều sản phẩm cho thị trường...