Thưởng thức tinh hoa nghệ thuật cắm hoa Ikebana Nhật Bản giữa lòng Phố cổ Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 14:02, 31/03/2019
Ikebana là môn nghệ thuật truyền thống có từ lâu đời ở Nhật và được khai sáng bởi nhà Ikenobo, có ý nghĩa diễn tả lại sự sống và phát triển của hoa cỏ ngoài tự nhiên.
Ikebana được gây dựng lại ở Việt Nam cách đây 5 năm bởi nghệ nhân Thai Mai Văn - giảng viên cao cấp của học viện Monako Ikebana tại Pháp. Bắt đầu từ trang mạng xã hội, nghệ nhân Thai Mai Văn đã đưa đến cho cộng động yêu hoa ở Việt Nam những khái niệm ban đầu về Ikebana. Đến nay, cộng đồng này đã có hơn 7.000 thành viên từ khắp nơi trên dải đất hình chữ S.
Bà Lê Phạm Việt Hà - Giảng viên về Ikebana chia sẻ: Bên cạnh kịch Noh, Trà đạo, Origami, Nhật Bản còn sở hữu nghệ thuật cắm hoa nổi tiếng thế giới Ikebana. Nếu như các quốc gia khác ưa thích hình thể và màu sắc của các bông hoa thì người Nhật lại chú trọng vào đường nét.
Ikebana còn được biết với cái tên kado - "hoa đạo", đây được xem là một trong những môn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản xuất hiện hơn 600 năm nay bắt nguồn từ một nghi thức hiến tế hoa cho những linh hồn đã chết của Phật giáo. Với Ikebana hoa sẽ được cắm hài hòa với màu sắc và bài trí của phòng, bình cắm... tượng trưng cho thiên, địa, nhân (trời, đất, con người).
Một điểm chung trong tất cả những hình thức cắm hoa Ikebana, cho dù chúng trông đều khác nhau, chính là "vẻ đẹp của cây cỏ", yếu tố thẩm mĩ quan trọng nhất của Ikebana chính là sự trân trọng vẻ đẹp tự nhiên và nghị lực vươn lên sống vì tương lai của mỗi loài hoa cỏ. Trong nghệ thuật cắm hoa trường phái Ikenobo, không chỉ hoa đang nở mà chính nụ, cành lá cũng được dùng để biểu hiện vẻ đẹp của sự sống, bởi nó tràn trề sức sống hướng về tương lai.
Ngày nay, Ikebana đã lan rộng ra trên toàn thế giới và trở thành một bộ môn nghệ thuật thu hút được sự yêu thích của những người yêu nghệ thuật. Ikebana mang hơi thở, sức sống tinh túy của Nhật Bản và trở thành cầu nối văn hóa của các nước trên thế giới với Nhật Bản.
Họa sĩ Đỗ Vy Anh cho biết: Ikebana không chỉ đơn giản là kỹ năng sắp xếp, bố trí các loại hoa mà còn mang những nét đẹp văn hóa, gửi gắm tình yêu thiên nhiên. Khi sáng tạo nên một tác phẩm Ikebana, người cắm hoa phải thấy được nét đẹp của hoa đang chuyển động theo hướng nào, bông hoa đó đẹp nhất ở hướng nào để truyền sức sống cho tác phẩm của mình.
Do đó, Ikebana còn được biết đến với cái tên “hoa đạo”. Chữ “đạo” ở đây ngoài ý nghĩa là “con đường” còn là “đạo đức”, hay nói cách khác là tâm thế của người học khi tiếp cận với Ikebana. Đó là sự trân trọng, yêu mến thiên nhiên.
Khác với nghệ thuật cắm hoa của người phương Tây, luôn nhấn mạnh vào các màu sắc và số lượng của vật liệu, hướng sự chú tâm vào vẻ đẹp của các bông hoa, người Nhật Bản lại chú trọng về các đường nét của cách xếp đặt, lối bố cục, và họ đã phát triển nghệ thuật cắm hoa bao gồm cả cành, cuống, lá cũng như hoa. Ngay cả khi chỉ một loại hoa được sử dụng thì người cắm hoa cũng cố gắng để biến bình hoa đó thành một biểu tượng hoàn hảo của thiên nhiên. Người Nhật quan niệm, mỗi vị trí của hoa và lá mang một ý nghĩa riêng trong tác phẩm.
Nghệ thuật Ikebana có 3 phong cách cơ bản là: Rikka, Shoka và Jiyuka. Rikka là phong cách cắm hoa ra đời sớm nhất và phổ biến nhất. Một bình hoa theo phong cách Rikka sử dụng nhiều nguyên liệu, trong đó luôn có 7 cành. Rikka giống như một bức tranh phong cảnh thể hiện núi rừng, hoa cỏ, làng mạc. Một tác phẩm theo phong cách Rikka chứa đựng những triết lý âm dương, triết lý nhân sinh của con người.
Phong cách cắm hoa Shokka giản lược hơn nhiều so với Rikka. Shoka thể hiện vẻ đẹp giản dị của tự nhiên bằng việc sử dụng ít cành lá nhưng thể hiện sự vươn lên hướng về Mặt trời. Shoka theo thuyết thiên - địa -nhân, trong đó có 3 cành chính với tên gọi là Shin - Soe - Tai, tượng trưng cho sự hòa hợp của trời, đất và con người. Người Nhật thường dùng phong cách cắm hoa Shoka để trang trí nhà cửa trong những ngày đầu năm mới...